18/04/2022 - 11:31

Chương trình giáo dục địa phương

Khuyến khích trải nghiệm, khơi dậy hứng thú học tập 

Nhiều năm qua, chương trình giáo dục địa phương (GDÐP) được các trường học trên địa bàn TP Cần Thơ quan tâm thực hiện, nhằm góp phần trang bị cho học sinh những kiến thức bổ ích, khơi dậy cho các em niềm hứng thú học tập, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Tài liệu GDÐP còn là một nội dung bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Hoạt động trải nghiệm tại Khu di tích An Nam Cộng sản Ðảng Cờ Ðỏ của học sinh lớp 6 Trường THCS Trung An, huyện Cờ Ðỏ, không chỉ hình thành trong học sinh tình yêu quê hương, dân tộc, mà còn có không khí vui tươi. Các em học sinh thành kính thắp hương cho các vị anh hùng dân tộc; rồi được tham quan, đọc sách… trong khu di tích. Em Huỳnh Thị Mai Liên, học sinh của trường, cho biết: “Ðến đây, em biết được lịch sử của quê hương và càng thêm tự hào”.

Giáo viên sinh hoạt cho học sinh Trường THCS Trung An về truyền thống đấu tranh dân tộc Việt Nam,
tại Khu di tích An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ.

Chuyến trải nghiệm thực tế trên được bắt đầu sau phần học lý thuyết trong chương trình GDÐP chủ đề “Cần Thơ, vùng đất ẩn chứa báu vật thời gian” (theo Chương trình GDPT mới). Từ đó, giúp học sinh hiểu sâu sắc về truyền thống lịch sử của quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Thầy Nguyễn Hoài Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trung An, cho biết: Nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn rà soát từng chủ đề, xem chủ đề thuộc môn nào, trên cơ sở đó phân công giáo viên dạy theo đúng từng chủ đề; qua đó chỉ đạo cho nhóm GDÐP thực hiện phân chia từng chủ đề phù hợp; tổng thời lượng của 9 chủ đề là 35 tiết/năm học.

Tương tự, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học An Thới 2, quận Bình Thủy, được tham quan thực tế Khu Tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Giáo viên tập trung các em, cùng lắng nghe hướng dẫn viên kể về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Thủ khoa. Nội dung môn Lịch sử được lồng ghép nhẹ nhàng, kiến thức được truyền đạt bằng thực tế, trực quan, giúp các em dễ tiếp thu hơn. Em Ðặng Nguyễn Thảo Vy, học sinh lớp 5.2, nói: “Em rất vui khi tham quan trực tiếp, để nhớ và biết nhiều về cụ Thủ khoa”. Cô Nguyễn Thị Liên, giáo viên dạy lớp 5.2, Trường Tiểu học An Thới 2, cho biết: “Khi đến đây, học sinh tìm hiểu sâu về sự kiện lịch sử; hình ảnh, cuộc đời và sự nghiệp của cụ Thủ khoa; tạo động lực học sinh cố gắng học tập”. Qua những chuyến đi tham quan, trải nghiệm thực tế, học sinh hiểu và nhớ sâu bài học. Sự kết hợp học lý thuyết và thực tế đã giúp nâng cao hiệu quả dạy và học.

Từ nhiều năm trước, một số địa phương trên cả nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng đã bắt tay xây dựng, biên soạn tài liệu GDÐP theo chương trình GDPT hiện hành. Song thời điểm đó, GDÐP chưa phải là nội dung học tập bắt buộc và không được quy định cụ thể trong khung chương trình. Ðối với Chương trình GDPT mới, GDÐP là nội dung bắt buộc. Tại TP Cần Thơ, Chương trình GDPT mới được triển khai đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Trong đó, Chương trình GDÐP lớp 6 được triển khai thực hiện từ học kỳ II năm học 2021-2022. Tài liệu GDÐP này do UBND từng tỉnh, thành chịu trách nhiệm biên soạn, thẩm định và đưa vào triển khai dạy học. Cấp tiểu học, giáo viên chủ nhiệm sẽ lồng ghép tích hợp nội dung và các chủ đề của chương trình GDÐP vào một số môn học phù hợp như: Lịch sử, Ðịa lý; Tự nhiên - xã hội… Cấp THCS, học sinh được học 35 tiết/năm học. Nội dung GDÐP là những vấn đề về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp…; với từng chủ đề được xây dựng theo hướng mở, gồm hoạt động: khởi động, khám phá, luyện tập, vận dụng - mở rộng. Tùy theo điều kiện của từng trường, giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn dạy từng chủ đề liên quan đến môn mình phụ trách.

Các chủ đề trong chương trình đảm bảo nội dung GDÐP quy định. Tài liệu GDÐP TP Cần Thơ mang đậm phong vị quê hương, con người và vùng đất Cần Thơ, như: nhân vật lịch sử - văn hoá qua bài học Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa; nghệ thuật, làng nghề truyền thống qua bài học Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ; đặc sản địa phương qua bài học Bánh tét lá cẩm; chủ đề: Di tích lịch sử - văn hoá qua bài học Khu di tích đình Bình Thủy và một số địa điểm, địa danh của TP Cần Thơ (chợ nổi Cái Răng, cầu Cần Thơ, nhà cổ Bình Thủy…). Qua đó, giúp học sinh tìm hiểu, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá, nâng cao hiểu biết về nơi mình đang sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước.

Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ, các trường học triển khai giảng dạy GDÐP từ học kỳ II năm học 2021-2022, sau khi được Bộ Giáo dục và Ðào tạo phê duyệt. Các hình thức tổ chức dạy học của các đơn vị đa dạng như dạy tại lớp, dạy thông qua các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường. Sắp tới, Sở chuẩn bị phát hành sách giấy để học sinh, giáo viên có tài liệu tham khảo. Hiện tại, tài liệu GDÐP gửi về các trường bản mềm tham khảo. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở lựa chọn nhà xuất bản đủ năng lực để thực hiện in ấn, phát hành.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết