03/07/2024 - 08:48

Kích cầu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo 

(CTO) - Quý III-2024, doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhận định tình hình sản xuất kinh doanh khả quan hơn, với 83,7% DN dự báo tăng và giữ nguyên về đơn hàng xuất khẩu mới.

Trong quý II-2024, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các DN ngành chế biến, chế tạo là 73,8%, tương đương với quý đầu năm nay.

Đơn hàng cải thiện, DN lạc quan hơn

Tổng cục Thống kê vừa công bố kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý III-2024 với sự phản hồi của 6.114 DN phản hồi điều tra (chiếm 96,5% số DN được chọn mẫu).

Theo đó, DN nhận định tình hình sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn quý đầu năm (37,4% tốt hơn và 41,6% giữ ổn định), chỉ 21% cho biết khó khăn (quý đầu năm, tỷ lệ này đến 35,1%). Sang quý III, có DN dự báo khả quan hơn quý II, với 82,9% dự báo tăng và giữ nguyên (40,7% tốt hơn và 42,2% giữ ổn định), chỉ có 17,1% đánh giá khó khăn hơn, tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với 2 quý đầu năm nay.

Theo kết quả điều tra, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thuận lợi hơn. Chỉ số cân bằng chung quý II là 16,4% và đây là quý có chỉ số cân bằng chung cao thứ 3 kể từ sau đại dịch COVID-19 (thấp hơn quý II-2022 với 20,4% và quý IV-2021 với 19,1%). Dự báo quý III, chỉ số cân bằng chung đạt 23,6%. Điều này phản ánh tổng cầu đang phục hồi tốt hơn, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp quý sau cải thiện hơn quý trước.

Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có sự phục hồi rõ nét nhất với tỷ lệ DN nhận định các yếu tố “khối lượng sản xuất”, “đơn đặt hàng”, “đơn đặt hàng xuất khẩu” và “sử dụng lao động” quý II tăng so với quý đầu năm, với tỷ lệ lần lượt là 45,6%, 40,1%, 40,7% và 31,7%.

Tình hình kinh doanh sáng hơn với chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý III so với quý II-2024 là 21,8% (38% dự báo tăng và 16,2% dự báo giảm); khu vực DN vốn đầu tư nước ngoài có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 23,5%; khu vực DN ngoài nhà nước 21,2% và khu vực DN Nhà nước 18,5%.

Kinh doanh tốt lên, việc làm cho người lao động cũng dần cải thiện. Theo đó, chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý III so với quý II là 5% (15,8% dự báo tăng và 10,8% giảm). Các DN dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III khả quan hơn với 83,7% DN dự báo tăng và giữ nguyên so với quý II (33,1% tăng, 50,6% giữ nguyên); chỉ 16,3% DN dự báo giảm.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 11,63 tỉ USD; trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt giá trị trên 368,5 tỉ USD, tăng 15,7% so cùng kỳ năm 2023. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt kim ngạch xuất siêu gồm: xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 47,2 tỉ USD tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 17 tỉ USD, tăng 18,5%; xuất siêu sang Nhật Bản 952 triệu USD,… Tín hiệu tích cực này, DN rất kỳ vọng nhu cầu thị trường xuất khẩu phục hồi vững chắc trong các tháng cuối năm để DN vững tin hơn.

Giảm bớt gánh nặng cho DN

Các dự báo quốc tế đưa ra về triển vọng thương mại toàn cầu và các nền kinh tế lớn năm 2024 dù dần phục hồi, nhưng vẫn bấp bênh, nhiều rủi ro, thách thức. Quý II-2024, thương mại toàn cầu đã có bước phục hồi tốt hơn, dự báo tăng 3% trong năm 2024. Tuy nhiên, rủi ro và thách thức tiếp tục đe dọa sự phục hồi của thương mại. Fed tiếp tục neo lãi suất ở mức cao nhất trong vòng 23 năm qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong hiện tại. Bên cạnh đó, an ninh năng lượng, giá nguyên vật liệu tăng, áp lực tỷ giá… cũng là gánh nặng cho các nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, 3 động lực tăng trưởng kinh tế (xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư công) cần được làm mới để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN. Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh cũng ghi nhận quý II-2024, khó khăn lớn nhất của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” với tỷ lệ lần lượt là 53,4% và 50,4%. Bên cạnh đó, “lãi suất vay vốn cao” là khó khăn mà DN đánh giá tăng nhiều nhất so với quý I đầu năm (tăng 3,9 điểm phần trăm so với quý I-2024) với tỷ lệ DN lựa chọn là 22,3%.

Cũng theo kết quả điều tra, các DN nhận định thị trường quý II tốt hơn quý đầu năm, nhưng tăng không đồng đều giữa các ngành. Cụ thể, quý II ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ DN nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng so với quý I, cao nhất với 47%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ DN nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 37,6%. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng khối lượng sản xuất quý III so với quý II khả quan hơn với 83,8% DN dự báo tăng và giữ nguyên (39,8% tăng, 44% giữ nguyên), 16,2% DN dự báo khối lượng sản xuất giảm.

Để giảm bớt khó khăn cho DN, 50,1% DN kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời 44,9% DN kiến nghị Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá đối với nguồn nguyên vật liệu, năng lượng cho sản xuất.

Bên cạnh đó, 24,5% DN kiến nghị cần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistics; 23,4% kiến nghị giảm tiền thuê đất; 22,4% kiến nghị phải đảm bảo nguồn điện ổn định cho sản xuất… Có 31,5% DN kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính của DN.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết