26/10/2017 - 22:30

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Thảo luận hai dự án luật sửa đổi, bổ sung 

Ngày làm việc 26-10, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CQĐD nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các đại biểu Quốc hội cho rằng Luật được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu cấp bách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, hạn chế, ngăn ngừa tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng. Qua đó, xử lý căn bản và triệt để nợ xấu, các tổ chức tín dụng yếu kém bằng hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động tổ chức tín dụng.

Góp ý quy định phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, các đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) có ý kiến: Cần làm rõ các quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, trách nhiệm của các bên liên quan trước và sau cơ cấu lại. Cần thiết kế cơ chế để minh bạch việc sử dụng ngân sách trực tiếp hoặc sử dụng gián tiếp trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Đề nghị giữ lại quy định miễn trách nhiệm cho người tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Đại biểu có ý kiến đề nghị cần quy định và quản lý chặt chẽ việc kéo dài nhiệm kỳ Đại sứ, cần khắc phục việc Đại sứ đương nhiệm kéo dài thời gian công tác khi đã kết thúc nhiệm kỳ vì lý do Đại sứ mới chưa làm xong thủ tục nội bộ hoặc chưa có chấp thuận của nước sở tại đối với Đại sứ nhiệm kỳ mới. Các đại biểu đề nghị trong trường hợp cần thiết phải gia hạn nhiệm kỳ đối với Đại sứ do yêu cầu công tác đối ngoại, phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn hoặc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện.

Về tuổi bổ nhiệm Đại sứ, dự thảo Luật quy định Đại sứ phải trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

TTXVN

Chia sẻ bài viết