Truyện ngắn: PHONG LINH
Làng đang vào mùa gặt. Buổi chiều vừa xuống xe đã ngửi thấy mùi khói ngai ngái, bay lan trên những cánh đồng, vào vùng trời xanh thẳm. Đi xa rồi ngoái lại nhìn trông như sương mù.
Mẹ nhìn khói bay phủ quanh bầu trời của ngôi làng, nói khe khẽ gì đó mà tôi không nghe rõ. Giọng mẹ khàn khàn, có lẽ do quá mệt vì chuyến đi dài, qua đêm, cũng có lẽ do xúc động. Đã mấy năm rồi, mẹ và tôi mới trở về, sau một cuộc đi trốn. Tôi biết ngày mẹ dắt tay tôi đi là mẹ không bao giờ còn có ý định trở về nữa. Suốt chừng ấy năm mẹ không bao giờ nhắc chút gì về ký ức ở nơi này với tôi. Cũng có thể mẹ chẳng còn chút thời gian nào để nhớ hay để nghĩ về.
Tôi còn nhớ, ngày ấy khi quyết định đưa tôi vào tận Đắk Lắk để lập nghiệp, mẹ đã rất vất vả. Ban đầu tôi và mẹ phải ở trọ trong một gian nhà cho những người công nhân nông trường cà phê thuê. Mẹ cũng xin đi hái cà phê mướn cho người ta. Rồi buổi tối về, mẹ làm xôi, sáng sớm mang đi bán rong cho những người dậy sớm chạy chợ.
Người ta cần thuê việc gì mẹ cũng làm. Mãi hơn hai năm sau, mẹ mới dành được chút tiền, thuê quán, mở một cửa hàng cơm nho nhỏ. Mẹ tôi nấu ăn ngon nên quán rất đông khách. Công việc của quán cơm rất nhiều, một mình mẹ tất bật từ sáng sớm đến khuya. Tôi đòi phụ mẹ, thì mẹ toàn ép tôi học. Chỉ có những buổi tối đông khách quá, mẹ mới nhờ tôi chạy đi chạy lại bê đồ ăn cho khách.
Khách của mẹ đều là những người lao động tứ xứ. Họ in sâu trong tâm trí tôi bởi vẻ khắc khổ, mệt mỏi. Thỉnh thoảng họ làm tôi sợ vì mùi mồ hôi chua loét. Nhưng mẹ tôi luôn mỉm cười, thân thiện với họ. "Không chỉ vì họ là khách", mẹ bảo vậy. "Họ đã rất mệt mỏi vì phải làm việc cả ngày rồi". Về sau, khi đã lớn hơn, đã trở thành hàng xóm thân thiết của nhau, tôi mới hiểu tại sao mẹ tôi làm vậy.
Bên cạnh nhà tôi là chú Hùng. Chú ấy thích mẹ, rất thích mẹ. Ngày nào chú cũng ăn cơm hai bữa ở quán mẹ tôi. Chú đi làm đất cho người ta, buổi trưa thường được ăn cơm ở nhà chủ, nhưng chú vẫn chạy xe mấy cây số để về quán mẹ ăn cơm. Tôi quý chú, vì chú không có cái vẻ bặm trợn, chú cũng không chửi tục, nhổ nước bọt trong quán của mẹ. Chú chỉ ăn cơm và uống một cốc rượu. Nhưng nếu chỉ vì vậy, chắc tôi không quý chú đến thế.
Chú biết thổi sáo, rất hay. Đêm nào chú cũng ngồi trước cửa thổi sáo. Những lúc ấy, tôi không học bài mà toàn chạy sang nhà chú để nghe. Tiếng sáo của chú chẳng hiểu sao luôn khiến tôi buồn, khiến tôi nhớ bà nội, nhớ làng quê nghèo và con đường đê đầy hoa cỏ may mà thuở nhỏ tôi hay bám bà ra đó chơi.
Có lần tôi khóc, tôi kể với chú về mẹ và tôi, tại sao chúng tôi lại phải đến nơi này. Chú lặng lẽ xoa đầu tôi, như con nít, dù lúc ấy tôi đã vào lớp tám. Tôi thực lòng muốn chú đến với mẹ tôi, như vậy tôi sẽ có một người cha tốt, chứ không phải một người cha như cha tôi.
Tôi đã nhiều lần hỏi mẹ tôi về chuyện ấy, nhưng mẹ đều cười lảng sang chuyện khác. Tôi biết mẹ sợ. Sợ lặp lại sai lầm như với cha tôi. Dù mẹ biết, chú rất tốt với mẹ. Chú đi làm cả ngày, nhưng buổi tối luôn giúp mẹ dọn dẹp quán. Nhà hai mẹ con có hư thứ gì, cũng đều là chú sửa lại cho. Tôi vẫn đang kiên nhẫn, tôi biết chú Hùng cũng kiên nhẫn, hằng ngày đợi trái tim mẹ mở ra một lần nữa.
***
Mùi ngai ngái của khói rơm xộc vào khiến mắt tôi giàn giụa. Mẹ nắm chặt tay tôi. Tôi nhận ra bàn tay mẹ đang run.
Căn nhà của bà nội, bảy năm nay vẫn không khác gì. Vẫn mái ngói ba gian, một vườn cây cối um tùm. Ngày bé, ở nhà bà nội nghèo lắm, nhưng đến mùa trái cây thì tôi tha hồ được ăn.
"Mẹ ơi", mẹ cất tiếng gọi.
"Bà ơi", tôi cũng rón rén gọi theo mẹ.
Phải mãi một lúc sau, tôi mới thấy bà bước ra từ trong bếp. Tóc bà giờ đã bạc trắng, lưng cũng đã còng xuống nhiều rồi.
Bà vừa nhìn thấy mẹ tôi, thì đã òa khóc, như một đứa trẻ
"Sao mà chị đi biền biệt giờ mới về thăm mẹ?".
Bà vừa túm tay, vừa vuốt tóc, vừa khóc. Rồi mẹ phải dỗ một lúc, bình tĩnh lại, bà mới quay sang phía tôi.
"Cháu bà đã lớn tồng ngồng thế này sao?".
Tôi đang khóc mà cũng phải bật cười.
Mẹ hận cha tôi vì bội bạc. Lúc tôi được bốn tuổi, cha đem về nhà một đứa con trai với một người phụ nữ khác và đuổi thẳng mẹ con tôi ra khỏi nhà, căn nhà mà mẹ tôi đã gom góp suốt mấy năm trời để xây lên. Sau đó cha tôi đem bán nhà và ra tỉnh ở cùng với người phụ nữ kia. Mẹ và cha chia tay, bà nội đón mẹ con tôi về ở cùng. Trong những ngày mẹ đi làm, bà nội một tay chăm sóc tôi, lo cho tôi tất cả mọi thứ.
Mẹ mồ côi nên từ ngày lấy cha tôi, mẹ đã coi bà tôi như mẹ đẻ, nên dù rất đau khổ vì cha tôi, nhưng mẹ vẫn còn có bà làm chỗ dựa. Mẹ ở với bà cho đến tận lúc tôi vào lớp bốn.
Nhưng cha tôi chưa bao giờ đồng ý chuyện mẹ con tôi ở cùng bà nội. Cha tìm mọi cách để đuổi mẹ tôi ra khỏi nhà. Cho đến ngày, cha vu cho mẹ ngoại tình, mang hẳn về một người đàn ông làm nhân chứng, và nói tôi không phải con gái cha, mà người đàn ông kia mới là cha tôi. Ông buộc bà nội tôi phải đuổi mẹ tôi đi nếu không cha sẽ đem bán căn nhà này và dẫn bà tôi lên tỉnh ở luôn.
Khuôn mặt bà khắc khoải lo âu, dù bà vẫn một mực bảo vệ mẹ tôi, nhưng tôi biết đến lúc ấy, bà đã bất lực rồi. Căn nhà này ngày ông tôi mất, đã sang tên cho cha tôi, vậy nên xét cho cùng, nếu cha tôi có muốn bán nhà, bà cũng chẳng thể làm được gì.
Mẹ quyết định ra đi. Tôi nhớ mẹ con tôi đã len lén mà ra đi, khi bà đi làm đồng. Nhưng vừa đi ra cổng làng, tôi và mẹ đã nghe tiếng bà hốt hoảng gọi với theo.
Bà giúi vào tay mẹ tôi một cái bọc nhỏ màu trắng.
"Mẹ chẳng còn cách nào khác. Mẹ có lỗi với con".
Bà tôi vừa khóc, vừa xin lỗi mẹ tôi. Tôi túm chặt áo mẹ tôi, không khóc. Tôi cũng không hiểu tại sao lúc đó, tôi lại thấy giận bà tôi. Cho đến bây giờ khi lớn lên, khi gặp lại bà, tôi mới hiểu nỗi khổ của những người lớn.
2 chỉ vàng bà cho, dù khó khăn mấy, mẹ cũng không đụng đến. Mẹ thường bảo "Đây là số tiền bà đã dành dụm cả đời. Sau này mẹ sẽ mang về cho bà". Và phải đến tận bảy năm sau, trước ngày tổ chức đám cưới, mẹ mới về thăm bà.
Tối hôm ấy, chúng tôi vẫn ngồi bên hiên nhà để ngắm trăng, rồi mẹ và bà cùng nhau kể chuyện. Tôi nhận ra rằng, mẹ và bà chỉ kể những chuyện vui, còn những buồn tủi cay đắng, tuyệt nhiên không ai nhắc đến. Khi mẹ kể với bà tôi về chú Hùng, mà mấy hôm nữa, chú sẽ ra đây để chào bà, bà tôi nghẹn lại nắm chặt lấy tay mẹ.
"Mẹ mừng cho con. Chỉ tiếc rằng, mẹ chẳng có phúc phận để có đứa con dâu như con".
Một khoảng im lặng kéo dài. Tưởng như chỉ còn ánh trăng vẫn đang lặng lẽ lắng nghe những thổn thức trong lòng hai người phụ nữ này. Tôi biết mẹ đã mất rất nhiều thời gian để có thể quên được nỗi đau khổ mà cha tôi gây ra để đón hạnh phúc. Nhưng mẹ đã trở về, bà nội tôi chẳng phải vẫn là mẹ của mẹ đấy sao. Thời gian đã niềm nở mà đón nhận nỗi niềm của họ. Dẫu sao, bây giờ bà và mẹ cũng lại được ngồi bên nhau.
Mấy ngày ở nhà, tôi và mẹ theo bà đi ra đồng đốt rơm. Khói bay mù mịt. Người làng thấy chúng tôi cũng vui mừng chào hỏi. Chuyện cũ, chuyện đau buồn ấy, không còn ai nhắc đến nữa. Buổi chiều gió xôn xao, giữa những làn khói cay xè mắt, tôi chộn rộn nghĩ về những ngày tuổi thơ nhiều nỗi buồn nhưng cũng vô cùng êm đềm bên bà nội. Giờ đây đi giữa hai người phụ nữ tôi thương nhất đời này, mọi lo lắng và vất vả đều đã ở lại phía sau.
Sáng mai thôi, chú Hùng sẽ ra đến nơi, sẽ đón bà nội vào để dự đám cưới mẹ. Dù mẹ bảo bà đã già không muốn bà phải đi lại vất vả, nhưng bà khăng khăng bảo rằng bà muốn nhìn thấy mẹ trong ngày cưới, ở bên cạnh người đàn ông thương yêu mẹ, như thế bà có nhắm mắt cũng yên lòng. Và cũng chỉ có như thế, bà mới trút được nỗi ân hận do cha tôi gây nên với mẹ. Nhìn vào mắt bà và mẹ, tôi biết, họ cũng đang mong đợi đến ngày ấy, để được thanh thản.