23/04/2023 - 09:49

Kích cầu tiêu dùng để tăng trưởng kinh tế 

Bài, ảnh: GIA BẢO

Nhu cầu toàn cầu suy yếu, dự báo quý II-2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới do các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo. Vì vậy, kích cầu tiêu dùng trong nước và có giải pháp căn cơ hơn cho xuất khẩu để thúc đẩy tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là một trong những giải pháp cấp thiết hiện nay.  

DN kỳ vọng cầu thị trường tăng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. 

Nền kinh tế phục hồi chậm

GDP quý I-2023 tăng 3,32%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 5,05%); CPI bình quân quý I tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng kinh tế đạt thấp do sự sụt giảm đáng kể của ngành công nghiệp; một số mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh, như điện thoại thông minh (giảm 42%), máy tính và các sản phẩm điện tử khác (giảm 42% và 11% so cùng kỳ năm 2022), đồ nội thất (giảm 22,8%). Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 4-2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhận định, triển vọng phục hồi của lĩnh vực sản xuất vẫn không chắc chắn khi Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) quay trở lại mốc 47,7 điểm vào tháng 3-2023, sau đợt phục hồi ngắn trên mốc 50 của tháng 2-2023.

Cũng theo WB, quý I-2023, mặc dù tổng số việc làm cả nước tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng một số trung tâm sản xuất lớn như TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Phước, Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên lại giảm dao động từ 0,4-5,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ðiều này phản ánh sự sản xuất đang chậm lại và phục hồi chậm, doanh nghiệp (DN) vẫn đang rất khó khăn về đầu ra. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, “dư chấn” của COVID-19 kéo dài đã làm sức khỏe của DN ngày càng giảm. Trong khi các gói hỗ trợ của Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu phục hồi, chưa thể khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.  

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, sau hơn 1 năm triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân các gói chính sách hỗ trợ đạt trên 84.000 tỉ đồng, góp phần tích cực hỗ trợ người dân, DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay một số chính sách hỗ trợ đã hết hạn, hoặc đạt kết quả chưa cao (nhất là gói hỗ trợ 2% lãi suất). Gói hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 gần 350.000 tỉ đồng (trong đó, gói cho đầu tư phát triển 176.000 tỉ đồng), nên thời gian còn lại không thể giải ngân hết nguồn vốn này. Hiện một số nguồn vốn thuộc chương trình đang trình xin ý kiến Trung ương để chuyển nguồn (gói hỗ trợ 2% lãi suất), hoặc dừng phân bổ nếu không phân bổ kịp trước ngày 31-3-2023… Vì vậy, gỡ khó cho nền kinh tế trong điều kiện khó khăn từ cả bên trong và bên ngoài cần chính sách mới, đồng bộ hơn.

Kỳ vọng sức cầu thị trường tăng trở lại

Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo chậm lại. WB dự báo tăng trưởng toàn cầu chỉ 1,7% năm 2023; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng 2,9% dù nhận định khả năng thích ứng của một số nền kinh tế lớn đã tốt hơn; còn Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 2,6%, nhưng cũng nhận định thách thức sẽ rất lớn. Bởi Hoa Kỳ tiếp tục ưu tiên chống lạm phát, nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái từ quý II-2023 và điều này sẽ tạo áp lực lớn đến tổng cầu thế giới. Trong khi đó, triển vọng kinh tế EU đã cải thiện tích cực hơn, nhưng căng thẳng chính trị Nga - Ukraine đang tác động mạnh đến chuỗi cung ứng hàng hóa, an ninh năng lượng, thị trường lao động… Nền kinh tế Trung Quốc đã nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch COVID-19, chỉ số PMI tăng, nhưng các chính sách mua hàng đã khắt khe hơn. Tăng trưởng của ngành sản xuất khu vực ASEAN được mở rộng, với chỉ số PMI vượt ngưỡng 50, nhưng vẫn còn nhiều thách thức để giữ vững đà tăng.

Các khó khăn của thị trường toàn cầu và nhu cầu tiêu dùng trong nước đang chậm lại, đòi hỏi cần có chính sách kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu và khơi thông dòng vốn cho DN. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc phương án của Bộ Tài chính về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2023 để trình Quốc hội xem xét. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% xuống còn 8%; giảm 20% mức tỷ lệ % để tính VAT với cơ sở kinh doanh (hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT. Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm mức thu khoảng 35 khoản phí, lệ phí, thời gian giảm trong 6 tháng cuối năm 2023.

Cùng với các chính sách hỗ trợ khác, với đề xuất giảm 2% thuế VAT,  của Bộ Tài chính, các DN đang rất kỳ vọng chính sách triển khai sớm để kích cầu tiêu dùng. Bởi DN vừa có điều kiện giảm chi phí vốn thông qua việc giảm thuế VAT, giá bán hàng hóa cũng sẽ giảm, cầu thị trường có điều kiện tăng. Song, việc giảm thuế VAT vẫn chưa đủ động lực giúp tăng tổng cầu bền vững, DN cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước trong việc tìm kiếm, củng cố các thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho rằng, tổng cầu tiêu dùng giảm, sức khỏe DN đã rất kém qua 3 năm chống chọi trước các tác động của dịch COVID-19. Vậy nên, DN rất hy vọng chính sách giảm 2% thuế VAT nhanh chóng triển khai để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN. Ðồng thời, DN rất mong lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm, bởi chi phí vốn của DN hiện nay rất cao, mặt bằng lãi suất cho vay 9-10%/năm cũng đã quá sức chịu đựng của DN. Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu giảm, thị trường trong nước thấp điểm, nhiều DN phải cắt giảm lao động, luân phiên giảm giờ lao động để giảm bớt các gánh nặng về chi phí. Khó khăn đang bủa vây DN, nên rất cần chính sách đồng bộ hơn để khơi thông thị trường, khơi dòng vốn với lãi suất trong khả năng chịu đựng của DN.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trước áp lực tổng cầu thế giới suy giảm, phục hồi trong nước chưa vững chắc cần phản ứng chính sách kịp thời, chủ động trước các yếu tố rủi ro, tình huống mới phát sinh nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%.

Chia sẻ bài viết