26/07/2022 - 15:17

Khởi động Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở ĐBSCL 

(CT) - Ngày 26-7, tại TP Cần Thơ, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức hội thảo khởi động cấp quốc gia Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững ở ĐBSCL. Tham dự hội thảo có gần 100 đại biểu là đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, đại diện SNV, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, các tổ chức quốc tế, sở NN&PTNT các tỉnh, thành, cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và gần 30 doanh nghiệp lúa gạo lớn ở ĐBSCL.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Tổ chức Phát triển Hà Lan đang phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương để thực hiện Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững ở ĐBSCL (TRVC). Dự án này dự kiến được thực hiện ở các địa phương có diện tích trồng lúa lớn tại vùng ĐBSCL (như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp) từ 2022-2027. Mục tiêu nhằm cải thiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, gia tăng thu nhập cho các nông hộ và tăng cường các giải pháp, công nghệ thông minh để sản xuất lúa với khí thải các bon thấp và giảm thiểu các tác động của BĐKH.  Dự án sử dụng cơ chế trao giải thưởng dựa trên kết quả, khuyến khích và thu hút sự tham gia hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo, nhất là giữa nông dân và doanh nghiệp để đẩy mạnh mở rộng ứng dụng trên quy mô lớn các công nghệ sản xuất lúa tiến bộ. Qua đó, tạo ra sự chuyển đổi sản xuất và kinh doanh lúa gạo theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH và mang lại các giá trị bao trùm. Cụ thể như, giúp mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho các nông hộ nhỏ và toàn thể tác nhân trong chuỗi, nâng cao chất lượng lúa gạo và đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, Dự án TRVC dự kiến hỗ trợ phát triển sinh kế cho khoảng 300.000 hộ nông dân trồng lúa, giảm phát thải khoảng 200.000 tấn CO2, giảm 20-30% chất thải hóa học, tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào... Đồng thời, đề xuất các mô hình, phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện và kiểm định quốc tế nhằm nhân rộng tại nước ta.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết