22/08/2019 - 08:17

Khơi dậy niềm tự hào, lan tỏa niềm tin yêu hàng Việt 

Đầu tháng 8-2019, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Cuộc vận động. Nhìn lại chặng đường đã qua, với nỗ lực của hệ thống chính trị, Cuộc vận động đã tác động tích cực đến toàn xã hội. Các doanh nghiệp Việt nỗ lực nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã hàng hóa, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với những sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Chủ trương đúng đắn

Cuộc vận động đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, mang ý nghĩa to lớn về nhiều mặt. Đó là, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, góp phần xây dựng nền kinh tế tự cường, tự lực. Kinh tế đất nước có bước phát triển mới cả về quy mô, trình độ lực lượng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tăng quy mô cung-cầu của nền kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu. Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày một cao hơn. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, người tiêu dùng ủng hộ, mua sắm, sử dụng; một số sản phẩm tạo được uy tín trên thị trường quốc tế... Qua đó, tích cực góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Bộ Công thương, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỉ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỉ USD). Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%).

Hằng năm, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng kế hoạch hoạt động và hướng dẫn các hoạt động trọng tâm cho Ban Chỉ đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố; xây dựng kế hoạch kiểm tra,  tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Đến nay, có 475/712 huyện, quận, thị xã, thành phố tại 50 tỉnh, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo ở 100% đơn vị cấp huyện. Trong 10 năm qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của 59/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức tuyên truyền được 4.718.898 cuộc với 246.111.905 người tham dự; đăng tải trên 554.461 tin, bài, phóng sự; 36.030 cuộc đưa hàng Việt về nông thôn, hội chợ, triển lãm.

Ở Cuộc vận động tại TP Cần Thơ, điểm nổi bật nhất là chương trình đã được triển khai sâu rộng từ trung tâm thành phố đến khu vực vùng sâu vùng xa. Trong công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động, các cơ quan đơn vị, đảng ủy trực thuộc thành ủy và các địa phương trên địa bàn thành phố đều có nghiên cứu, tìm ra giải pháp kịp thời, phù hợp, thu hút được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia quảng bá sản phẩm, các chương trình bình ổn giá... Cùng với TP Cần Thơ, nhiều địa phương khác tại khu vực ĐBSCL như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Tiền Giang, Long An... Cuộc vận động cũng được thực hiện tập trung, có trọng điểm với cách làm đa dạng và nhận được sự ủng hộ tích cực từ người tiêu dùng. 

Tạo lập hệ thống phân phối hàng Việt

Việc tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong nước tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nước, đặc biệt là các nông sản, đặc sản địa phương. Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại.

Tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị luôn ở mức cao.

Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và các nhà sản xuất kinh doanh như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty Rau quả thực phẩm tỉnh An Giang (Antesco)...  đã tích cực triển khai các giải pháp, hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động. Các doanh nghiệp thương mại thời gian qua cũng đã tham gia Cuộc vận động. Bằng cam kết đưa hàng Việt vào các kênh bán hàng, góp phần cho tỷ trọng hàng hóa Việt Nam trên thị trường duy trì ở tỷ lệ cao và đảm bảo sự ổn định. Thực hiện cam kết với người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất trong nước luôn chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm để bảo vệ uy tín của doanh nghiệp.

Bộ Công thương đã phê duyệt 946 đề án xúc tiến thương mại nội địa với tổng kinh phí 237,53 tỉ đồng. Các đề án được triển khai thực hiện và đạt kết quả cụ thể như sau: số lượng doanh nghiệp tham gia đạt 32.154 lượt, giá trị hợp đồng đạt hơn 340 tỉ đồng, doanh thu bán hàng tại hội chợ và các phiên chợ hơn 1.422 tỉ đồng. Tổ chức kết nối cung cầu giữa các địa phương, doanh nghiệp và vận động các tiểu thương ưu tiên bán hàng Việt tại các chợ truyền thống, các trung tâm thương mại. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như: Lào, Campuchia…

Chương trình bình ổn thị trường đã được hầu hết các địa phương triển khai. Mô hình này đã góp phần phát triển hệ thống phân phối, giúp người dân tiếp cận được hàng Việt chất lượng bảo đảm, giá hợp lý, đặc biệt chú trọng cho các đối tượng có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp và khu vực nông thôn. Trên toàn quốc có khoảng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường, trong đó chủ yếu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và các hàng hóa thiết yếu Việt Nam...

Trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh, dịch vụ; tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mọi người dân Việt Nam trong thực hiện Cuộc vận động, nhằm góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá: chiến lược gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế... Các doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh, dịch vụ không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ; phát triển và mở rộng thị trường nội địa. Đồng thời, đổi mới phương thức triển khai Cuộc vận động theo hướng kế thừa những kết quả đã đạt được, mở rộng phạm vi, đối tượng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng yêu cầu tăng tính tự chủ của nền kinh tế đất nước trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Nam Hương

 

Chia sẻ bài viết