23/05/2014 - 21:48

Kiện Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển của Việt Nam

LS Trần Thanh Phong Đoàn Luật sư TP Cần Thơ


Vừa qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) họp bất thường và đã ra Tuyên bố phản đối hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Tuyên bố này khẳng định Trung Quốc đã và đang xâm phạm chủ quyền lãnh hải, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế và các quy định của Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, đơn phương phủ nhận cam kết của chính Trung Quốc tại tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) với các nước ASEAN, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt nam và Trung Quốc. Cụ thể đó là hành vi đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, yêu sách vô căn cứ về “đường 9 đoạn” và các hành vi khác xâm chiếm biển Đông.

LĐLSVN cực lực phản đối Trung Quốc về các hành vi trên. Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động và rút giàn khoan Hải Dương - 981, rút hết các tàu công vụ và tàu quân sự hộ tống giàn khoan và không lặp lại hành vi tương tự trong tương lai. LĐLSVN và giới luật sư Việt Nam sẵn sàng đóng góp với Chính phủ về những cơ sở pháp lý và hành động pháp lý để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam. LĐLSVN cũng kêu gọi toàn thể giới luật sư quốc tế, các học giả, các nhà nghiên cứu quốc tế về biển Đông, kêu gọi nhân dân và giới luật sư Trung Quốc, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới ủng hộ Việt Nam và lên án hành vi vi phạm của Trung Quốc để giữ hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở biển Đông và châu Á- Thái Bình Dương. Với tư cách là thành viên của LĐLSVN, tôi hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố trên.

Để xác định Trung Quốc có xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta ở biển Đông hay không, phải căn cứ vào các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Theo Công ước này, dọc theo bờ biển các nước, có các vùng nước như sau: nội thủy, tức vùng nước nằm bên trong đường cơ sở và tiếp giáp với đất liền. Đường cơ sở là đường nằm trên ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển; lãnh hải: vùng nước này các quốc gia ven biển có quyền ấn định chiều rộng nhưng không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở; kế tiếp ra biển khơi là vùng tiếp giáp: vùng này cũng có chiều rộng 12 hải lý; ngoài vùng tiếp giáp là vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone): có chiều rộng 200 hải lý, tính từ đường cơ sở.

Theo quy định tại Điều 56 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, trong vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia ven biển có “các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò và khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như những hoạt động khác nhằm khai thác vùng này vì mục đích kinh tế…”. Vấn đề hiện nay giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc đặt tại vị trí cách đường cơ sở của nước ta 119 hải lý. Do đó, giàn khoan này đã đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Đó là lý do chúng ta cho rằng Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước ta và phản đối hành động này của Trung Quốc.

Hiện nay, nhiều học giả trong nước cũng như quốc tế bất bình với hành vi của Trung Quốc nên cũng đã có nhiều đề nghị giúp Chính phủ trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam. Tôi cũng đồng tình với các đề nghị này. Có học giả đề nghị đưa ra Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc. Tuy nhiên do Trung Quốc là một trong 5 ủy viên thường trực có quyền phủ quyết, nên học giả này đề nghị đưa ra cả Đại hội đồng Liên Hiệp quốc. Cũng có nhiều đề nghị đưa Trung Quốc ra cơ quan tài phán quốc tế. Tuy nhiên, trở ngại chính trong đề nghị này là phải có sự thỏa thuận của các bên về việc đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán quốc tế.

Gần đây, một học giả trong nước có đưa ra đề nghị mà theo ý kiến của cá nhân tôi là khả thi. Đó là việc kiện Trung Quốc về hai hành vi vi phạm sau đây: (1) Kiện Trung Quốc đơn phương khoan dầu khí trong vùng biển của Việt Nam. Cơ sở pháp lý để chúng ta kiện hành vi này là phán quyết của tòa trọng tài thường trực vào năm 2007 về tranh chấp biển giữa Suriname và Guyana; (2) Trung Quốc đã sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp. Đó là hành vi tàu Trung Quốc đâm va vào tàu của Việt Nam. Cơ sở pháp lý cho việc kiện này là Luật Quốc tế nói chung cũng như Công ước của Liên Hiệp Quốc nói riêng đều không cho phép sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp. Nếu thắng kiện về hai hành vi, tuy không giải quyết được tranh chấp một cách triệt để, nhưng cũng mang nhiều lợi ích cho đất nước ta.

Chia sẻ bài viết