05/03/2020 - 07:40

Kiên Giang cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm 

Với tình hình thời tiết nắng nóng, khô hạn như hiện nay các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng của tỉnh Kiên Giang đang báo động ở cấp V, là cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn ở tất cả các loại rừng, tốc độ lửa lan tràn rất nhanh.

Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh kiểm tra phương tiện chữa cháy tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết: Diện tích quy hoạch phát triển lâm nghiệp toàn tỉnh hơn 79.861ha. Trong đó, rừng đặc dụng hơn 39.709ha, rừng phòng hộ hơn 32.037ha và rừng sản xuất hơn 8.114ha; diện tích đất có rừng hơn 76.218ha (trong quy hoạch lâm nghiệp là 66.475,91ha, ngoài quy hoạch 9.742,54ha), độ che phủ là 12,01%.

Trong đó, các khu vực, diện tích vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng của tỉnh là 41.147ha. Cụ thể ở các khu vực: Phú Quốc 16.000ha, Kiên Hải 1.349ha, TP Hà Tiên 745ha, Giang Thành 1.626ha, Kiên Lương 2.249ha, Hòn Đất 7.295ha, An Minh 2.783ha và U Minh Thượng 9.100ha. Hiện nay tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, các lực lượng đã bố trí phương tiện, trang thiết bị và tổ chức ứng trực 24/24 giờ theo phương châm 4 tại chỗ.

Theo ông Hoàng Văn Tuấn tất cả các chủ rừng đã xây dựng phương án PCCC rừng  năm 2020 và được phê duyệt theo quy định. Trong đó UBND tỉnh đã phê duyệt phương án PCCC rừng của tỉnh Kiên Giang và phương án PCCC rừng của các đơn vị năm 2020 tại Quyết định số 2849/QĐ-UBND ngày 16-12-2019 với kinh phí thực hiện phương án PCCC rừng năm 2020 cho 2 Vườn Quốc gia, 2 Ban Quản lý rừng và Chi cục Kiểm lâm là 13,5 tỉ đồng.

Trước tình hình trên, Kiên Giang đã chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ các cấp, tổ đội PCCC rừng cơ sở và quy chế phối hợp với các lực lượng. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng trên 500 lực lượng từ 2 Vườn Quốc gia, 2 Ban Quản lý rừng và các tổ chức nhận khoán rừng, thuê môi trường rừng. Duy trì thực hiện chặt chẽ quy chế phối hợp bảo vệ và PCCC rừng giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, khi có cháy rừng lớn xảy ra, khả năng huy động lực lượng ứng cứu trên địa bàn tỉnh. Cấp tỉnh gồm: Lực lượng dự bị dự kiến huy động và các lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn khi có cháy lớn xảy ra khoảng 420 đến 810 người. Ngoài ra có thể huy động thêm các lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn: Lữ đoàn 950, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (Phú Quốc). Cấp huyện động lực lượng trên địa bàn huyện từ 120-200 người.

Các đơn vị chủ rừng và lực lượng kiểm lâm đã tổ chức triển khai phương án PCCC rừng từ tỉnh đến cơ sở được 67 cuộc có 2.058 lượt người tham dự; họp dân 83 cuộc có 1.869 lượt người tham dự. Hướng dẫn 554 hộ nhận khoán rừng, hộ gia đình sống ven rừng ký cam kết thực hiện các quy định về PCCC rừng…

Vườn Quốc gia U Minh Thượng chủ động bơm nước phòng cháy chữa cháy.

Thực hiện các biện pháp PCCC rừng, các đơn vị chủ rừng đã xây dựng và triển khai thực hiện phương án. Vườn Quốc gia Phú Quốc, đã thực hiện trục cỏ diện tích hơn 168ha các khu vực đồng tràm Bãi Thơm xã Bãi Thơm; đồng tràm Đồng Bà xã Cửa Cạn; cày đường băng trắng diện tích  hơn 464ha các khu vực đồng tràm Bãi Thơm, đồng tràm Rạch Tràm xã Bãi Thơm; đồng tràm Đồng Bà xã Cửa Cạn; khu vực bãi Bổn xã Hàm Ninh; cày ủi đường băng trắng gần 14km khu vực rừng phòng hộ; gia cố, nạo vét 68 giếng trữ nước (từ 5-25m3 nước/giếng); bố trí 40 bồn trữ nước (1-5m3 nước/bồn) ở các vùng trọng điểm; bố trí 55 lực lượng trực 24/24 giờ ở các vùng trọng điểm.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng, gia cố, sửa chữa 6 cống điều tiết nước, đắp 2 đập giữ nước, nạo vét 5 hố trữ nước trong rừng; bơm nước bổ sung vào rừng hơn 1,5 triệu m3; lắp đặt 3 bảng dự báo cấp cháy rừng, dự báo cấp cháy rừng hằng tuần; phát dọn 25 đường tuyến (500-800m/tuyến) phân lô, cắm mốc để cơ động lực lượng tiếp cận khi có cháy rừng xảy ra; phát dọn thực bì mặt kênh được 60km/70km, đảm bảo vỏ máy tuần tra; bố trí 40 lực lượng trực tại các vùng trọng điểm.

Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã tăng cường hỗ trợ máy bơm phao chữa cháy cho các lực lượng phối hợp và các đơn vị chủ rừng 10 máy bơm phao và 3.000m vòi chữa cháy; bố trí máy bơm phao sẵn sàng cho các vùng trọng điểm gồm: Vùng U Minh Thượng 30 máy bơm phao và 6.500m vòi chữa cháy. Vùng Tứ giác Long Xuyên 23 máy phao và 3.640m vòi chữa cháy. Các huyện đảo 13 máy phao, máy bơm áp lực và 3.100m vòi chữa cháy. Riêng, đội kiểm lâm cơ động và PCCC rừng 10 máy bơm phao và 2.000m vòi chữa cháy. Vùng đồi núi TP Hà Tiên, Kiên Lương, Kiên Hải bố trí 30 máy thổi gió, 200 vỉ dập lửa.

Ông Hoàng Văn Tuấn cho biết, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay, tổ chức triển khai quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng ở các địa phương đến các cơ quan, đơn vị có liên quan và người dân biết để chủ động hơn trong công tác PCCC rừng. Đặc biệt tăng cường nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị chủ rừng trong thực hiện các biện pháp bảo vệ, PCCC rừng ở cơ sở.

Ban Chỉ đạo PCCC rừng ở các huyện, thành phố và chủ rừng phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện các phương án PCCC rừng, bố trí lực lượng trực, canh phòng để phát hiện ngay khi có cháy để xử lý kịp thời; thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị chữa cháy rừng để đảm bảo không bị hư hao và sử dụng được ngay khi có cháy xảy ra; thường xuyên rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao để bổ sung phương án PCCC rừng, đảm bảo các điều kiện sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ từ Ban Chỉ đạo PCCC rừng ở cơ sở.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết