27/02/2019 - 13:01

Khởi nghiệp từ nguồn tài nguyên bản địa 

Biến phụ phẩm vốn có của quê hương thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế là hướng đi được nhiều start-up ở vùng ĐBSCL triển khai và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Qua đó, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được thương mại hóa, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vừa thể hiện nét đặc trưng và thế mạnh tài nguyên bản địa của từng địa phương.  

Chị Nguyễn Thị Hồng Yến, chủ dự án chậu gáo dừa trồng lan và hoa kiểng treo, ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre,
giới thiệu sản phẩm  chậu gáo dừa trồng lan tại cuộc thi khởi nghiệp do BSA tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Tận dụng tài nguyên

Qua bàn tay khéo léo của chị Nguyễn Thị Hồng Yến, ấp Phú Phong, xã Quới Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, những chiếc gáo dừa xù xì tại quê nhà, tưởng chừng chỉ làm củi đốt đã được biến tấu thành những chậu hoa lan vừa có hoa văn đẹp mắt, vừa đáp ứng nhu cầu trồng hoa lan của nhiều người. Chị Hồng Yến kể: "Do muốn tạo nét mới lạ cho vườn nhà, tôi đã thử mài giũa những chiếc gáo dừa thô nhám cho bóng đẹp để làm chậu hoa trồng lan thay cho những chiếc chậu nhựa đang sử dụng. Từ đây, ý tưởng tạo chậu hoa lan từ gáo dừa được nảy sinh và điều không ngờ là những chậu hoa trồng lan có khắc hoa văn được bạn bè và những người có sở thích trồng lan trên mạng xã hội ưa thích và đặt mua với số lượng ngày càng nhiều". Điều này đã thôi thúc chị Hồng Yến bắt tay vào sản xuất chậu gáo dừa hoa văn, với giá vài chục ngàn đồng/chậu, có độ bền cao (từ 3- 5 năm), phù hợp với sự phát triển của nhiều dòng hoa lan và túi tiền của nhiều khách hàng.

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Yến, để chiếc chậu gáo dừa đạt chất lượng và tính thẩm mỹ cao, người thợ phải trải qua 7 công đoạn, từ làm sạch gáo nguyên liệu, cắt miệng gáo, khoan lỗ thoát nước, chạm khắc hoa văn, trang trí hoa văn, chạm khắc và làm sạch gáo thành phẩm. Hiện, chị Hồng Yến thiết kế trên 10 kiểu chậu gáo dừa, với nhiều hình dạng, hoa văn khác nhau và được tiêu thụ chủ yếu qua mạng xã hội facebook, zalo… với số lượng bình quân 5.000 chậu/tháng. Với nguồn gáo dừa dồi dào vốn có tại địa phương, chị Hồng Yến còn  tạo thêm được các vật dụng trong nhà hay các mẫu lồng đèn trung thu, mẫu đèn trang trí,... để cung ứng cho các khu du lịch. Hiện, những sản phẩm có tính chất trang trí và làm đẹp cho không gian sống, làm từ gáo dừa của chị Hồng Yến đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và đã tiếp cận được thị trường Singapore, Mỹ… qua đường xách tay. Bằng sự năng động và sáng tạo biến phế phẩm thành vật phẩm có giá trị, chị Hồng Yến đã góp phần nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu gáo dừa và tăng thu nhập cho những cơ sở sản xuất cơm dừa tại quê nhà; đồng thời, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ nhàn rỗi tại địa phương, giảm thiểu lượng gáo phế liệu thải ra môi trường.

Với ý tưởng "biến củi thành mỹ nghệ", dự án sản xuất và kinh doanh chậu gỗ trồng cây (chậu gỗ Mộc Lan) được nhóm khởi nghiệp, gồm: anh Lê Văn Tấn, anh Nguyễn Bỉnh Khiêm, anh Đinh Quốc Tính, ở thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, triển khai và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Nhận thấy các cơ sở đóng xuồng nghe tại địa phương, hằng ngày bỏ phế hàng loạt những miếng gỗ vụn, nhóm khởi nghiệp chậu gỗ Mộc Lan đã tận dụng nguồn gỗ phế phẩm ấy để tạo ra nhiều kiểu dáng chậu trồng hoa lan, chậu trồng rau sạch, chậu trồng hoa kiểng, cây cảnh hay các mặt hàng mỹ nghệ: đèn trang trí, bảng hiệu, kệ để điện thoại, dụng cụ cắm bút… Điểm ưu việt của sản phẩm chậu gỗ Mộc Lan là không độc hại, độ bền cao, phù hợp cho nhiều loại cây trồng, giá cả hợp lý nên được nhiều khách hàng ưa chuộng và đặt mua với số lượng ngày càng tăng. Cũng từ đó, đã tạo động lực cho nhóm khởi nghiệp chậu gỗ Mộc Lan mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất; đồng thời, tăng cường tìm kiếm đối tác, liên kết với các cửa hàng chuyên doanh và giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh An Giang để quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Cần trợ lực

Theo nhóm khởi nghiệp chậu gỗ Mộc Lan, ở thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang,  các sản phẩm chậu gỗ Mộc Lan không chỉ thân thiện môi trường mà còn có vẻ đẹp tự nhiên cùng với tính thẩm mỹ cao nên ngày càng được khách hàng ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Song, để phát triển lâu dài, nhóm khởi nhiệp chậu gỗ Mộc Lan rất cần nguồn vốn đầu tư công nghệ sản xuất tự động hóa; tìm kiếm đối tác hợp tác, hỗ trợ về nguồn vốn, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hồng Yến, để gia tăng giá trị cho các sản phẩm chậu gáo dừa, cần có nguồn vốn đầu tư máy khắc chữ để thể hiện tên thương hiệu lên sản phẩm; cùng đó, chị Hồng Yến rất cần sự tiếp sức của ngành chức năng trong việc hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu riêng đối với những mẫu mã do chị  tự thiết kế. Điều này, không chỉ giúp chị Hồng Yến bảo hộ được thương hiệu sản phẩm mà còn góp phần gia tăng sức cạnh tranh thị trường cho sản phẩm chậu gáo dừa trồng lan và hoa kiểng treo. Không chỉ dừng lại đó, chị Hồng Yến còn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, liên kết với các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch, đưa khách đến tham quan và trải nghiệm các công đoạn làm nên thành phẩm chậu gáo dừa trồng lan và hoa kiểng treo tại cơ sở.

Theo Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), hầu hết các dự án khởi nghiệp ở vùng ĐBSCL đã đưa được đặc tính bản địa vào sản phẩm rất rõ ràng và đã nêu bật được các giá trị của sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm của nhiều dự án đã được thương mại hóa, đáp ứng nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, thể hiện được nét đặc trưng, thế mạnh tài nguyên bản địa của từng địa phương. Song, để đưa dự án khởi nghiệp bứt phá và vươn xa, các start-up cần chú trọng đầu tư nghiêm túc, cung cấp ra thị trường sản phẩm vừa đẹp, vừa độc đáo, với giá thành hợp lý. Cùng với đó, BSA đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các start-up, thông qua các chương trình tập huấn với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tế về khởi nghiệp, cách khai thác thị trường và cách làm marketing... cho người khởi nghiệp. BSA còn hỗ trợ cho các chủ dự án khởi nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm đến khách hàng ở "Phiên chợ xanh tử tế"; hỗ trợ tham gia, trưng bày hàng hóa tại các hội chợ thương mại,… Những hoạt động này sẽ từng bước giúp các chủ dự án khởi nghiệp am hiểu và biết cách thâm nhập thị trường, tìm kiếm các cơ hội kết nối với các doanh nghiệp đối tác.

Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết