22/10/2012 - 20:49

Khó nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch...

Nông dân chưa quyết định được giá nông sản do mình làm ra.

Đây là thực trạng đã và đang xảy ra gây nhiều bức xúc trong một bộ phận người dân sản xuất nông nghiệp ở Bến Tre. Thời gian qua, một bộ phận nông dân đã có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo ra sản phẩm thị trường cần, chứ không sản xuất theo cảm tính. Sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt) đồng nghĩa với việc người nông dân phải thực hiện bước vượt khó, mọi tác động đến cây trồng, vật nuôi đều phải ghi chép rõ ràng vào sổ nhật ký hằng ngày. Song, những nỗ lực của nông dân chưa được trả công xứng đáng.

1. Ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, có 36 hộ tham gia Tổ sản xuất chôm chôm Global GAP (Global Good Agricultural Practices - Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), nhưng khi thu hoạch chôm chôm thì công ty hợp đồng thu mua chọn lọc rất khắt khe. Chôm chôm loại từ 32 trái trở lại/1kg mới thu mua, với giá cao hơn thị trường 20%, số còn lại nhà vườn tự tìm thương lái khác để tiêu thụ. Theo nhà vườn, cây trồng chăm sóc bài bản cao nhất cũng chỉ 50% sản lượng trái đáp ứng yêu cầu của công ty thu mua. Suy đi nghĩ lại, hầu hết các thành viên trong Tổ sản xuất chôm chôm Global GAP chọn phương án bán với giá như các nhà vườn chăm sóc theo phương pháp truyền thống để đảm bảo tất cả trái thu hoạch đều bán được. Tổ liên kết sản xuất Bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Viet GAP ở xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách cũng vướng ở khâu tiêu thụ. Công ty hợp đồng thu mua phân kích cỡ trái ra 4 loại để thu mua, giá cao hơn thị trường 15%. Trong khi đó, các thương lái khác chỉ phân 2 loại để thu mua, nên nhiều nông dân trong tổ đã không bán cho công ty.

Sản xuất theo GAP, Global GAP phải tuân thủ rất nhiều tiêu chí, trong khi giấy chứng nhận các tiêu chuẩn này chỉ có thời hạn 1 năm. Nếu muốn được cấp lại, phải tổ chức đánh giá lại từ đầu và tốn kém rất nhiều chi phí, hội tụ đủ các điều kiện mới được tái cấp giấy chứng nhận. Chi phí tái cấp giấy chứng nhận vài chục triệu đồng, trong khi qua một vụ thu hoạch, giá sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn so với phương thức sản xuất truyền thống, nên một số thành viên trong các tổ liên kết không đóng góp tiền để chi phí tái cấp giấy chứng nhận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các tổ quay về với sản xuất theo phương thức truyền thống.

2. Điệp khúc "Trúng mùa rớt giá" không còn xa lạ đối với diêm dân sản xuất muối ở Ba Tri và Bình Đại. Những năm vào vụ, thời tiết thuận lợi, muối thu hoạch đạt sản lượng cao, diêm dân mừng mà lo, bởi thương lái cho rằng, muối sản xuất theo phương pháp truyền thống, còn lẫn nhiều tạp chất, không đủ điều kiện cho chế biến, nên ép giá. Vậy là, muối phải bán giá thấp nhưng tiêu thụ rất gian nan. Rồi mô hình sản xuất muối phủ bạt ra đời, một vài diêm dân tiên phong tham gia để thay đổi phương thức sản xuất, giúp đầu ra sản phẩm thông suốt hơn. Sản xuất muối phủ bạt, vốn đầu tư ban đầu khá cao, bạt giá 25.000- 50.000 đồng/m2. Trong khi đó, diêm dân vốn tích lũy không có, phải vay ngân hàng, nếu 3 công đất (3.000m2) muối đầu tư bạt phải thu hoạch 2 vụ muối (tức 2 năm) mới hoàn vốn, đó là chưa tính lãi suất ngân hàng và chi phí lao động. Sản xuất muối phủ bạt tốn nhiều công lao động nhưng lo ngại nhất vẫn là giá thương lái thu mua chênh lệch không đáng kể so với phương thức sản xuất truyền thống. Vụ muối 2012 vừa qua, đầu vụ độ mặn thấp đến chính vụ gặp phải mưa trái mùa, ảnh hưởng đến việc muối kết tinh, diêm dân sản xuất muối truyền thống lẫn phủ bạt đều giảm sản lượng thu hoạch. Có diêm dân thu hoạch sản lượng chỉ 50% so với vụ muối năm 2011. Thương lái thu mua cao điểm giá từ 60.000 - 65.000 đồng/giạ (khoảng 30kg), trong đó muối sản xuất phủ bạt giá bán chỉ cao hơn 500 đồng/giạ. Một lần nữa, cho thấy, giá muối sản xuất theo mô hình phủ bạt vẫn chưa đủ sức thuyết phục diêm dân đi đến quyết định phải thay đổi phương thức sản xuất truyền thống.

3. Gần đây nhất, ngành hữu quan tỉnh Bến Tre đã đầu tư mô hình nuôi vịt an toàn sinh học trình diễn thí điểm tại huyện Ba Tri (xã An Hiệp và An Ngãi Trung) và được xem là một trong những biện pháp giúp người nuôi kiểm soát chặt chẽ sự xâm nhập của mầm bệnh trên đàn vịt nuôi, tạo sản phẩm thịt sạch cho người tiêu dùng. Bởi tập quán của nông dân là nuôi vịt gắn với các vụ lúa trong năm để giảm chi phí thức ăn; tuy nhiên, trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nuôi vịt chạy đồng rất dễ bị dịch bệnh tấn công và phát tán mầm bệnh nhanh. Để tham gia mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học, người nuôi tham gia tập huấn, áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật. Từ tiêm phòng dịch bệnh đến sự di chuyển ra vào khu vực nuôi đều được kiểm soát chặt chẽ. Mô hình nuôi vịt an toàn sinh học chi phí đầu tư thức ăn và các chi phí đầu vào khác cao hơn nuôi vịt chạy đồng. Song, từ đầu năm 2012 đến nay, giá vịt thịt nuôi chạy đồng lẫn nuôi an toàn sinh học đều giảm, từ hơn 40.000 đồng/kg giảm còn dưới 30.000 đồng/kg, vịt nuôi lấy trứng, giá trứng cũng giảm phân nửa. Hầu hết người nuôi đều phải chịu lỗ nặng nề, trong đó người nuôi vịt theo mô hình an toàn sinh học chịu lỗ nặng hơn. Cho nên, mô hình nuôi vịt an toàn sinh học rất khó nhân rộng.

* * *

Các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đều hướng đến mục tiêu phát triển theo xu hướng tiến bộ, đáp ứng được đòi hỏi cao của thị trường. Nhưng nhiều mô hình ở Bến Tre đã không được nhân rộng, do lợi ích mang lại cho người trực tiếp tham gia chưa thỏa đáng. Trong mô hình này, vai trò "4 nhà" được đề cập rất nhiều, nhưng sòng phẳng mà nói thì vai trò của từng nhà chưa được thể hiện triệt để. Do vậy, từng nhà phải nhận thức hết vai trò và trách nhiệm, đặt trong mối quan hệ gắn kết không thể thiếu nhau thì mô hình mới ổn định, phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết