15/02/2017 - 10:34

Khơi dậy sức sống Hát Sắc Bùa Phú Lễ

Hát Sắc Bùa là loại hình diễn xướng dân gian có ở nhiều địa phương trong cả nước. Ở Bến Tre, Hát Sắc Bùa theo chân những lưu dân miền Trung vào khai cơ khẩn nghiệp rồi dần dà hình thành nên một lối hát riêng biệt, mang tên Hát Sắc Bùa Phú Lễ. Trăm năm trôi qua, có lúc tưởng chừng bị mai một, nhưng nhờ những con người tận tâm với văn hóa mà Hát Sắc Bùa Phú Lễ đã được hồi sinh.
Mới đây, Hát Sắc Bùa Phú Lễ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hát Sắc Bùa- trao lời chúc

Phú Lễ là tên một xã của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre- địa phương bắt nguồn loại hình Hát Sắc Bùa. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như Giáo sư Nguyễn Chí Bền, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Huỳnh Ngọc Trảng, Lư Hội… Hát Sắc Bùa Phú Lễ ra đời vào khoảng giữa cuối thế kỷ XVIII, được ông Trần Văn Hậu, con rể của ông Hồ Đức Quang- dân cố cựu ở Phú Lễ, mang Hát Sắc Bùa từ vùng Bình Định vào dạy cho dân Phú Lễ hát nhằm giúp bà con vui vẻ trong những ngày Xuân, tháng Tết.

Đội Hát Sắc Bùa tỉnh Bến Tre trong lần diễn xướng tại Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Nội dung Hát Sắc Bùa Phú Lễ chủ yếu là những lời chúc tụng nhau với cầu mong mùa màng tươi tốt, gia đạo bình an, sung túc, nghề nghiệp ổn định, sự nghiệp mở mang… Đầu tiên, đội hát Sắc Bùa chỉ hoạt động trong phạm vi xã Phú Lễ, thỉnh thoảng mới đi hát rong ở những vùng lân cận. Sau này, Hát Sắc Bùa lan tỏa đến các xã khác như Phước Tuy, Phú Ngãi, Bảo Thạnh (huyện Ba Tri), Tân Thanh (huyện Giồng Trôm)… Một đội hát có ít nhất 4 nghệ nhân, đủ là 6 nghệ nhân, có khi đông lên đến 8-12 nghệ nhân để cuộc hát thêm phần "xôm tụ". Nghệ nhân khá đa năng, vừa là người hát, vừa là người chơi nhạc cụ. So với Hát Sắc Bùa ở nhiều địa phương khác, Hát Sắc Bùa Phú Lễ có đặc thù về nhạc cụ là đảm bảo 4 loại chính: đờn cò, trống cơm, sanh tiền, sanh cái. Nếu đội hát có thêm người thì chia đều sanh tiền, sanh cái cho các thành viên.

Kỹ thuật diễn xướng chính của Hát Sắc Bùa Phú Lễ là cái kể- con xô. Nghĩa là có một người xướng một câu hát (cái kể) rồi những người còn lại hát nối theo (con xô). Do đây là cách diễn xướng mang tính chúc tụng nên thường hai câu đầu của mỗi bài hát đều có câu:

"Năm mới giàu sang

Gia quan, tấn lộc (tước)"

Mỗi buổi hát thường gồm có 3 phần: phần mang tính nghi lễ, phần hát chúc phúc, chúc nghề nghiệp và phần giã từ. Khi đội hát đến nhà gia chủ sẽ hát bài "Khai môn" để được nghinh tiếp. Ví dụ như:

"(Cái kể) Nhà ông cửa kín rào cao

(Con xô) Tôi vô chẳng đặng đứng ngoài tôi rao…."

Khi được gia chủ đón tiếp, đội hát bắt đầu những bài hát chúc nhau rất vui tươi, từ chúc đức ông bà, chúc gia đạo, chúc chuyện làm ăn. Nhưng thú vị nhất có lẽ là những bài chúc nghề nghiệp: nghề nông, nghề dệt vải, nghề đươn, nghề mộc… theo đúng nghề của gia chủ nên "đánh trúng tim đen", được đón nhận nồng nhiệt. Gia chủ làm nghề nông, đội hát cất lên: "Nhổ tới một ngày. Phải đặng tám thiên. Cho cấy xuống liền. Lúa ra cuồn cuộn…". Hay với nghề thợ đươn thì chúc: "Rổ sảo lông muốt. Đươn thời cũng tốt. Đươn nia, đươn sọt. Đươn sáo, đươn nong. Giồng nào cũng có…".

Theo nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hát Sắc Bùa Phú Lễ đã trở thành vũ khí "như gậy tầm vông, như súng ngựa trời", cổ vũ sự nghiệp kháng chiến vệ quốc của người dân Xứ Dừa. Những biến cố, sự kiện đều được dân gian Hát Sắc Bùa qua những bài tiêu biểu như "Tây ruồng Phú Lễ", "Kể chuyện chiến thắng Phú Lễ"… "Tục Hát Sắc Bùa không chỉ là vốn quý của Phú Lễ, của Ba Tri, của Bến Tre, của Nam bộ mà còn là di sản chung của cả nước"- nhạc sĩ Lư Nhất Vũ nhận định, và đến nay đã chính thức được vinh danh.

Hồi sinh di sản

Có thể nhìn nhận, Hát Sắc Bùa Phú Lễ là loại hình diễn xướng dân gian tồn tại lâu đời ở Bến Tre, bên cạnh những loại hình bản địa khác như nói thơ Vân Tiên, Lý Cái Mơn, Lý Ba Tri… Tuy nhiên, do nhu cầu và môi trường diễn xướng không còn, nhất là sự "ngán ngại" về tính "sắc bùa" (xét bùa) của loại hình này mà Hát Sắc Bùa Phú Lễ thời gian dài dường như bị mai một, lãng quên.

Nhìn lại công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy Hát Sắc Bùa Phú Lễ, sớm nhất có nhạc sĩ Lư Nhất Vũ- nhà thơ Lê Giang với công trình "Dân ca Bến Tre" (1981), kế đến là công trình "Hát Sắc Bùa Phú Lễ" của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng (1992), công trình "Tìm hiểu một số hiện tượng văn hóa dân gian Bến Tre" của Giáo sư Nguyễn Chí Bền (trong giai đoạn 1977-1990). Tuy nhiên, đó vẫn là những công trình "nằm trên giấy" nếu không có sự xắn tay của một người con nặng lòng với văn hóa dân gian- nhà nghiên cứu Lư Hội, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bến Tre.

Ông Lư Hội chưa quên thời điểm năm 1998, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ngành Văn hóa Bến Tre đã triển khai dự án "Diễn xướng Sắc Bùa Phú Lễ" và ông được giao thực hiện. Từ thầy giáo làng, cán bộ xã rồi cán bộ văn hóa gia đình, chuyện bảo tồn Hát Sắc Bùa với ông Lư Hội như tờ giấy trắng nhưng ông rất xông xáo bởi trong lòng luôn cháy bỏng tình yêu văn hóa dân gian. Ông lặn lội tìm đến các nghệ nhân, thu thập tài liệu, tư liệu điền dã rồi tổ chức ghi âm, ghi hình tại 4 xã: Phú Lễ, Phước Tuy, Tân Xuân và Phú Ngãi (huyện Ba Tri). "Sau quá trình tìm hiểu, tôi kết nối được 6 nghệ nhân, trong đó có 4 nghệ nhân Hát Sắc Bùa là thành viên chính thức của đội hát Phú Lễ trước đây, tồn tại đến năm 1978. Đó là thành công ban đầu, tôi rất phấn khởi"- ông Lư Hội kể. Vậy là "hình hài" của một loại hình di sản tưởng chừng chỉ còn nằm trong ký ức của những ông bà già xưa trên Xứ Dừa đã được phác họa.

Ông Lư Hội nói rằng, Hát Sắc Bùa Phú Lễ được sống dậy và "đem chuông đi đánh xứ người" là vào năm 2005, khi đội Hát Sắc Bùa Bến Tre tham gia Liên hoan Dân ca toàn quốc và đạt giải A. Ngọn lửa nồng ấm với di sản của ông Lư Hội đã truyền đến các nghệ nhân như ông Nguyễn Văn Dũng (thủ sanh tiền), ông Bùi Văn Đức (thủ sanh cái), ông Thái Văn Cấu (thủ trống cơm), ông Nguyễn Văn Bé (thủ đờn cò)… Để rồi năm 2012, ông Lư Hội cùng những tâm hồn đồng điệu lập nên Đội Hát Sắc Bùa trực thuộc Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre.

Từ 4 thành viên ban đầu và đến nay là hơn chục thành viên, đội hát vẫn cứ đều đặn quây quần bên nhau mà "cái kể- con xô", mà ngân nga đồng vọng tiếng lòng quê hương. Bên tách trà chiều, ông Lư Hội gác cần đờn cò, vui mừng nói rằng, tới giờ ông đã gầy dựng ở Bến Tre đến 5 đội hát Sắc Bùa gồm: xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm), Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Ba Tri, xã Phú Lễ, Bảo tàng Bến Tre và học sinh Trường THCS xã Phú Lễ. Nhờ vậy, Hát Sắc Bùa Phú Lễ giờ không còn là "huyền thoại" của tiền nhân mà tràn đầy sức sống trong lòng thời đại. Những điệu hát giờ không chỉ có chất giọng của những ông già bà cả mà còn có những làn hơi trong trẻo của trẻ thơ. Sự hòa quyện làm nên chất đời, sống cho Sắc Bùa Phú Lễ.

Duy Lữ

Chia sẻ bài viết