06/03/2021 - 13:03

Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để thu hút đầu tư 

Phát biểu tại buổi lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II cho Nhà đầu tư là Liên danh Tổng Công ty CP Thương mại xây dựng và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản). Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh, kết quả hôm nay là nỗ lực quảng bá môi trường đầu tư, hoạt động thu hút đầu tư, cải cách hành chính của TP Cần Thơ và quan điểm “chính quyền thành phố đồng hành cùng nhà đầu tư/doanh nghiệp”. Sự đồng thuận, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; quảng bá về hình ảnh môi trường đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã và đang hoạt động kinh doanh sẽ giúp TP Cần Thơ có cơ hội nhiều hơn trong thu hút đầu tư...

Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư thành ủy Cần Thơ đại diện trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II cho nhà đầu tư. 

Nhật Bản - Nhà đầu tư chiến lược

Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II xây dựng tại Trung tâm Ðiện lực Ô Môn, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ có công suất thiết kế 1.050MW với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,3 tỉ USD. Mục tiêu xây dựng nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia. Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để góp phần phát triển kinh tế xã hội của TP Cần Thơ và khu vực ÐBSCL. Dự án này đã đưa nhà đầu tư Nhật Bản đứng đầu quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại TP Cần Thơ. Theo Sở kế hoạch và Ðầu tư, TP Cần Thơ hiện có 85 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2 tỉ USD, trong đó, có 7 dự án FDI có vốn đầu tư từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1.350 triệu USD.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường: Trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định ưu tiên phát triển các ngành gồm: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.

Ông Miura, Tổng Giám đốc Công ty Marubeni Ðiện tại Việt Nam cho rằng, rất ấn tượng và đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời và mạnh mẽ của chính quyền TP Cần Thơ. Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II được xem là cơ duyên để Marubeni trở lại TP Cần Thơ - nơi Marubeni bắt đầu hoạt động kinh doanh điện vào năm 1970 (xây dựng nhà máy điện Trà Nóc). Marubeni là một tập đoàn lớn của Nhật Bản với doanh thu hằng năm khoảng 70 tỉ USD, hoạt động kinh doanh nhiều lĩnh vực bao gồm: thực phẩm, nông nghiệp, hóa chất, dệt may, năng lượng... Trong đó, kinh doanh điện là một trong những lĩnh vực cốt lõi của Marubeni. Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II sử dụng thiết bị công nghệ cao, quan tâm cao nhất đến tác động môi trường và nội địa hóa/chuyển giao công nghệ cho người dân địa phương. Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực để phát triển dự án kịp thời đồng bộ với các dự án khác trong chuỗi giá trị nhằm góp phần phục vụ nhu cầu điện năng cũng như phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ và khu vực.

Trong những năm vừa qua, TP Cần Thơ tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, cũng như tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào TP Cần Thơ. Cùng đó là các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất đối với ngành lĩnh vực, địa bàn đầu tư ưu đãi đầu tư theo khung chính sách của cả nước, TP Cần Thơ đã thành lập Văn phòng Japan Desk tại Cần Thơ nhằm hỗ trợ cung cấp thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản. Ðặc biệt, thành phố đã dành khu đất 30ha xây dựng Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thuộc Khu Công nghiệp Hưng Phú 1, quận Cái Răng do Quỹ Ðầu tư phát triển thành phố làm chủ đầu tư cơ sở hạ tầng (hiện đã giải phóng mặt bằng khoảng 28ha) để mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Việt Trường bày tỏ tin tưởng dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II sẽ sớm được triển khai và đúng tiến độ kịp thời với các dự án có liên quan đặc biệt là dự án Ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, góp phần đưa Trung tâm Ðiện lực Ô Môn đi vào hoạt động đồng bộ, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm cho người dân. TP Cần Thơ luôn nỗ lực trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, xây dựng Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Với niềm tin vào sự hợp tác, góp sức của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; sự quảng bá về hình ảnh môi trường đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã và đang hoạt động kinh doanh tại Cần Thơ sẽ giúp thành phố có cơ hội nhiều hơn trong thu hút đầu tư; góp phần thu hút nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển thành phố ngày càng phát triển.

Chủ động hơn

Năm 2020 khó khăn đối với các lĩnh vực nói chung và xúc tiến thương mại nói riêng với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia và thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Hoạt động xúc tiến đầu tư (XTÐT) tại TP Cần Thơ bị ảnh hưởng rất nhiều. Hầu hết hoạt động của Trung tâm đều bị ảnh hưởng, một số gần như “đình trệ”. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm qua thành phố đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động XTÐT tại chỗ, kết nối với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp để quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư tại thành phố. Ðặc biệt, TP Cần Thơ còn xây dựng địa chỉ https://diendan.canthopromotion.vn nhằm hỗ trợ kết nối và tiếp nhận phản ánh về các vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, cho biết, trước tình hình trên, thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của cả tập thể, Trung tâm đã chủ động triển khai thực hiện các hoạt động theo kế hoạch năm đã được duyệt thuộc chức năng và nhiệm vụ được giao, chủ yếu tập trung vào các hoạt động xúc tiến nội địa, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tăng cường kết nối, xúc tiến mời doanh nghiệp tham gia các sự kiện trực tuyến,...

Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 628/BKHĐT-ĐTNN ngày 3-2-2021 gởi UBND TP Cần Thơ, Bộ thống nhất cho rằng nội dung dự thảo chương trình XTĐT năm 2021 của TP Cần Thơ phù hợp với quy định về chương trình tổng thể các hoạt động XTĐT của vùng ĐBSCL. Đồng thời Bộ cũng có ý kiến khuyến nghị TP Cần Thơ cần: đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tính liên kết, kết nối với các địa phương lân cận để phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch.. tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn; đặc biệt quan tâm thu hút các nhà đầu tư lớn đã khẳng định thương hiệu, các dự án sản xuất kinh doanh có quy mô lớn, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, làm hạt nhân tạo sự lan tỏa để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố... 

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

 

Chia sẻ bài viết