Thời gian qua, Công an TP Cần Thơ đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực an ninh trật tự (ANTT)... Dù các mô hình với những tên gọi khác nhau nhưng đều có chung nội dung, ý nghĩa,... nhằm phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT.
Mô hình “Toàn dân tham gia tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội (TNXH) qua đường dây nóng” do Công an thành phố chỉ đạo công an các quận, huyện thực hiện, đến nay đã tạo được nhiều kết quả tích cực.

Mô hình “Cổng rào ANTT” được Công an huyện Phong Điền duy trì thực hiện hiệu quả trong việc vây bắt tội phạm.
Theo đánh giá của Phòng PV05 Công an TP Cần Thơ, qua hơn 7 năm triển khai thực hiện mô hình (từ tháng 3-2014), mô hình đã lắp đặt 65.673 bảng thông báo tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm trên địa bàn thành phố; người dân đã cung cấp trên 10.400 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an điều tra làm rõ 2.473 vụ, bắt, xử lý 5.291 đối tượng vi phạm. Ðặc biệt, từ mô hình này, công an các quận, huyện trong thành phố đã có sự sáng tạo, tham mưu cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương cùng cấp tổ chức triển khai, thực hiện mô hình “Móc khóa tố giác tội phạm và TNXH”, trên móc khóa có số điện thoại của công an xã, phường, thị trấn để người dân kịp thời báo với lực lượng công an khi phát hiện vụ việc xảy ra… Lực lượng công an các cấp đã cấp, phát 46.530 móc khóa cho người dân, các tổ chức quần chúng làm công tác an ninh trật tự ở cơ sở và nghiệp đoàn xe mô tô khách, với tổng số tiền trên 1 tỉ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa và ngân sách địa phương.
Ông Trần Văn Hiếu, ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền, chia sẻ: “Tôi làm nghề chạy xe hon da chở khách. Trước đây, khi công an chưa cấp móc khóa (có ghi số điện thoại của công an), bản thân tôi chứng kiến nhiều vụ trộm cắp, tụ điểm TNXH, nhưng không biết thông báo cho ai và cũng rất sợ bọn tội phạm trả thù... Từ khi công an cung cấp móc khóa rộng rãi, khi phát hiện hoặc nghi vấn tội phạm là mọi người mạnh dạn gọi điện báo, để công an kịp thời xử lý”.
Tại các huyện Cờ Ðỏ, Thới Lai, Phong Ðiền, xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhiều tuyến đường liên ấp, liên xã, địa bàn giáp ranh... nên các loại đối tượng dễ lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, từ năm 2011 đến nay, công an các huyện này đã xây dựng và triển khai thực hiện thành công mô hình “Cổng rào ANTT” tại các tuyến, địa bàn giáp ranh. Ðến nay, thành phố đã lắp đặt 947 “Cổng rào ANTT” với kinh phí xây dựng trên 3 tỉ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa. Người dân đã đóng cổng bắt được trên 80 vụ (chủ yếu trộm xe, trộm chó, trộm gà…) giao cho lực lượng công an xử lý trên 120 đối tượng.
Thượng tá Nguyễn Văn Ngôn, Trưởng Phòng PV05 Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Phát huy hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” về ANTT, Phòng PV05 sẽ tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phát động Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phù hợp với từng loại địa bàn, nội dung tuyên truyền phải thật sự phong phú, thu hút người nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Qua thực hiện các mô hình đã khơi dậy ý thức tích cực tham gia tố giác, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và TNXH, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Do vậy, công an các quận, huyện, xã, phường, thị trấn cần tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng thêm các mô hình, điển hình tiên tiến phù hợp trong tình hình hiện nay; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc tổ chức thực hiện các mô hình; kịp thời động viên khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào; phát hiện và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong thực hiện mô hình”.