03/08/2010 - 20:45

Khơi thông nguồn vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn

Sẽ có nhiều ngân hàng thương mại tham gia chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP.

Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-6-2010. Đây là chính sách mới trong việc tăng cường nguồn tín dụng tại các vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân và cư dân sống ở nông thôn. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định này đã mở ra một động lực phát triển mới từ chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

* GIẢI “CƠN KHÁT” VỐN

Đối tượng áp dụng chính sách này gồm các tổ chức thực hiện cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tổ chức tài chính quy mô nhỏ, các ngân hàng, tổ chức tài chính được Chính phủ thành lập để thực hiện việc cho vay theo chính sách của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân được vay vốn theo quy định để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... Các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng. Các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được vay đến 200 triệu đồng và các hợp tác xã, chủ trang trại được vay tối đa 500 triệu đồng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là cú hích tạo điều kiện thuận lợi để nông nghiệp, nông thôn phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo. Nghị định 41/2010/NĐ-CP ra đời đã thay thế cho Quyết định 67/1999/QĐ-TTg sau hơn 10 năm thực hiện và không còn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Nghị định đã mở rộng 8 lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, mở rộng thêm nhiều đối tượng so với Quyết định 67, như: cho vay các chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; phát triển ngành nghề tại nông thôn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; vay tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn và vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ.

Theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP Cần Thơ, Nghị định này có nhiều điểm mới như đối tượng thực hiện cho vay được mở rộng ra tất cả các tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, cơ chế cho vay thông thoáng hơn, hạn mức vay cao hơn, chính sách miễn, giảm lãi đối với khách hàng tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp từ các tổ chức tín dụng... Trước đây, chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đóng vai trò chủ yếu trong việc cho vay nông nghiệp, nông thôn thì hiện nay là tất cả các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Nếu xảy ra rủi ro, đặc biệt là do nguyên nhân khách quan, tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ và xem xét cho người dân vay mới để tiếp tục sản xuất. Trường hợp phát sinh rủi ro trên diện rộng thì tổ chức tín dụng thực hiện khoanh nợ 2 năm cho khách hàng và số lãi không thu do khoanh nợ này được giảm trừ vào lợi nhuận trước thuế của tổ chức tín dụng... Việc các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân sản xuất kinh doanh hoặc cung ứng các dịch vụ nông nghiệp ở nông thôn đều được hưởng các chính sách này sẽ có tác động thúc đẩy tích cực việc đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

* GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 10-11-1998 của Bộ Chính trị về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn, Quyết định 67 ra đời có tác động to lớn, khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nông dân có thu nhập thấp. Sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn đã khơi thông dòng chảy tín dụng về nông thôn. Dư nợ tín dụng tăng gấp gần 9 lần và chiếm tới 16,7% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, đạt hơn 292.919 tỉ đồng so với 34.000 tỉ đồng năm 1998. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân trong 10 năm là 21,78%, tỷ trọng đầu tư vốn trung và dài hạn tăng lên, chiếm tới 40%, còn lại là cho vay ngắn hạn. Vùng ĐBSCL chiếm tỷ trọng lớn nhất trên 28%, tiếp theo là đồng bằng Bắc Bộ chiếm 18,39%.

Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TP Cần Thơ, nói: “Trước mắt TP Cần Thơ phải có quy hoạch chương trình phát triển kinh tế cụ thể trên từng địa bàn để xác định nguồn vốn cụ thể cần cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, ngành ngân hàng sẽ có kế hoạch chủ động và đảm bảo đủ nguồn vốn không chỉ từ nay đến hết năm 2010 mà còn cho các năm tiếp theo”.

Với vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank là một trong những ngân hàng thương mại tạo ra kênh dẫn vốn về nông thôn sau hơn 10 năm triển khai Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg. Tới đây, ngân hàng này sẽ có những chính sách tín dụng mới theo tinh thần Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, nhất là việc triển khai 14 nhóm giải pháp của Ngân hàng đối với khu vực “tam nông”, mở rộng và nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho thị trường này. Theo ông Lê Văn Thơ, Giám đốc chi nhánh Agribank VN tại TP Cần Thơ, vấn đề hiện nay là làm sao xác định rõ đối tượng được vay trên địa bàn thành phố đúng là ở khu vực nông thôn để được hưởng lợi từ chính sách tín dụng này. Ngoài ra, việc xét vay đối tượng khách hàng là hộ kinh doanh nhỏ lẻ nhưng không có giấy phép tại khu vực này giải quyết theo hướng nào cũng cần phải được sự hỗ trợ, thống nhất cụ thể của các ngành chức năng địa phương.

Nhìn nhận dưới góc độ người đi vay vốn, nhiều ý kiến còn băn khoăn cho rằng, mặc dù đối tượng được mở rộng, mức vay tăng, nguồn vốn cho vay tăng, nhưng so với các doanh nghiệp, nông dân đi vay vốn luôn có cảm giác khó khăn và phức tạp hơn. Nguyên nhân là do họ khó đề ra một dự án khả quan thuyết phục đối với ngân hàng, trong khi trước đây các ngân hàng chủ yếu cho vay tập trung vào những dự án lớn tại các thành phố, nên dư nợ tín dụng về nông thôn còn rất hạn chế. Chia sẻ những khó khăn về nguồn vốn cho thị trường nông thôn, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) sẽ dành 20.000-30.000 tỉ đồng tín dụng cho khu vực này với lãi suất 12%/năm cho những tháng còn lại của năm 2010. Vietinbank sẽ phối hợp với chính quyền và Hội Nông dân các địa phương để nắm bắt nhu cầu vay vốn và giao chỉ tiêu cho từng chi nhánh, gắn chương trình này với chương trình phát triển kinh tế-xã hội các địa phương.

Ông Lê Hữu Ngân, Giám đốc chi nhánh Vietinbank tại TP Cần Thơ, nói: “Từ ngày 1-7 đến hết tháng 9-2010, chi nhánh ngân hàng này sẽ ưu đãi giảm 1,5%/năm lãi suất dành cho khách hàng khu vực nông thôn. Với những ưu đãi này, chi nhánh ngân hàng không thể trông đợi mức lợi nhuận cao từ khu vực này, nhưng đây là mục tiêu cần phải hướng tới để thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn”.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn thay thế Quyết định 67/1999/QĐ-TTg là một bước tiến quan trọng trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và phần nào làm hạn chế nạn tín dụng “chợ đen”. Trước đây, việc tiếp cận nguồn vốn để mua nông cụ phục vụ sản xuất của nông dân từ các tổ chức tín dụng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân, bởi phần lớn các ngân hàng đưa ra yêu cầu người mua máy phải biết sử dụng máy, nhưng trên thực tế không phải ai cũng biết. Do đó, ngoài cơ chế chính sách đã thông thoáng, thì sự hợp tác của phía ngân hàng là yếu tố rất quan trọng. Muốn cho nông dân có thể tiếp cận nguồn vốn thì các tổ chức tín dụng cần phải công khai hóa thủ tục và hướng dẫn người vay vốn cách sử dụng đồng vốn vay một cách hiệu quả nhất để tránh rủi ro. Trên thực tế tại TP Cần Thơ, đã có nhiều hộ vay vốn, nhưng lại không biết phải sử dụng như thế nào nên họ cất đi, một số hộ khác thì dùng để mua ti-vi, tủ lạnh... Do đó, việc sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích cũng là yếu tố quan trọng không kém.

Bài, ảnh: Văn Tuấn

Chia sẻ bài viết