01/11/2014 - 16:24

Khóm Cầu Đúc

Truyện ngắn  NHẬT HỒNG

Tân vừa kiểm tra xong công đoạn cuối sản phẩm đóng hộp, từ đầu quí đến nay lượng xuất xưởng tăng gấp ba lần. Toàn nhà máy đều tăng ca đáp ứng thị trường trong và ngoài nước.

Tân chợt nhớ ngày anh rời xóm quê đầy phèn chua mặn, lúc xuống chiếc vỏ tắc ráng ra Cần Thơ, mẹ nói:

- Con ráng chí thú học hành, vài tuần mẹ lại mang tiền gạo ra Cần Thơ…

Tân nhìn mẹ cụ bị đồ đạc cho anh dùng trong thời gian ăn học xa nhà. Chiếc vỏ tắc ráng lắc lư theo sóng, lòng Tân cũng ngậm ngùi nỗi xa quê, nhất là xa cô bạn học Vị Thanh mắt tròn đen, miệng cười chúm chím má lún đồng tiền. Những lúc tan học đón đò qua sông về nhà, Vị Thanh thường nói:

- Tốt nghiệp trung học là đủ với Thanh rồi. Mẹ bệnh triền miên, ba đầu tắt mặt tối với rẫy khóm. Tưởng học xong cấp hai là phải nghỉ học, “bò” lên được cấp ba để được mặc áo dài trắng là Thanh mãn nguyện rồi!

 

Lúc đó Tân đã “lên giọng”:

- Học để có kiến thức giúp cho quê hương xứ sở, cho tương lai chứ ai mà học chỉ để được mặc áo dài trắng.

- Tui vậy đó! Không chịu thì thôi!

Vậy là Vị Thanh giận Tân cả tuần. Không thèm đi chung đò qua sông, Vị Thanh bơi chiếc xuồng bể cắm ở bụi lá, chiều bơi về. Rủi thay, chiếc xuồng bị ghe thương hồ đụng nát vụn. Quay lại với con đò ngang, nhưng Vị Thanh ra tuốt đàng sau ngồi, không thèm nhìn mặt khiến Tân cứ thắc thỏm bởi nói vậy thôi chứ trong lòng Tân luôn phục Vị Thanh thông minh, học giỏi, lại còn siêng năng có tiếng trong xóm. Ngoài giờ học, Vị Thanh chăm mẹ bệnh, phụ ba làm rẫy khóm…

* * *

Rồi Tân cũng cố dằn bao nỗi nhớ, miệt mài trên ghế giảng đường để tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi ngành công nghệ thực phẩm. Cũng như bao bạn bè, Tân quyết bám trụ lại thành phố. Xin việc mãi không được vị trí như ý, Tân đành chấp nhận làm nhân viên bán hàng cho một thương hiệu bánh kẹo của Thái Lan, ngày ngày rong ruổi khắp các nẻo đường, thuyết phục những chủ tiệm tạp hóa trưng bày hàng và làm đầu mối tiêu thụ. Công việc tuy cực nhưng mức lương lý tưởng. Tân đi làm được vài tháng thì nghe tin Vị Thanh có mai mối đến dạm hỏi mà cô không chịu. Lòng Tân thắt lại... Vậy là Tân quyết định xin nghỉ phép mấy ngày về thăm nhà.

Từ ngày rời quê, giữa áp lực học hành, công việc, có lúc Tân tưởng chừng như đã đoạn rời xứ sở quê hương, quên mất cảm giác mát lạnh khi vẫy vùng trong dòng nước Hỏa Tiến chảy ra sông Cái Lớn. Mỗi lần về quê, Tân thấy đất phèn chua chát vốn dĩ thấm sâu vào nước, vào đất khiến làng quê khó có cơ may chuyển mình. Ngồi hóng mát bên hiên nhà, Tân bộc bạch với cha:

- Trồng khóm biết bao đời mới khá hả cha?

Cha Tân nhìn con rồi trầm ngâm:

- Đất Hỏa Lựu, Hỏa Tiến mình chua phèn đậm đặc, cây lúa chịu không nổi. Có người đem cây khóm về trồng thử, hạp thổ nhưỡng, khóm phát triển tốt tươi, trái chín vàng, hương thơm, vị ngọt vượt trội so với khóm các nơi khác. Bà con ùn ùn đắp bờ trồng khóm. Rồi bà con vùng lân cận, lần xuống Vĩnh Thuận- U Minh, bên kia sông Cái Lớn Gò Quao Kiên Giang cũng trồng khóm. Vào mùa, khóm chất trên bờ như núi, đầy ắp dưới ghe. Cuối đoạn kinh xáng Xà No có cây cầu đúc Pháp bắc vào khoảng năm 1930, trong chiến tranh bị đánh sập, ghe thương hồ thường tụ ở đó rồi chở khóm đi bán khắp nơi. Ở vựa trái cây Sài Gòn Chợ Lớn, người ta hỏi: “Khóm ở miệt nào mà ngon ngọt vậy?”, dân thương hồ truyền nhau: “Khóm “Cầu Đúc”. Từ đó, khóm “Cầu Đúc” thơm ngọt nổi danh qua gần thế kỷ.

Tân vẫn nhớ chuyện cha kể những năm tháng giá khóm rớt thê thảm, khóm rẻ hơn bèo, chẳng ai thèm mua bán. Dân rẫy buồn, bỏ khóm trồng khoai lang đắp đổi qua ngày. Rồi đất nước đổi mới, giao thông phát triển, mua bán thuận lợi, khóm bắt đầu hồi sinh. Nhưng Tân vẫn thấy bấp bênh vì giá cả nhảy múa, bà con lại trồng tự phát, gây nên cảnh cứ thấy giá cao thì ùn ùn trồng, giá thấp lại phá rẫy khóm, suốt ngày loanh quanh lẩn quẩn.

-Chú em có ăn học, thấy vậy sao không có giải pháp gì giúp bà con mình, gia đình mình. Chỉ trích thì dễ, giải quyết những khúc mắc mới là chuyện khó…

Câu chuyện giữa Tân và cha bị anh Tám Hội Khuyến nông xã cắt ngang. Anh vốn mới nhận công tác, thường xuyên lui tới nhà cha Tân để trao đổi chuyện làm ăn của nông dân trong xóm ấp, vì dù gì cha Tân cũng là bậc “lão nông tri điền” ở xứ này.

* * *

Câu nói của anh Tám cứ ám ảnh Tân mãi. Đúng là hồi nào đến giờ Tân chỉ quen chê bai, mà chưa từng nghĩ mình sẽ làm gì cho gia đình, làng xóm, ngoài món tiền con con hằng tháng gởi về cho má gọi là báo hiếu. Thân ở trọ, cơm đường cháo chợ tốn kém, Tân không biết đến bao giờ mới có thể có cơ ngơi đàng hoàng để lập thân. Nghĩ quanh nghĩ quẩn Tân chợt nhìn lại những sản phẩm Thái Lan mà mình hằng ngày đi thiết lập mạng lưới phân phối. Tìm hiểu kỹ mới hay hầu hết đều là những sản phẩm nông sản được chế biến bằng công nghệ không quá phức tạp. Nhưng quan trọng nhất là nhờ những công ty chế biến như vậy mà nông dân nước bạn luôn an tâm về đầu ra và giá cả của nông sản.

Tân lại về quê. Lần này thì:

-Con đã xin vô làm ở một công ty chế biến thực phẩm nhỏ, vừa mở chi nhánh ở Vị Thanh. Công ty đó chuyên sản xuất khóm đóng hộp xuất khẩu. Công ty mới thăm dò thị trường, dây chuyền nhỏ, vốn ít nên lương hơi thấp. Mấy lúc này con xin ăn nhờ ở đậu ba má…

Vượt qua những ngày tháng khó khăn ban đầu, sản phẩm khóm đóng hộp của công ty Tân đã có thị trường. Cùng với nền kinh tế hội nhập, cây khóm hồi sinh lại xứ Cầu Đúc. Khóm được qui hoạch phát triển, nhiều nhà máy chế biến khóm cô đặc, khóm đóng hộp, khoa học kỹ thuật tác động vào rẫy khóm, năng suất tăng dần. Mùa thu hoạch khóm vào cuối tháng hai bước qua tháng ba vui như hội, bà con xứ rẫy cũng bắt đầu phất phất lên giàu có. Dân rẫy khóm Cầu Đúc còn cho trái vào mùa nghịch, lời gấp đôi mùa thuận…

* * *

Buổi kiểm sản phẩm khóm đóng hộp hôm nay, Tân vui với ý nghĩ cả gia đình đang trên cùng một dây chuyền sản xuất. Cha mẹ trồng khóm, còn Tân đưa khóm thành sản phẩn đến tay người tiêu dùng khắp nơi. Tân chợt mỉm cười khi nghĩ đến Vị Thanh, giờ đã là vợ và là mẹ của hai đứa con ngoan hiền, vẫn ngày ngày mặc áo dài đứng trên bục giảng sau khi được Tân động viên thi vào cao đẳng sư phạm tỉnh nhà...

Chia sẻ bài viết