19/09/2018 - 21:14

Khó khăn trong kê biên phát mãi tài sản là đất đai, nhà ở để thi hành án

Thời gian qua, quá trình kê biên và bán đấu giá tài sản là đất đai, nhà ở trong thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến quá trình THADS. Thông thường chủ sử dụng đất (người có nghĩa vụ phải THA) không hợp tác trong việc đo vẽ phục vụ cho hoạt động kê biên, xác minh thực trạng tài sản bằng cách không chỉ rõ ranh đất, không cho cắm mốc, thậm chí liên hệ các bên giáp ranh đất kê biên không hợp tác, vắng mặt…

Bên cạnh đó, một số trường hợp hiện trạng đất không giống với sơ đồ bản vẽ đất đã được cấp giấy. Thực tế này là do quá trình đo vẽ trước và sau chưa được thống nhất về diện tích, đất tiếp cận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chẳng hạn, vụ ông N.K.N., ở quận Thốt Nốt, được ông N.V.N. bảo lãnh vay trên 1,5 tỉ đồng (gồm gốc và lãi). Ông N.K.N. không có tài sản để THA và đã rời khỏi địa phương. Khi cơ quan THADS kê biên tài sản bảo lãnh để đảm bảo nghĩa vụ THA thì ông N.V.N. luôn tìm cách lẩn tránh. Phần đất tiếp cận với đất của ông N.V.N. lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa, trên thực tế ông N.V.N. đã tự đổi đất với chủ đất lân cận để thuận tiện canh tác và cất nhà. Thực tế trên gây nhiều khó khăn cho cơ quan THADS.

Có một số vụ việc Tòa án tuyên khó thi hành như vụ ông N.Q.T. trên địa bàn quận Cái Răng. Tòa án Nhân dân thành phố tuyên ổn định cho hộ ông V.V.H. và ông H.V.Q. được sử dụng đất sau khi hoàn trả số tiền cho ông N.Q.T. nhưng ông H. và ông Q. không có tài sản nào khác để THA. Về nguyên tắc, nếu có sự đồng thuận có thể kê biên phần diện tích nói trên để THA nhưng bản án tuyên chưa rõ nên đã gây khó khăn cho quá trình THADS.

Một số trường hợp tài sản là nhà ở duy nhất mà sau khi kê biên, bán đấu giá thành, công tác giao tài sản cũng gặp rất nhiều khó khăn như: đương sự cản trở, chống đối, việc xử lý chỗ ở cho đương sự khó khả thi, người được THA không hỗ trợ chi phí di dời, thuê nhà và địa phương cũng gặp khó trong việc giải quyết chỗ ở. Như vụ ông N.T.T. trên địa bàn huyện Phong Điền. Ông T. bảo lãnh cho ông N.C.N. vay trên 1,2 tỉ đồng (gồm gốc và lãi). Sau đó, ông N. không có đủ tài sản để THA nên cơ quan THADS kê biên tài sản bảo lãnh để THA. Tài sản là nhà ở duy nhất đã bán đấu giá thành. Nhưng khi chuẩn bị giao tài sản cho người mua, ông T. lại chống đối. Mặc dù cơ quan THA đã nhiều lần thuyết phục, vận động, nhưng ông T. cho rằng gia đình có công nên không được cưỡng chế. Cơ quan THADS đã vận động ông T. tìm kiếm chỗ ở khác hoặc mua lại tài sản nhưng cũng không khả thi.

Thông thường trong nhiều trường hợp tình hình tài chính của đương sự, người thân của đương sự không “sáng sủa” nên khó có giải pháp nào khác ngoài việc phải thực hiện kê biên, bán đấu giá tài sản là nhà và đất, có nhiều trường hợp là nhà ở duy nhất. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chuyển động chưa thật sự tích cực, cùng với thực tế sử dụng đất của người dân chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, như: tự đổi đất cho nhau để thuận lợi trong quá trình sử dụng, canh tác…, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (chuyển từ trồng lúa, cây ăn trái sang nuôi cá…), chuyển đổi cây trồng, xây dựng không phép… mà không thông qua thủ tục pháp lý.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa một số tổ chức tín dụng với cơ quan THADS và người vay (người phải THADS) chưa được nhịp nhàng. Một số tổ chức tín dụng chưa có giải pháp tốt trong việc giảm lãi suất, nhận tài sản để cấn trừ vào các khoản nợ đã cho vay, nên thường xuyên xảy ra tình trạng kê biên bán đấu giá tài sản trong các vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng với giá trị cao. 

Để công tác THADS trên địa bàn thành phố được thực hiện tốt hơn, giữa các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là Viện Kiểm sát, Tòa án, Công an thành phố và UBND các cấp.

NGUYỄN DUY QUỐC

Chia sẻ bài viết