04/11/2009 - 07:09

Kỹ sư chế tạo máy nông nghiệp "siêu" rẻ

Kỹ sư Ngô Văn Hóa kiểm tra kỹ thuật chiếc máy tách hạt giống lúa “siêu” rẻ.

Bức xúc chuyện nông dân thiếu máy móc thực hiện cơ giới hóa sản xuất trên đồng ruộng, bằng nhiệt huyết của mình, kỹ sư Ngô Văn Hóa đã cải tiến, chế tạo nhiều loại máy và bán giá rẻ cho nông dân sử dụng...

Kỹ sư Ngô Văn Hóa, hiện đang công tác tại Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, đã nghiên cứu và chế tạo thành công chiếc máy tách hạt giống lúa có công suất tách 500kg hạt giống/giờ, chỉ tiêu hao khoảng 5kw giờ điện, giá bán “siêu” rẻ... 21 triệu đồng/máy. So với các loại máy tách hạt giống lúa đang bán trên thị trường, giá từ 70-220 triệu đồng/máy nhưng công suất làm việc tương đương, ưu điểm của chiếc máy “siêu” rẻ vừa gọn nhẹ, dễ di chuyển, sử dụng điện sinh hoạt gia đình. Lô hàng sản xuất thương mại đầu tiên 4 chiếc được nông dân “rinh” hết. Trong đó, Công ty Giống Mỹ Thạnh (Cần Thơ), HTX nông nghiệp Vàm Nao và HTX giống Vĩnh Lợi (huyện Chợ Mới) mua ba máy. Chiếc còn lại được giới thiệu tại Hội nghị công tác giống lúa (15-10-2009, tại TP. Long Xuyên) được các nhà khoa học ở Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đánh giá cao về hiệu quả kinh tế. Sau đó, chuyển giao cho tổ giống Ba Thê (huyện Thoại Sơn).

Năm 1987, kỹ sư Hóa tốt nghiệp Khoa Cơ khí nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, rồi về đầu quân cho ngành nông nghiệp tỉnh An Giang. Có điều kiện đi sát cùng bà con nông dân, anh thấu hiểu nỗi khó khăn trong sản xuất, thiếu kỹ thuật và cả phương tiện máy móc để thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng, hiệu quả sản xuất của nông dân chưa như mong đợi. Anh tâm sự, khi ngành nông nghiệp có chủ trương khuyến khích nông dân sản xuất theo chương trình ba giảm, ba tăng mà khâu sạ hàng là quyết định giảm giống để giảm hàng loạt các khâu như giảm phân bón, thuốc trừ sâu, nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Thế nhưng, dụng cụ sạ hàng của Viện lúa ĐBSCL đưa ra cho nông dân sử dụng vừa nhỏ, vừa ngắn, vừa nặng và công suất thấp, trong khi đồng ruộng mênh mông. Anh bắt tay cải tiến, thay thế vật liệu sắt bằng nhựa cho nhẹ, tăng chiều dài và mở rộng ngăn chứa lúa để nâng công suất gấp đôi và giảm giá bán.

Vừa thành công với dụng cụ sạ hàng, đến mùa, thấy thiếu nhân công thu hoạch lúa, trong khi các loại máy gặp xếp dãy bán trên thị trường giá khá cao, nông dân với không tới, anh lại nảy ra ý tưởng mới. Lần này, anh dựa vào nguyên lý chiếc máy gặt xếp dãy của Viện Lúa quốc tế để chế tạo, nâng công suất lên gấp 3 lần, cắt được lúa ngã nghiêng 30 độ, cắt theo chiều cao tùy ý, ít hao hụt, gọn nhẹ và dễ di chuyển nhưng giá bán thấp hơn rất nhiều. Rồi đến chuyện mưa bão, nông dân khóc vì lúa mọc mộng, trong khi các loại lò sấy trên thị trường giá cao nhưng công suất thấp, tốn nhiều nhân công cào trở... Anh cải tiến cái lò sấy để nâng công suất từ 4 tấn lên 6-8 tấn/mẻ, giảm nửa số người làm việc. Còn chiếc máy phun thuốc bảo vệ thực vật tự hành (động cơ xăng) cần phun dài 8 mét, một người phun được 3 ha/ngày.

Hiện, máy gặt đập liên hợp đang phát huy tác dụng nhu cầu cơ giới khâu thu hoạch nên anh tập trung sản xuất máy phun xịt thuốc trừ sâu, lò sấy lúa và máy phân ly tách hạt giống lúa, đáp ứng nhu cầu nông dân. Các loại máy do anh chế tạo giá bán thấp hơn từ 30%-70% giá thị trường.

Mới đây, tại Hội nghị Công tác giống lúa năm 2009, ở TP Long Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng đã biểu dương, khen ngợi chiếc máy tách hạt giống lúa “siêu” rẻ của kỹ sư Ngô Văn Hóa. Ông Năng nói rằng, thành công của chiếc máy tách hạt giống đã góp phần quan trọng giúp nông dân cải thiện chất lượng giống lúa...

Bài, ảnh: VŨ HÀ

Chia sẻ bài viết