16/02/2010 - 10:29

Không xảy ra dịch bệnh trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Dần

* Số bệnh nhân cấp cứu do TNGT giảm 21% so với Tết Kỷ Sửu

(TTXVN) - Theo Bộ Y tế, t ình hình bệnh dịch trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Dần ổn định. Từ ngày 13 đến 15/2, không ghi nhận trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), cúm A(H5N1) ở người và cũng không ghi nhận dịch bệnh khác trên phạm vi toàn quốc.

Cùng trong thời gian nghỉ Tết nêu trên, đã không ghi nhận trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm. Tích lũy từ đầu năm 2010, ghi nhận 2 trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm tại tỉnh An Giang, dịch lây truyền từ một số người từ Campuchia sang làm ăn tại Việt Nam. Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã chỉ đạo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và Sở Y tế tỉnh An Giang triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch và phối hợp với nước bạn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, về dịch cúm A(H5N1) ở gia cầm, theo thông báo của Cục thú y Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay cả nước còn 7 tỉnh là Cà Mau, Điện Biên, Sóc Trăng, Kon Tum, Quảng Trị, Nghệ An và Nam Định cú dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Đáng chú ý, tại Sóc Trăng : Dịch cúm gia cầm xuất hiện ở một hộ thuộc ấp Thạnh Ninh, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Mỹ Xuyên, trên đàn vịt 45 ngày tuổi chưa tiêm phòng, với số lượng: chết 500 con/630 con ốm, trên tổng đàn 1200. Ngày 13/2, Cơ quan Thú y vùng VII xét nghiệm dương tính với H5N1. Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo địa phương tiêu hủy toàn bộ số vịt nói trên.

Tại Nam Định : Dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở hộ chăn nuôi Mai Đăng Việt, thuộc xúm 6, xã Nghi An, huyện Nam Trực, trên đàn vịt đẻ 7 tháng tuổi, mới tiêm phòng 1 lần, với số lượng 270 con, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo địa phương tiêu hủy toàn bộ số vịt nói trên.

Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, chủ động giám sát tình hình dịch cúm A(H1N1), cúm A(H5N1) và các dịch lây qua đường tiêu hóa.

Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống dịch tại Hà Nội, các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Hà Tĩnh.

Duy trì công tác thường trực chống dịch 24/24h tại các tuyến, sẵn sàng triển khai các biện pháp chống dịch..

Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế bố trí các kíp trực 24/24 giờ, bảo đảm có đủ khả năng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, tai nạn giao thông, sinh đẻ trong những ngày Tết, không được từ chối hoặc để chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào; nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo mọi người bệnh còn nằm lại điều trị tại các bệnh viện hoặc người bệnh vào cấp cứu trong những ngày Tết cả về vật chất và tinh thần.

Theo báo cáo nhanh của 48 đơn vị, trong đó có 17 bệnh viện trực thuộc trung ương, Hà Nội và 31 Sở y tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Tổng số bệnh nhân đến khám trong 3 ngày Tết Nguyên Đán là 43.985 trường hợp, tăng 8,8% so với Tết Kỷ Sửu. Trong đó, 14.077 trường hợp đến khám cấp cứu do tai nạn (chiếm 32% số trường hợp đến khám), so với cùng kỳ năm Kỷ Sửu số bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giảm 14,2%. Trong số bệnh nhân cấp cứu có 44,76% cấp cứu do tai nạn giao thông (6302/14077), so với cùng kỳ năm Kỷ Sửu, số bệnh nhân cấp cứu do tai nạn giao thông giảm 21%. Đáng chú ý, trong các ca tai nạn giao thông, thì số ca tai nạn giao thông không đội mũ bảo hiểm là 650 ca tăng 19,5% ca không đội mũ bảo hiểm so với năm Kỷ Sửu (650/544)

Tổng số bệnh nhân phải nhập viện nội trú là 11.742, so với 3 ngày Tết Kỷ Sửu giảm 22,9% số bệnh nhân phải nhập viện. Trong đó, tổng số ca phải phẫu thuật là 2098, giảm 15% so với 3 ngày Tết Kỷ Sửu. Tổng số ca tử vong tại bệnh viện là 183, giảm 14,5 % so với số ca tử vong 3 ngày Tết năm Kỷ Sửu.

Chia sẻ bài viết