Bài, ảnh: MỸ THANH
Tại hội nghị “Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại ÐBSCL”, các chuyên gia kinh tế hàng đầu khẳng định ÐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, là “huyết mạch giao thương” cả nước. Tuy nhiên, hoạt động giao thương, thu hút đầu tư thời gian qua của vùng cũng vướng nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Với sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ từ Trung ương, ÐBSCL sẽ là điểm đến đầy hứa hẹn về giao thương, thu hút đầu tư trong những năm tới.

DN ĐBSCL trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện kết nối cung cầu giữa các tỉnh trong vùng và cả nước tổ chức tại TP Cần Thơ.
Nhận diện điểm nghẽn
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), những năm gần đây, doanh nghiệp (DN) tận dụng tốt hơn các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại nhưng các khó khăn do khủng hoảng năng lượng từ cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukraina, lạm phát tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ tại các thị trường nhập khẩu lớn đã ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng. Về thu hút đầu tư, DN FDI có những đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh tại ÐBSCL như hoạt động thanh, kiểm tra đã giảm; cải cách thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực; chi phí không chính thức, chi phí thời gian, tính năng động, chất lượng lao động và chất lượng hạ tầng dần được cải thiện. Tuy nhiên, một số DN phản ánh khi triển khai dự án đầu tư có công trình xây dựng như cấp phép xây dựng, thủ tục hành chính đất đai, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường, đăng ký đầu tư, thuế… chưa gặp nhiều thuận lợi.
Ðồng quan điểm trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, DN mong chờ sự thay đổi mạnh mẽ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho DN yên tâm phát triển kinh tế. Những dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo đang gặp trở ngại rất lớn về pháp lý, từ quy hoạch cho đến những vấn đề hành chính. Ðể tháo gỡ thách thức, khó khăn trong thu hút nhà đầu tư cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống các thể chế, trong đó có các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đầu tư thương mại quốc tế.
Ở một góc độ khác, hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối giữa những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước đến các tỉnh trong khu vực ÐBSCL và nội vùng chưa đồng bộ và thiếu tính liên kết. PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), cho biết: “Hằng năm, nhu cầu vận tải hàng hóa xuất khẩu của vùng lên đến vài chục triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022 ước tính là 11 tỉ USD. Tuy vậy, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hiện nay là không tương xứng với những tiềm năng mà khu vực này đang sở hữu. Cụ thể, các tỉnh thành trong khu vực đều đang phụ thuộc vào các cảng biển tại TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu; chỉ có 3/13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL có kho lạnh thương mại (Long An, Hậu Giang và Cần Thơ). Mặt khác, tình trạng một số cảng biển tại TP Hồ Chí Minh thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu bãi và thời gian chờ kéo dài… chi phí logistics quá cao đã trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm”.
Huy động nguồn lực
Theo ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (JETRO), ÐBSCL có tiềm năng và độ hấp dẫn về các lĩnh vực như du lịch, hạ tầng đô thị, bất động sản và năng lượng. Ðể khơi dậy tiềm năng này, ÐBSCL cần đầu tư mạnh hơn trong khâu hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Các địa phương không chỉ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách mà cần tăng cường kêu gọi xã hội hóa, gia tăng độ tham gia của DN địa phương vào phát triển vùng, cải thiện sự hấp dẫn của khu vực để thu hút đầu tư quốc tế. Bởi lẽ chỉ khi các vấn đề về cơ sở hạ tầng được giải quyết, giao thương mới có thể thuận lợi, ÐBSCL mới có thể phát triển mạnh mẽ đúng với tiềm năng kỳ vọng.
Cũng liên quan đến vấn đề hạ tầng, PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa nhấn mạnh: Ðể khơi thông dòng chảy logistics, các địa phương cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng: giao thông, kho bãi, tối ưu hóa các phương án logistics để giảm chi phí, hiệu quả sản xuất. Ðồng thời, DN cần chủ động tạo liên kết phối hợp linh hoạt, hình thành mạng lưới để cùng nhau phát triển theo hướng bền vững, liên kết chuỗi cung ứng”.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, thông tin: Tính đến quý II-2023, tỉnh Long An và TP Cần Thơ là các địa phương dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư với nhiều dự án nổi bật, lượng vốn nước ngoài đăng ký đầu tư lớn. Nhưng quan sát thấu đáo, chúng ta có thể thấy, nếu như thời gian trước, các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến Long An, Cần Thơ… thì giờ đây có thêm sự chuyển dịch sang một số địa phương khác như Bến Tre, Trà Vinh. Do đó, các địa phương nên tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện quy trình cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đón nguồn vốn đầu tư chất lượng.
Khi giao thương phát triển, DN trong khu vực sẽ làm việc với nhiều đối tác hơn, không chỉ DN trong nước mà còn có nhiều DN nước ngoài. Ðiều này đồng nghĩa với việc các tranh chấp luôn tiềm tàng và có nguy cơ phát sinh bất cứ lúc nào với tính chất ngày càng phức tạp hơn. Vì vậy, theo Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, Trọng tài viên VIAC, DN nên dành sự quan tâm ngay từ khi lựa chọn đối tác để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra như ký kết với DN ảo, không địa chỉ đăng ký DN, không tồn tại địa điểm kinh doanh... Khi giao kết hợp đồng với các đối tác xuyên biên giới, DN khó lòng nắm bắt đầy đủ thông tin về độ tin cậy, tính xác thực của đối tác. Vì vậy, DN nên chủ động tìm hiểu và tận dụng kinh nghiệm về tập quán và văn hóa kinh doanh; kết nối với các tham tán, hiệp hội DN nước ngoài để được hỗ trợ. Trong quá trình soạn thảo hợp đồng, DN chú ý các điều khoản nội dung cần được quy định chặt chẽ, nhất là điều khoản về giải quyết tranh chấp để bảo vệ lợi ích hợp pháp, phòng ngừa rủi ro…l