06/05/2014 - 22:30

Khi những hình ảnh, kỷ vật lên tiếng…

Hơn một tuần nay, Triển lãm ảnh "Kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ" và trưng bày chuyên đề "Kỷ vật - ký ức của chiến tranh", tại Bảo tàng Cần Thơ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham quan. Hơn 300 hình ảnh, kỷ vật trong chiến tranh lần lượt kể về lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc.
Triển lãm do Bảo tàng TP Cần Thơ phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức, kéo dài đến tháng 8-2014.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã qua 60 năm, nhưng khi thưởng lãm gần 100 hình ảnh tư liệu quý giá về chuyên đề này, người xem cảm nhận quá khứ như đang hiển hiện trước mắt. Những bức ảnh là một thông điệp xuyên suốt, từ ngày 2-9-1945, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội đến khi Thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Từ đây, chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 lần lượt diễn ra với những trận đánh ác liệt. Đặc biệt, diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường được kể thật sống động bằng hình ảnh. Khép lại những trang sử hào hùng của "9 năm làm một Điện Biên…" là hình ảnh về quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh Điện Biên, hình ảnh các thế hệ Việt Nam, bạn bè quốc tế đến thăm chiến trường Điện Biên Phủ, viếng nghĩa trang liệt sĩ...

Các em học sinh thích thú tìm hiểu chiến dịch Điện Biên Phủ qua triển lãm ảnh.

Nếu triển lãm ảnh "Kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ" giúp người xem hiểu hơn về chiến thắng có tầm vóc "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" thì trưng bày chuyên đề "Kỷ vật - ký ức của chiến tranh" khiến người xem cảm nhận được điều gì đã tạo nên sức mạnh của dân tộc để chiến thắng những cường quốc như Pháp và Mỹ. Có những kỷ vật là vật dụng trong đời thường hay hành trang của những người lính khi ra trận như: quân phục, chiếc ba lô, mảnh vải dù, nón cối, chiếc bi đông, sổ tay công tác… Và cũng có những kỷ vật rất đỗi đơn sơ, bình dị của những người dân là cơ sở cách mạng như: giỏ đi chợ, nồi, chảo, thúng, máy may… Để lại ấn tượng mạnh mẽ là những lá thư cảm động giữa tiền tuyến và hậu phương; những chiếc khăn tay, tranh thêu, giỏ xách… được các nữ tù nhân làm khi bị giam cầm tại nhà tù Thủ Đức, Côn Đảo, Khám lớn Cần Thơ.

Mỗi kỷ vật gắn liền với một câu chuyện cảm động. Đó là chiếc rựa của bà Mai Thị Hồng Bảy (Bảy đen), chiến sĩ biệt động dẫn đường cho bộ đội đánh vào nội đô Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Chiếc rựa ấy được bà dùng để chặt cây làm hầm chống bom, pháo bảo vệ thương binh. Hay bàn cờ tướng được các nữ tù chính trị làm bằng giấy để giải trí trong tù. Là chiếc đèn dầu tự tạo làm bằng vỏ đạn của bà Nguyễn Thị Bảy (Bảy già), cán bộ Cục Tình báo Trung ương, dùng để làm việc và đọc tài liệu ở chiến khu… Đặc biệt, hai chiếc áo sơ sinh do bà Đỗ Hữu Bích may thêu trong tù tặng Trần Hữu Hạnh- con gái của nữ tù chính trị Lê Thị Tâm- được sinh ra trong tù năm 1967, khiến nhiều người bồi hồi, xúc động, vừa thương cho những em bé sinh ra trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn của lao tù, vừa hiểu rõ hơn tình cảm gắn bó, đoàn kết của những nữ tù.

Bên cạnh hơn 100 hiện vật còn có gần 100 hình ảnh về cuộc đấu tranh của quân và dân miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều học sinh, sinh viên trầm trồ trước bức ảnh trên 2.000 quần chúng đi ghe đấu tranh trực diện chống địch thảm sát năm 1964 tại "Hội đồng" xã Nhơn Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ; ngỡ ngàng trước việc các nữ thanh niên xung phong miền Tây Nam bộ bắc "cầu người" vượt sông, tải thương binh về tuyến sau… Em Lý Hoàng Anh, học sinh lớp 7A2, Trường THCS Chu Văn An, bộc bạch: "Có những điều về chiến tranh em chỉ đọc qua sách vở hoặc nghe kể lại. Giờ được xem tận mắt những hiện vật, hình ảnh, được nghe những câu chuyện thực tế tại triển lãm, em cảm nhận sâu sắc hơn cuộc chiến đấu của dân tộc". Còn bà Nguyễn Thị Nguyệt, 72 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, thì tâm tình: "Hồi xưa, mẹ tôi là giao liên của cách mạng. Lớn lên, tôi cũng theo mẹ đi làm giao liên, rồi tham gia phong trào đấu tranh của phụ nữ. Xem triển lãm, tôi như sống lại những ngày cực kỳ gian khổ nhưng ai cũng hừng hực ý chí đấu tranh giành độc lập. Tôi rất mừng khi thấy có nhiều em học sinh, thanh niên đến xem triển lãm…". Những kỷ niệm khó quên trong quá trình hoạt động cách mạng cùng những thủ thuật qua mắt địch để chuyển tài liệu cho bộ đội… được bà Nguyệt kể say sưa trước sự lắng nghe chăm chú của nhiều bạn trẻ. Những thế hệ được kết nối qua sợi dây của ký ức về một thời hào hùng.

* * *

Dù cuộc chiến đã lùi xa gần 40 năm và thời gian đã xóa đi nhiều dấu vết của chiến tranh, nhưng những kỷ vật còn sót lại, những hình ảnh tư liệu quý giá vẫn đủ sức làm sống lại lịch sử, lay động lòng người. Những hình ảnh, kỷ vật ấy không chỉ lưu giữ ký ức của những cá nhân mà còn mang giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử của dân tộc.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết