(TTXVN-CT)- Ngày 6-7-2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy Ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trong hoạt động vận tải.
6 tháng đầu năm 2013, số vụ TNGT và số người bị thương giảm nhưng số người chết tăng 244 người so với cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân số người chết tăng cao là do số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do ô tô khách tuyến cố định và ô tô tải gây ra. Theo phân tích từ các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cho thấy: nguyên nhân chủ quan là do ý thức, đạo đức và sức khỏe của người lái xe không đảm bảo theo qui định, vi phạm các lỗi quá tốc độ, đi sai làn đường, tránh vượt sai qui định. Nguyên nhân khách quan, có sự buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về vận tải, hạn chế hiệu quả của công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải; thậm chí có nơi, có chỗ còn có dấu hiệu đỡ đầu, dung túng, bao che cho những vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải cũng như các qui định ATGT trong hoạt động vận tải
Nhận diện 8 tồn tại nổi cộm nhất trong công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong vận tải đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng đó là vấn đề buông lỏng quản lý công tác cấp giấy phép kinh doanh vận tải, chấp thuận mở tuyến, đăng ký khai thác tuyến; quy định về vận tải và xếp dỡ hàng hóa còn lỏng lẻo; các điều kiện về quy mô, cơ cấu tổ chức của đơn vị kinh doanh vận tải còn chưa đầy đủ; buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước tại bến xe, đầu mối hàng hóa để xảy ra hiện tượng tiêu cực. Nhiều quy định về công tác đào tạo, sát hạch lái xe, về chất lượng thiết bị cũng như sử dụng và khai thác dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình xe ô tô chưa được thực hiện nghiêm. Việc quản lý kỹ thuật phương tiện còn để xảy ra hiện tượng chủ xe, lái xe thuê phụ tùng để qua đăng kiểm sau đó sử dụng lại phụ tùng cũ khi vận hành phương tiện. Chưa có quy định và quy trình về thực hiện kiểm tra kỹ thuật phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm và kiểm tra điều kiện an toàn phương tiện trước khi xuất bến, dẫn đến tình trạng một số phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật và môi trường khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, vấn đề kết cấu hạ tầng đường bộ chưa đảm bảo; hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm ở nhiều địa phương, nhiều tuyến đường còn chưa cao; công tác giáo dục chính trị, đạo đức, tư tưởng đối với người thi hành nhiệm vụ chưa tốt; công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức thực thi pháp luật về quản lý vận tải và đảm bảo trật tự ATGT chưa nghiêm, còn để xảy ra hiện tượng thông đồng, bao che, dung túng cho những vi phạm về điều kiện kinh doanh vận tải, bến xe, đầu mối hàng hóa cũng như các vi phạm về trật tự, an toàn khi tham gia giao thông, để tồn tại những "đoàn xe vua" gây bức xúc dư luận.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất 16 giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng đến việc chỉ đạo hướng dẫn các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải; hoạt động đăng kiểm phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý vận tải; rà soát và đánh giá tình trạng kỹ thuật của các phương tiện liên quan đến các vụ tai nạn nghiêm trọng từ đầu năm đến nay, xác định rõ trách nhiệm của các trạm đăng kiểm, các cán bộ, đăng kiểm viên có liên quan để xử lý nghiêm....
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương làm rõ trách nhiệm về quản lý nhà nước về công tác trật tự ATGT, đồng thời nghiêm túc triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg, báo cáo cấp ủy địa phương kết quả thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Chính phủ, nhằm kiềm chế và giảm TNGT đến mức thấp nhất (từ 5%-10% TNGT), đặc biệt là huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, trong đó, ngành Công an và GTVT là nòng cốt. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT hoàn thành tốt kế hoạch đã đề ra về những giải pháp cấp bách để kéo giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động vận tải. Trong đó, cần ưu tiên xây dựng, ban hành các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với các cơ quan quản lý, cán bộ công chức và đơn vị kinh doanh vận tải; đưa hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện đặc biệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với cơ quan, cá nhân thực thi công vụ, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm, không để tồn tại vùng cấm trong quản lý và thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải.
Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, đẩy mạnh tuần tra lưu động, tập trung xử lý lái xe vi phạm các lỗi có nguy cơ gây tai nạn cao; phân tích làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, chấn chỉnh tình trạng bến cóc, xe dù; triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng. Trưởng Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GTVT thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành để kiểm tra toàn bộ cơ sở kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên tuyến cố định, vận tải hàng hóa bằng container, bến xe khách, cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX), trung tâm đăng kiểm trên địa bàn; trước hết tập trung thanh tra các cơ sở có liên quan đến các vụ TNGT nghiêm trọng thời gian qua; đình chỉ hoạt động những cơ sở cố tình vi phạm các điều kiện hoạt động theo qui định của pháp luật để xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Sở Thông tin và Truyền thông, báo, đài địa phương phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền các qui định về trật tự ATGT đến tận khu dân cư và từng gia đình, khuyến khích công dân có ý thức trong việc tham gia giao thông an toàn, tích cực phát hiện và thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động vận tải, đặc biệt là phát động phong trào nhân dân giám sát cán bộ, công chức thực thi công vụ. Sở Y tế các địa phương phối hợp với các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp GPLX để tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với đội ngũ lái xe, nhất là lái xe khách tuyến cố định, xe buýt, taxi, container, loại khỏi đội ngũ những lái xe sử dụng ma túy.
THANH VÂN-VŨ TRỌNG