 |
Giáo viên phải có kiến thức vững vàng để giữ vai trò trung tâm trong các phương pháp giảng dạy. Trong ảnh: Tiết học có ứng dụng công nghệ thông tin ở Trường THPT Lưu Hữu Phước. |
Xây dựng đội ngũ giáo viên “đầu đàn”, có trình độ sau đại học trong nhà trường THPT có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc học này. Quyết định 09/QĐ-TTg về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” cũng qui định đến năm 2010, các trường THPT phải có 10% giáo viên có trình độ sau đại học. Thế nhưng, đến nay, TP Cần Thơ mới chỉ có khoảng 3,2% giáo viên THPT có trình độ sau đại học. Vì sao?
Phát huy hiệu quả
Đầu năm học 2009-2010, cô Nguyễn Thị Xuân Phương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ tổ chức chuyên đề “Đổi mới phương pháp giảng dạy” với những nội dung xoay quanh việc thảo luận nhóm. Cô Phương chuẩn bị cho chuyên đề này khá chu đáo, từ phương pháp xây dựng nhóm, xác định câu hỏi, định hướng tư duy của học sinh đến các câu hỏi gợi mở để học sinh phát biểu... Cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên của Trường THPT Trung An, nhận xét: “Sau khi dự chuyên đề của cô Phương, những vướng mắc về phương pháp đã được tháo gỡ, tôi mạnh dạn hơn trong việc tổ chức cho học sinh học nhóm”. Cô Xuân Phương vừa hoàn thành khóa học thạc sĩ do Trường Đại học Cần Thơ đào tạo. Chuyên đề “Đổi mới phương pháp giảng dạy” là một trong những kiến thức quan trọng cô tiếp thu được từ khóa học này.
Cô Xuân Phương là một trong những giáo viên đầu tiên của Trường THPT Trung An đăng ký học cao học. Khi được sự chấp thuận của tổ chức cũng là lúc cô Phương đang mang thai con đầu lòng. Khoảng thời gian theo học cao học, mỗi ngày, cô Phương phải đi về hơn hàng chục cây số để vừa đảm bảo việc học, vừa chăm sóc con nhỏ. Thế nhưng, vượt qua tất cả những khó khăn, vất vả, cô Phương đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với 9,5 điểm. Hiện nay, chồng cô Phương cũng đang theo học cao học Anh văn năm thứ 2, tại Trường Đại học Cần Thơ.
Đánh giá cao những đóng góp của các giáo viên có trình độ sau đại học đối với việc nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường, ông Đỗ Tiến Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An, nói: “Chúng tôi tạo mọi điều kiện để giáo viên theo học các lớp thạc sĩ và cũng yêu cầu giáo viên ứng dụng những kiến thức mình tiếp nhận được vào thực tế giảng dạy, chia sẻ với đồng nghiệp”. Trường THPT Trung An là trường vùng ven, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng là một trong những trường THPT có số lượng giáo viên đang theo học sau đại học khá cao. Toàn trường có 3 thạc sĩ, 9 cán bộ giáo viên đang học cao học. Theo ông Đỗ Tiến Nghĩa, đến năm 2011, 10% giáo viên của trường sẽ có trình độ thạc sĩ.
Khó khăn từ nhiều phía
Toàn TP Cần Thơ hiện có 21 trường THPT với khoảng 1.700 giáo viên. Tất cả các trường hiện có 1 tiến sĩ, 54 thạc sĩ, 2 giáo viên đang học tiến sĩ và 89 giáo viên đang học thạc sĩ. Như vậy, nếu tính cả số lượng giáo viên đang theo học sau đại học thì TP Cần Thơ vẫn chưa đạt được chỉ tiêu 10% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ như qui định của Quyết định 09/QĐ-TTg về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”.
Có thể nói, việc học sau đại học của cán bộ giáo viên THPT đang gặp không ít khó khăn. Cô N.T.A.T, giáo viên Trường THPT Lương Định Của, quận Ô Môn, chia sẻ: “Hầu hết giáo viên đều nhận thức được lợi ích của việc học tập nâng cao trình độ. Tuy nhiên, mỗi người có hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nên nhiều trường hợp dù muốn cũng không thể đi học”. Đặc biệt, ở các trường vùng ven, điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc học nâng cao trình độ vừa tốn kém vừa giảm thu nhập nên giáo viên ngán ngại. Yêu cầu ngoại ngữ đối với các học viên sau đại học ngày càng cao cũng là cản ngại đối với giáo viên muốn theo học nâng cao trình độ. Ông Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ nói: “Hầu hết giáo viên đều ngại môn ngoại ngữ nên chưa mạnh dạn dự thi sau đại học. Trường cách trung tâm thành phố đến 40km nên giáo viên khó sắp xếp thời gian, công việc để tham gia học ngoại ngữ”.
Ngoài ra, một số trường THPT thiếu giáo viên nên khó sắp xếp cho giáo viên theo học sau đại học. Năm học 2009-2010, Trường THPT Thới Lai thiếu 22 giáo viên: Toán, Anh văn, Sinh học, Hóa học... nhưng chỉ tuyển được 2 giáo viên. Ngoài điểm chính tại thị trấn Thới Lai, năm học này, trường còn mở thêm một phân hiệu tại xã Trường Xuân B. Nếu có nhiều giáo viên cùng đi học, trường phải tăng tiết cho những giáo viên còn lại, nhưng theo qui định mỗi giáo viên không thể tăng quá 200 tiết/ năm học. Và nếu giáo viên dạy dư giờ nhiều, trường cũng không thể trả nổi qui mô vì đã thực hiện khoán kinh phí. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng khắc phục khó khăn để có 3 giáo viên đang theo học cao học và 4 người chuẩn bị thi. Thế nhưng, không thể nào đạt được chỉ tiêu 10% giáo viên có trình độ thạc sĩ vào năm 2010”.
***
Mặc dù ngành giáo dục nói riêng và TP Cần Thơ nói chung đã tạo điều kiện để giáo viên an tâm học tập nâng cao trình độ, như: hỗ trợ về học phí, tài liệu, đi học vẫn được hưởng lương... nhưng tỷ lệ giáo viên THPT theo học sau đại học vẫn còn khá thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng không ít đến việc xây dựng những cánh chim “đầu đàn” về giảng dạy, nghiên cứu ngay trong trường phổ thông để nâng cao chất lượng giáo dục. Để giải quyết vấn đề này không chỉ cần những hỗ trợ về vật chất mà đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, đặc biệt là phát huy kiến thức, vai trò của những giáo viên có trình độ sau đại học để khuyến khích tinh thần vượt khó học tập của đội ngũ giáo viên.
Bài, ảnh: HÀ THANH