01/02/2022 - 10:53

Khi quân dân đồng lòng 

PHƯƠNG - TRUNG - CHINH

Những bữa cơm ăn vội, những cuộc gọi ngắn ngủi cho người thân, những ngày dài truy vết và cả những đêm căng mình vừa bảo vệ chốt kiểm soát phòng, chống dịch, vừa trấn áp tội phạm, giữ vững an ninh trật tự... Ðó là những hình ảnh quen thuộc của “người lính áo xanh” đối với người dân Cần Thơ.

Ðồng hành cùng lực lượng tuyến đầu là những hoạt động thiện nguyện, chăm lo an sinh xã hội... để những đối tượng yếu thế, dễ tổn thương có thể vững vàng vượt qua dịch COVID-19.

Nỗ lực chung ấy như những ngọn gió mát lành mang đến niềm tin, hy vọng về một mùa xuân thật yên an, hạnh phúc.

Nơi “đầu sóng, ngọn gió”

Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) đã xem “cái chết nhẹ tựa lông hồng”, sẵn sàng hy sinh thân mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thời bình, cán bộ, chiến sĩ LLVT tiếp tục xông pha “nơi đầu sóng, ngọn gió” giúp dân phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh... Và trong cuộc chiến với COVID-19, tinh thần ấy lại tỏa sáng...…

Lực lượng Quân sự, Công an, Bảo vệ dân phố phường Thường Thạnh, quận Cái Răng làm nhiệm vụ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: PHẠM TRUNG

Bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”

Khi dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng, tháng 2-2020, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Cần Thơ đã tổ chức tiếp nhận và đưa người Việt Nam từ nước ngoài về và người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đến những khu cách ly do đơn vị quản lý. Là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Quân khu 9 tiếp nhận người cách ly, vượt qua những trở ngại bước đầu, LLVT TP Cần Thơ đã thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Và đến nay, Bộ CHQS thành phố cùng Ban CHQS 9 quận, huyện đã tổ chức tiếp nhận hoàn thành cách ly gần 12.000 công dân Việt Nam, người nước ngoài từ các nước có dịch trở về; tiếp nhận, hoàn thành cách ly 39.866 công dân từ các tỉnh về thành phố…

Hơn 4 tháng nay, mọi liên lạc của anh Trần Tăng Quốc Khanh, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng và người thân đều thông qua điện thoại. Từ tháng 7-2021, anh cùng đồng đội trực khu cách ly đặt tại Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng. Hằng ngày, anh Khanh cùng các dân quân chuẩn bị bữa ăn cho người cách ly; hỗ trợ nhân viên y tế tiếp nhận công dân vào khu cách ly; sát khuẩn, vệ sinh khu cách ly… Công việc cứ quay vòng, tất bật, cộng thêm làm việc ở nơi hiểm nguy, khả năng lây nhiễm cao, nhưng các anh không hề nao núng. Nhiệt tình hỗ trợ bà con, bình tĩnh đảm bảo an toàn, không để xảy ra lây nhiễm COVID-19 trong lực lượng. Sau những giờ thực hiện nhiệm vụ, các anh cùng trao đổi công việc để mỗi ngày phục vụ người dân càng tốt hơn.

Thực hiện nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung thuộc Trung đoàn Bộ binh 932, Ðại úy quân nhân chuyên nghiệp Ðỗ Ðức Trung, thợ sửa chữa vũ khí Ðại đội Thiết giáp Bộ CHQS thành phố, nhận thấy việc vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm lên các khu nhà cao tầng mất rất nhiều thời gian, sức lực. Trăn trở nghĩ cách giảm vất vả cho đồng đội, tháng 8-2021, anh Trung trình bản vẽ thiết kế sáng kiến “Hệ thống vận chuyển nhu yếu phẩm lên nhà cao tầng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19” với lãnh đạo Bộ CHQS thành phố. Sáng kiến của anh được triển khai thực hiện ở các khu cách ly tập trung thuộc Trung đoàn Bộ binh 932 và Trường Ðại học Cần Thơ. “Các khâu đều thuận lợi, nhưng riêng vật tư để gia công thì rất khan hiếm bởi thời điểm đó, các hộ kinh doanh đều tạm ngưng hoạt động do thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Sau gần một tuần tôi mới tìm được nơi còn bán hàng” - anh Trung nhớ lại.

Trong tháng 8, anh Trung đã xây dựng 3 hệ thống vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm trang bị ở các khu cách ly tập trung. Mỗi hệ thống có thể vận chuyển 100-160kg hàng hóa/lượt. Nhờ vậy, lực lượng làm nhiệm vụ ở các khu cách ly tập trung đã hạn chế tối đa việc trực tiếp mang vác nặng lên, xuống các tầng lầu bằng thang bộ, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Sáng kiến này đã được trao giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Cần Thơ lần thứ 11 (2020-2021).

Nơi nào khó, có các anh

“Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, Bộ CHQS thành phố đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, hiệu quả theo phương châm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng là “Tìm đến nhân dân để biết nhân dân cần gì, không để nhân dân tìm đến bộ đội” - Ðại tá Chiêm Thống Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS thành phố, nhấn mạnh.

Với phương châm này, trước hết, Bộ CHQS thành phố giáo dục, định hướng cho cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố phát huy vai trò trách nhiệm của lực lượng nòng cốt trên tuyến đầu chống dịch. Qua đó, cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố đã hăng hái tham gia trực tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, khu phong tỏa, cách ly, bệnh viện dã chiến…; tổ chức hỗ trợ thực phẩm đến từng hộ gia đình khó khăn; giúp bà con thu hoạch và mua nông sản bị tồn đọng trong thời gian giãn cách xã hội; đóng góp 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19...

Ở Cái Răng, Ðảng ủy, Ban CHQS quận phối hợp Công an quận và các phường tổ chức cho 18 lực lượng thường trực và 115 dân quân tham gia chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng trăm tấn quà của các nhà hảo tâm đến từng hộ dân trong 15 khu phong tỏa trên địa bàn. LLVT quận cũng đã vận chuyển 500 tấn hàng hóa thiết yếu và 200 tấn gạo từ nguồn dữ trự quốc gia hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Ðảng ủy, Ban CHQS quận Cái Răng phối hợp, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm đến người dân ở khu cách ly, khu phong tỏa; tặng nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. “Ðơn vị vận động trên 500 phần quà hỗ trợ người dân từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây. Ðồng thời, tiếp nhận và đưa 2 bộ tro cốt của người đã mất do nhiễm COVID-19 về gia đình ở các phường Hưng Thạnh, Tân Phú” - Thượng tá Nguyễn Việt Triều, Chính trị viên Ban CHQS quận Cái Răng, cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ðảng ủy, Bộ CHQS thành phố đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, cụ thể, kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong LLVT thành phố. Bộ CHQS thành phố chủ động phối hợp các lực lượng chức năng kịp thời tham mưu UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chuyển đổi Bệnh viện Quân dân y thành phố thành Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19; di chuyển Trung đoàn Bộ binh 932, Ðại đội Thiết giáp, bàn giao doanh trại để UBND thành phố thành lập Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4; thành lập Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6B tại Tiểu đoàn 410, Trung đoàn Bộ binh 932 (quận Ô Môn). Bộ CHQS thành phố điều động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp với các lực lượng tổ chức các điểm chốt, tham gia khoanh vùng, dập dịch; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Với những nỗ lực không ngừng, Bộ CHQS thành phố vinh dự được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen và được tuyên dương trong Chương trình “Vinh quang trên tuyến đầu” do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức. Ðây là chương trình tôn vinh những thành tựu nổi bật và những đóng góp của các cấp, các ngành, tập thể và cá nhân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Xông pha ra “mặt trận”

Sát cánh cùng “Bộ đội Cụ Hồ” và lực lượng y tế “chiến đấu” với dịch COVID-19, lực lượng Công an TP Cần Thơ dũng cảm xông pha, ổn định tình hình an ninh trật tự, giữ vững và lan tỏa “vùng xanh”...…  

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khen thưởng nóng các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố đạt thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm năm 2021. Ảnh: KIỀU CHINH

Trên “tuyến đầu” chống dịch

“Ba về, nhớ ba!” câu nói bập bẹ của con gái 19 tháng tuổi cùng đôi mắt long lanh ngấn nước khi thấy ba trong cuộc gọi điện thoại video, khiến Trung úy Nguyễn Chiến Thắng, cán bộ Ðội An ninh Công an quận Ô Môn, không khỏi chạnh lòng. Từ tháng 7, khi dịch bệnh bùng phát, anh Thắng tình nguyện trực khu cách ly tập trung tại Trường THPT Lưu Hữu Phước.

Những ngày dịch bệnh căng thẳng, bất kể ngày hay đêm, khi F0 được đưa đến khu cách ly, anh và đồng đội lập tức khai thác lịch sử di chuyển của các ca bệnh. Anh và đồng đội thường xuyên tuyên truyền để người đến cách ly nắm bắt tình hình dịch bệnh; động viên để người đang thực hiện cách ly giữ vững tinh thần, tuân thủ tốt các biện pháp phòng, chống dịch. “Rất nhiều thắc mắc, va chạm trong cuộc sống thường nhật của người cách ly. Nhiều trường hợp, chúng tôi phải xin ý kiến chỉ huy để vào trực tiếp hòa giải” - anh Thắng chia sẻ.

Tiếng còi xe cứu thương phá tan bầu không gian tĩnh lặng giữa trưa tháng 7, đưa 7 ca F0 cùng là thành viên của một gia đình ở ấp Trường Trung B, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, đến khu cách ly tập trung. Lực lượng công an và y tế lập tức triển khai đội hình truy vết F1, F2. Trung tá Phùng Hoàng Bảo, Phó Trưởng Công an huyện Thới Lai, bày tỏ: “Dù đối mặt với khó khăn, nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhưng lực lượng luôn “chiến đấu” với tinh thần xung phong, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an thành phố, lúc cao điểm, hằng ngày có trên 3.000 lượt cán bộ, chiến sĩ ngày đêm căng mình trên “mặt trận” phòng, chống dịch COVID-19. Sự tận tụy, tâm huyết của lực lượng đã bảo đảm tuyệt đối, không để xảy ra các hoạt động chống phá, gây rối an ninh trật tự tại 400 khu vực phong tỏa, 43 khu cách ly tập trung, 12 bệnh viện dã chiến. Bên cạnh đó, 10 tổ truy vết của Công an thành phố với trên 250 cán bộ, chiến sĩ có nhiều kinh nghiệm trong công tác điều tra, đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác truy vết, phối hợp thần tốc truy vết 24.290 F0, 28.974 F1, 13.476 F2, tính đến ngày 28-11.

Công an huyện Thới Lai cùng lực lượng y tế, dân quân tự vệ đến các hộ dân để truy vết F1, F2. Ảnh: S.H

Khi thành phố phát động chiến dịch “Lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch”, Ðội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Cờ Ðỏ, chỉ đạo Công an xã Thới Xuân ra mắt mô hình “Tổ nhân dân tự quản bảo vệ vùng xanh an toàn, đảm bảo an ninh, trật tự”. Lực lượng Công an xã phối hợp tổ nhân dân tự quản “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, nắm chặt tình hình người từ địa phương khác đến, từ vùng dịch về; thường xuyên tuần tra, canh gác, tuyên truyền về phòng, chống dịch… Ðại úy Phạm Văn Hóa, Phó trưởng Công an xã Thới Xuân, cho biết: “Suốt thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn xã không có ca F0”.

Trung úy Nguyễn Chiến Thắng, cán bộ Ðội An ninh Công an quận Ô Môn, chỉ đạo kiểm tra sơ bộ hàng hóa người dân gởi vào khu cách ly tập trung. Ảnh: S.H

Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Những ngày cuối năm, không khí Tết đang len lỏi khắp các ngả đường. Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, lực lượng công an tất bật vào đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Năm qua, dù dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nghiệp vụ, nhưng lực lượng cán bộ chiến sĩ Công an TP Cần Thơ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bóc gỡ những đường dây tội phạm tinh vi. Lực lượng đã ghi “dấu ấn” với những vụ triệt phá, “xóa sổ” các tụ điểm, đường dây đánh bạc quy mô.

Nổi bật là chuyên án tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức mua bán số đề và cá độ bóng đá do Công an quận Bình Thủy phối hợp triệt xóa vào tháng 9-2021. Thượng tá Nguyễn Thanh Vũ, Phó Trưởng Công an quận Bình Thủy, kể: “Các đối tượng hoạt động liên tỉnh, có trình độ, am hiểu công nghệ thông tin, lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng cũng đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó, thường xuyên thay đổi chỗ ở nên việc xác minh, dò tìm manh mối, lưu giữ chứng cứ là điều không đơn giản”. Hơn nữa, trong thời gian phá án, các tỉnh ÐBSCL đang gồng mình chống dịch COVID-19 nên phải tính toán kỹ để kịp tiến độ công việc mà vẫn đảm bảo an toàn cho lực lượng trinh sát. Ðược sự hỗ trợ tích cực từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố, cũng như các đơn vị tỉnh bạn, Công an quận Bình Thủy lần theo dấu vết, củng cố tài liệu, chứng cứ. Gần cả năm trời đem bám, đến tháng 9-2021, lực lượng đã bóc gỡ toàn bộ đường dây. Quá trình điều tra đến thời điểm này, đã khởi tố 12 đối tượng, số tiền đánh bạc và giao dịch chuyển khoản lên đến trên 251 tỉ đồng, được xem là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Cần Thơ.

Ðầu năm 2021, một tụ điểm đá gà, lắc tài xỉu quy mô lớn tại huyện Vĩnh Thạnh lén lút hoạt động, gây mất an ninh trật tự địa phương, bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo Thượng tá Phạm Quốc Anh, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, các đối tượng hoạt động rất phức tạp, lợi dụng địa thế sông nước, vùng ven, giáp ranh giữa các tỉnh để che giấu và đối phó cơ quan chức năng. Thậm chí chúng cho người canh gác, báo động nên lực lượng rất khó thâm nhập. Sau nhiều ngày đêm bám trụ, lực lượng cảnh sát hình sự, cơ động bất ngờ đột kích tụ điểm, bắt 153 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tỉ đồng.

Hay như vụ triệt phá 3 tụ điểm sử dụng trái phép các chất ma túy và đánh bạc tại quận Ninh Kiều do Trần Mạnh Phương (quận Bình Thủy) và Huỳnh Ðắc Nghĩa (quận Ninh Kiều) cầm đầu vào tháng 6-2021 cho thấy sự tài tình, mưu trí của lực lượng trinh sát. Các điểm này chốt chặn nhiều lớp không cho người lạ vào. Bằng sự tinh thông nghiệp vụ, trinh sát tìm cách vô hiệu hóa bộ phận cảnh giới, đột ngột ập đến, nhiều con bạc không kịp trở tay. Lực lượng thu giữ trên 500 triệu đồng tiền mặt, 2 gói ma túy tổng hợp, 91 bộ bài 52 lá, 23 bộ xí ngầu và nhiều tang vật khác. Qua test nhanh có 18/51 đối tượng liên quan dương tính với ma túy.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ khen thưởng nóng các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố đạt thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm năm 2021. Ảnh: KIỀU CHINH

Với nỗ lực của lực lượng công an, năm 2021, tội phạm giảm trên 32% so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, đạt 91%; tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đạt trên 90%. Công an thành phố đã phát hiện trên 1.000 tài khoản Facebook đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh; đấu tranh, xử lý trên 300 tài khoản.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận chia sẻ: “Tự hào với thành tích xuất sắc trong điều tra, khám phá án và tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch, được lãnh đạo các cấp biểu dương nhiều lần, cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố tiếp tục nỗ lực lập nhiều chiến công, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiếp nối truyền thống anh hùng của lực lượng Công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Chung sức, vững lòng tin

Trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu là sự hợp sức của các tầng lớp nhân dân. Thể hiện trách nhiệm xã hội, tiếp nối truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam, nhân dân thành phố chung sức, chung lòng phòng, chống dịch với niềm tin vững chắc về những ngày bình thường mới khi dịch, bệnh được đẩy lùi.       

Công an TP Cần Thơ trao quà cho gia đình hai cháu Nguyễn Huỳnh Thế Vinh và Nguyễn Huỳnh Gia Bảo, mồ côi cha do nhiễm COVID-19 ở xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền. Ảnh: T.A

An sinh để an dân

Những người nghèo, cận nghèo, khó khăn ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn và xã Thới Xuân, huyện Cờ Ðỏ, đến nhận quà từ chương trình “San sẻ yêu thương, thắm đượm nghĩa tình” do Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Cần Thơ tổ chức, với nụ cười thật tươi, ánh mắt lấp lánh niềm tin. Bà Lý Dương, ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, xúc động bày tỏ: “Thực hiện giãn cách xã hội, tôi và con trai không thể đi làm. Nhờ bộ đội hỗ trợ nhu yếu phẩm mà gia đình tôi vượt qua thắt ngặt trước mắt”.

Theo Ðại tá Chiêm Thống Nhất, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS thành phố, chương trình “San sẻ yêu thương, thắm đượm nghĩa tình” đã tặng hơn 7.000 phần quà cho gia đình chính sách, người có công, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng; hỗ trợ người dân trên địa bàn 25 tấn gạo, gần 15 tấn rau củ quả... Chia sẻ sự mất mát, đau thương của các gia đình trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, lực lượng vũ trang thành phố tổ chức đưa 10 bộ tro cốt của người dân Cần Thơ đã mất do nhiễm COVID-19, về với gia đình.

Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà vách tôn vừa được Công an thành phố phối hợp Báo Dân Trí hỗ trợ xây cất, ở ấp Tân Lợi, xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền, chị Huỳnh Thị Lệ bùi ngùi kể về gia cảnh. Chị cùng chồng là anh Nguyễn Tấn Thành bươn chải ở TP Hồ Chí Minh làm thuê, gửi lại hai con nhỏ là Nguyễn Huỳnh Thế Vinh (11 tuổi) và Nguyễn Huỳnh Gia Bảo (3 tuổi) ở nhà cho chị ruột chăm sóc. Ðại dịch COVID-19 đã khiến chồng chị ra đi mãi mãi. Chị Lệ bộc bạch: “Nhờ địa phương quan tâm thăm hỏi, động viên, tôi nguôi ngoai phần nào... Tôi sẽ cố gắng làm lụng để nuôi dạy hai con nên người”.

Người dân có hoàn cảnh khó khăn nhận quà trong chương trình “San sẻ yêu thương, thắm đượm nghĩa tình”. Ảnh: PHẠM TRUNG

Thực hiện mô hình “Tình thương cho em, hậu COVID” do Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo, Ðoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Công đoàn Công an thành phố nhận đỡ đầu hai em Vinh và Bảo với hình thức bảo trợ học tập cho các em đến năm 18 tuổi. Mỗi em được nhận mức hỗ trợ tối thiểu 3 triệu đồng/tháng. Công an thành phố còn vận động hỗ trợ gia đình chị Lệ cất nhà, góp phần an cư, ổn định cuộc sống. Mô hình “Tình thương cho em, hậu COVID” đến nay đã nhận đỡ đầu 11 em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ do bị nhiễm COVID-19, trên địa bàn thành phố. Thượng úy Nguyễn Tứ Thiên, Bí thư Ðoàn Thanh niên Công an thành phố, cho biết: “Hy vọng sự chung tay của cộng đồng sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau, chia sẻ khó khăn để chăm lo, đảm bảo cho các em có tương lai xán lạn”.

Cùng với mô hình “Tình thương cho em, hậu COVID”, Ðoàn Thanh niên – Hội Phụ nữ - Công đoàn Công an thành phố phối hợp tổ chức 32 chương trình, hoạt động hỗ trợ trên 20 tỉ đồng cho người dân ở các khu cách ly, phong tỏa, đối tượng gặp khó khăn và cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu; tặng trên 1.500 lít xăng cho lực lượng giao hàng; tình nguyện hiến trên 500 đơn vị máu, kịp thời bổ sung nguồn máu phục vụ công tác điều trị bệnh...

Công an huyện Cờ Ðỏ phối hợp chú Hà Văn Diễm trao quà cho người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Cờ Ðỏ. Ảnh: S.H

Chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Ngày ngày, chiếc xe tải nhỏ bon bon trên đường nông thôn mang nhu yếu phẩm đến với bà con gặp khó khăn ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Ðỏ. Ðó là những chuyến xe do chú Hà Văn Diễm, Phó trưởng ấp, Ðội trưởng Ðội Mai táng ấp Thới Bình 2, xã Thới Xuân, vận động và phối hợp Công an huyện thực hiện. Từ khi dịch bùng phát, chú Diễm phát động thành viên trong Ðội góp công, góp của, cùng lực lượng công an vận chuyển rau củ hỗ trợ bà con. Chú Diễm bộc bạch: “Lực lượng công an và y tế ở xã “mỏng” mà rất nhiều việc. Thấy anh em tận tâm tận lực với công tác phòng, chống dịch, tôi thương lắm, nên dù cuộc sống còn khó khăn, tôi vẫn tình nguyện đóng góp công sức hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và bà con địa phương”.

Khi chốt kiểm soát phòng, chống dịch được lập trên tuyến tỉnh lộ 919, ấp Thới Trung A, xã Thới Xuân, gia đình anh Nguyễn Văn Cường đã hỗ trợ quán cà phê của mình để lực lượng làm nơi trú mưa, trú nắng. Vợ chồng anh Cường còn hỗ trợ nấu thức ăn, nước uống cho lực lượng. Anh Cường tâm sự: “Khi chốt lập trước quán, tôi rất lo sợ lây dịch bệnh vì nhà còn 2 con nhỏ. Rồi khi chứng kiến những ngày trời nắng như đổ lửa, ai nấy mồ hôi nhễ nhại, nhưng đến đêm lại giông gió mịt mù, có lần sập luôn cả chốt, nhưng các anh vẫn kiên trì, không nản chí, lòng tôi thật cảm phục. Tôi bàn với vợ phục vụ anh em cơm nước. Bà con xung quanh thấy vậy đồng lòng, người góp gạo, người góp rau, thịt, cá hỗ trợ anh em trực chốt”.

Từ tháng 6-2021 đến nay, cô Nguyễn Thị Bích Mai, 56 tuổi, ở ấp Nhơn Thọ 2A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền tình nguyện hỗ trợ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Ðiền nấu ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ ở các khu cách ly và người dân thực hiện cách ly tập trung. Mỗi ngày, nhóm của cô Mai nấu ăn 3 buổi, với 450 suất ăn. “Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người đóng góp tiền của, còn tôi có nghề nấu ăn nên tình nguyện góp công sức với mong muốn dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi” – cô Mai chia sẻ.

Ðồng hành cùng lực lượng trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch, còn có lực lượng bảo vệ dân phố. Rạng sáng 18-9-2021, khu vực 5, phường Tân An, quận Ninh Kiều, có đối tượng nhậu say gây rối, cầm dao đe dọa tấn công mọi người. Cảnh sát khu vực cùng lực lượng bảo vệ dân phố, trong đó có anh Nguyễn Anh Dũng nhanh chóng có mặt giải quyết, nhưng đối tượng bất ngờ xông tới, đâm trúng cổ cảnh sát khu vực. Anh Dũng phối hợp trấn áp ngay đối tượng. Trong lúc khống chế, anh Dũng bị thương ở vùng đầu. Ghi nhận đóng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã khen thưởng đột xuất cảnh sát khu vực và anh Nguyễn Anh Dũng.

*

*            *

Sự đoàn kết quân dân một lòng đã góp thêm sức mạnh, niềm tin để thành phố nói riêng và cả nước nói chung sớm đẩy lùi dịch bệnh, để một mùa xuân yên an đến với mọi nhà.

Chia sẻ bài viết