19/07/2024 - 10:41

Kiên Giang kích cầu du lịch nội địa 

Tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển các loại hình du lịch mang nét đặc trưng riêng gắn với văn hóa bản địa, hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng ngập mặn, hải đảo, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên... Tỉnh cũng đã chủ động xây dựng chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm của du khách, đa dạng hóa sản phẩm và ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cáp treo Hòn Thơm, Phú Quốc.

Đa dạng sản phẩm du lịch

Những ngày qua, vườn nho của ông Nguyễn Bá Vũ nằm dưới chân suối Ðá Bàn ở xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, ra trái rộ, đón đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh miễn phí. Khi du khách có nhu cầu, ông Vũ bán nho với giá dao động 50.000-100.000 đồng/chùm, tùy kích thước. Ðam mê nông nghiệp và mong muốn tạo điểm tham quan sinh thái, ông Vũ thử nghiệm trồng mít Thái, ổi, táo và nho trên 10.000m2 đất của gia đình.

Tương tự, trong quá trình phát triển, nhiều điểm tham quan ở Phú Quốc đã không ngừng đổi mới, tạo thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách. Từ lợi thế sẵn có, thành phố đảo này đã hình thành, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách. Có thể nhắc đến như: khu vui chơi giải trí VinWonders; khu bảo tồn và chăm sóc động vật hoang dã Safari Phú Quốc; cáp treo Hòn Thơm vượt biển dài nhất thế giới…

Theo thống kê của Sở Du lịch Kiên Giang, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ước đón hơn 5,4 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 13.394 tỉ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Những năm qua, Kiên Giang khẳng định vị trí, thương hiệu du lịch xứng tầm khu vực và quốc tế với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế. Trong đó, Phú Quốc đạt những danh hiệu: “Ðiểm đến hấp dẫn, điểm đến mới nổi ở châu Á và thế giới”; “Khu nghỉ dưỡng và villa trên đảo sang trọng hàng đầu thế giới năm 2018”; “Top 14 bãi biển đẹp nhất châu Á của tạp chí Planet Ware”...

Ðến nay, tỉnh thu hút được 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng diện tích 9.754ha và tổng vốn đầu tư 393.135 tỉ đồng; trong đó, 79 dự án đã đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 18.384 tỉ đồng. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch cũng được tỉnh quan tâm đầu tư. Tại Phú Quốc đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ nâng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách…

Đẩy mạnh kích cầu du lịch

Ngày 19-3-2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, trở thành ngành kinh tế trọng yếu, đột phá của tỉnh theo phương châm “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”. Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030 thu hút được trên 24 triệu lượt khách; trong đó, hơn 1,7 triệu lượt khách quốc tế.

“Tới đây, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, tận dụng các nền tảng xã hội để xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch trên các chuyến bay, tại nhà ga, bến cảng, phương tiện giao thông công cộng và qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tỉnh tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh với các địa phương trong và ngoài nước để hình thành các động lực tăng trưởng du lịch, sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương…” - ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, cho biết.

Lượt khách tham quan cho thấy du lịch Kiên Giang luôn có sức hút lớn. Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận, du lịch ở Kiên Giang phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch vẫn còn những hạn chế nhất định…Theo bà Lê Thị Hải Châu, Tổng Thư ký Hội Ðầu tư, phát triển du lịch Phú Quốc, tuy du lịch phục hồi, nhưng phát triển chưa thật sự ổn định và bền vững do ảnh hưởng tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn, thiên tai... xảy ra ở một số nước, vùng lãnh thổ. Khó khăn nhất đối với du lịch Phú Quốc là đường bay nội địa và giá vé máy bay khá cao.

Các doanh nghiệp du lịch tại Kiên Giang đang có các giải pháp kích cầu du lịch nội địa như: combo giá vé máy bay, giá phòng nghỉ ổn định, không áp dụng chính sách phụ thu; ưu đãi, tặng dịch vụ tiện ích, giảm giá dịch vụ giải trí. Phú Quốc tiếp tục liên kết, hợp tác với các vùng, miền phát triển tour, tuyến du lịch chất lượng... Ðiển hình như Công ty Du lịch Vina Phú Quốc Travel vừa đưa ra sản phẩm “Ðại dương kết nối đại ngàn”, kỳ vọng mang đến trải nghiệm du lịch mới mẻ thú vị, đồng thời là giải pháp cho vấn đề giá vé máy bay nội địa cao. Du khách tham gia vào hành trình kết nối giữa biển và núi, giữa nét văn hóa độc đáo của các vùng, miền và khám phá điểm nhấn mới lạ không chỉ về cảnh đẹp mà còn về văn hóa, ẩm thực.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang mới đây tổ chức không gian giới thiệu về Kiên Giang tại thị trường TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ðơn vị vận động các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh liên kết hàng không, tàu cao tốc và xây dựng kế hoạch, chương trình khuyến mãi, giảm giá, tour tuyến du lịch, các dịch vụ du lịch, tổ chức các chương trình sự kiện gia tăng trải nghiệm cho khách… Trong khi đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại và du lịch Hà Tiên vận động các doanh nghiệp triển khai các chương trình ưu đãi đối với học sinh, sinh viên vào dịp du lịch hè năm 2024; riêng các khu, điểm du lịch miễn thu phí vào cổng đối với người dưới 16 tuổi. Ðại diện Công ty Vietravel cho biết, để kích cầu du lịch hè 2024, Công ty tung ra thị trường chương trình ưu đãi hoàn tiền từ 1-3 triệu đồng/người cho khách hàng đăng ký và hoàn tất thanh toán chi phí tour; triển khai các ưu đãi theo nhóm, gia đình có con nhỏ…

Với những đặc trưng riêng, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang từng bước được đầu tư phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa. Ðể kích cầu du lịch nội địa, Kiên Giang cần có sự quan tâm, triển khai thật đồng bộ; sự đồng thuận, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Các chương trình kích cầu cần đa dạng về hình thức, phù hợp với từng đối tượng…

Bài, ảnh: LÊ VINH

Chia sẻ bài viết