29/05/2020 - 08:50

Việt Nam trên chặng đường gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan

Kỳ 1: Mang cả Việt Nam thu nhỏ đến Bentiu 

Tháng 5 có một ngày đặc biệt: Ngày quốc tế Gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (29-5). Càng gần đến ngày này, những kỷ niệm về chuyến công tác đầu tiên đến Phái bộ GGHB Liên hợp quốc (LHQ) ở Nam Sudan càng trỗi dậy mạnh mẽ trong trí nhớ của tôi. Đó là cuối năm 2019, khi tôi được Báo Quân đội nhân dân cử tham gia đoàn tiền trạm của Cục GGHB Việt Nam sang Nam Sudan để hỗ trợ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDCC2.1) về nước và đưa BVDCC2.2 tới thực hiện nhiệm vụ tại quốc gia non trẻ nhất thế giới này.

Chúng tôi đã không giấu nổi cảm giác hồi hộp xen lẫn tò mò khi nghe nữ tiếp viên người Nga nói rằng, chỉ còn khoảng 15 phút nữa, chiếc trực thăng MI8 của LHQ xuất phát từ thủ đô Juba sẽ hạ cánh xuống Bentiu, nơi BVDCC2 của Việt Nam được triển khai từ tháng 10-2018.

Góc xanh hiếm hoi trong lòng căn cứ

Điều ghi nhận đầu tiên của tôi ở Căn cứ Bentiu là căn cứ này được nối với nhau bằng con đường đất ngoằn nghèo, mỗi lần xe chạy qua bụi bay mù mịt, khác xa với tưởng tượng của tôi khi đặt chân đến đây. Nhưng nên biết rằng, Bentiu là một trong những căn cứ lớn của Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan, với lực lượng của rất nhiều quốc gia, tổng cộng lên tới hơn 1.600 người, chưa tính nhân viên của các tổ chức dân sự khác như: Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), Tổ chức Lương thực thế giới (WFP), Tổ chức quốc tế về người di cư (IOM)... và Khu Bảo vệ thường dân (POC) của LHQ với hơn 100.000 người tị nạn Nam Sudan. 

Nếu không nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng phất phới trong gió và tấm biển “Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Bentiu” ở cổng vào, thật khó phân biệt đâu là nơi đóng quân của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế đến từ dải đất hình chữ S. Bởi hầu hết các đơn vị ở căn cứ này đều khá giống nhau với những dãy nhà container hình chữ nhật hoặc nhà bạt, thoạt nhìn đã có cảm giác khô cứng, đơn điệu. Bệnh viện dã chiến của Việt Nam nằm trong vùng lõi của căn cứ, với nhiều đơn vị khác triển khai xung quanh, ngay sát cạnh là hai đơn vị công binh của Anh và Ấn Độ.


Cán bộ, nhân viên của BVDCC2.1 thu hoạch mướp tự trồng. Ảnh: THÀNH CÔNG. 

Chỉ đến khi bước sâu vào khu nhà ở của cán bộ, nhân viên BVDCC2.1 Việt Nam mới thấy sự khác biệt lớn. Nơi đây hệt như một ốc đảo xanh giữa “điểm nóng” Bentiu. Trung tá Trần Xuân Thảo, Trưởng ban Hậu cần-Kỹ thuật của BVDCC2.1 dẫn cả đoàn tiền trạm đi vòng quanh đơn vị và lần lượt giới thiệu với vẻ đầy tự hào: Vườn rau đủ loại rộng 300m2 này là do bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện tự tăng gia, giàn mướp trĩu quả dọc hai dãy nhà ở cũng do anh em dày công chăm sóc hằng ngày… Tất cả tạo nên một khoảng xanh hiếm hoi trong lòng căn cứ khô cằn do quanh năm phải phơi mình trước nắng gió.

Đến Bentiu, dễ nhận thấy đây là vùng đất rất khắc nghiệt, trời nắng như thiêu như đốt, nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới 45-50 độ C. Cũng vì thế nên để biến những khoảnh đất khô cằn thành những luống hoa, vườn rau là nỗ lực từng ngày của cán bộ, nhân viên, y sĩ, bác sĩ BVDCC2.1. Và không quá khi nói rằng, chỉ sau hơn một năm BVDCC2.1 đến nơi này, mọi thứ đều như trải qua một cuộc lột xác kỳ diệu.

Từ mệnh lệnh đặc biệt

Không lâu sau khi BVDCC2.1 của Việt Nam được triển khai tại căn cứ Bentiu, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm Nam Sudan với mệnh lệnh đặc biệt dành cho đội ngũ bảo đảm hậu cần của bệnh viện: “Tuyệt đối không được để anh em đói!” 

Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc BVDCC2.1-một trong những người đầu tiên tôi có dịp trò chuyện ở căn cứ Bentiu lần lượt giở những bức ảnh mà anh chụp khi mới đến Nam Sudan rồi kể lại: Quãng thời gian khi mới tiếp quản từ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Anh, hàng hóa đường biển chưa sang kịp, vật chất thiếu thốn đủ thứ, có giai đoạn dài còn thiếu nước sạch cho ăn uống và các hoạt động chuyên môn. Suốt 3 tháng, mọi hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện đều diễn ra trong lều bạt, điều kiện cơ sở vật chất hậu cần không đủ, bếp cũng là bếp tạm, thực phẩm chủ yếu là đồ đông lạnh, thiếu đủ thứ…Vậy là, từ mệnh lệnh đặc biệt của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khám, chữa bệnh, các bác sĩ, nhân viên của bệnh viện nhanh chóng bắt tay vào tăng gia, trồng trọt để cải thiện bữa ăn hằng ngày, đồng thời từng bước củng cố, hoàn thiện cơ sở hạ tầng như: Nhà ở, đường đi… với tinh thần “tự làm là chính”.


Binh sĩ GGHB LHQ của các đơn vị bạn đến tham quan khu tăng gia của BVDCC2.1. Ảnh: THÀNH CÔNG. 

Nay thì mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Bệnh viện đã có bếp ăn khang trang rộng 120m2, thuận tiện cho việc chế biến, nấu nướng, phục vụ các bữa ăn hằng ngày và đãi khách quốc tế mỗi khi có việc. Từ dây phơi quần áo, téc chứa nước sạch tới hàng rào dây thép gai, hệ thống máy phát điện, camera bảo đảm an ninh, an toàn cho bệnh viện cũng được sắp xếp một cách chỉn chu, khoa học. Trung tá Bùi Đức Thành tự hào cho biết, tất cả những vật dụng và đồ dùng cá nhân phục vụ sinh hoạt hằng ngày như: Bàn, ghế, tủ đựng giầy… đều do “thợ mộc không chuyên” của bệnh viện tự đóng lấy. Nhiều “công trình” sau khi làm xong, lực lượng công binh của các đơn vị bạn khi đến tham quan phải trầm trồ trước sự khéo léo của các bác sĩ Việt Nam.

Bên cạnh đó, bữa ăn hằng ngày cũng là vấn đề không nhỏ, bởi thực phẩm của bệnh viện chủ yếu là đồ đông lạnh do LHQ cấp phát, ăn vài ngày đã chán ngấy và thường thì thực đơn phải lên trước cả 3 tháng để gửi cho bộ phận hậu cần của Phái bộ. Thế là ngay sau khi ổn định nơi ăn, chốn ở, anh em rủ nhau nuôi gà, trồng bí, mướp, mồng tơi và các loại rau xanh… Dần dà, bữa ăn hằng ngày cũng trở nên bắt mắt và mang đậm hương vị quê nhà hơn với dưa muối, giá đỗ, thỉnh thoảng còn có món tráng miệng là chè đỗ đen, chè bí đỏ vừa ngon, vừa mát…

Cũng phải nói thêm rằng, ngoài làm nhiệm vụ chuyên môn y và tuân thủ các quy định của LHQ, cán bộ, nhân viên bệnh viện còn thực hiện nhiều chế độ khác giống như bất cứ đơn vị quân đội ở trong nước, chẳng hạn như canh gác, tham gia công tác hậu cần, tổng dọn vệ sinh doanh trại…

Có lần, một bác sĩ trong bệnh viện đã hỏi tôi: Đi xa lâu vậy nhà báo có nhớ nhà không? Có chứ! Nhưng nỗi nhớ đã vơi đi phần nào vì suốt hơn một tháng tác nghiệp tại Bentiu, tôi vẫn như thấy được hình bóng của gia đình, đơn vị và Tổ quốc mình.

(còn nữa)

Theo VŨ HÙNG (Báo Quân đội Nhân dân)

Chia sẻ bài viết