10/06/2015 - 21:47

Khí hậu biến đổi cực đoan - Nông nghiệp “chuyển mình” thích ứng

Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng tác động mạnh mẽ tới sản xuất nông nghiệp. Các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng như nắng nóng kéo dài, bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã và đang triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thích ứng với BĐKH.

Tác động càng rõ rệt

Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã và đang bị tác động nặng nề do BĐKH. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam sẽ có thể tăng khoảng 2-30 C, mực nước biển có thể dâng 1m. Dự báo mức độ ảnh hưởng của BĐKH trong tương lai, các chuyên gia cho rằng: Nếu nhiệt độ tăng lên 10C sẽ làm giảm 10% năng suất lúa, giảm 5 - 20% năng suất các loại cây họ đậu. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m, có 70% diện tích lúa ở ĐBSCL bị nhiễm mặn, tức là sẽ mất đi khoảng 1,5 - 2 triệu ha đất trồng lúa và nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước biển. PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp. Theo số liệu quan trắc những năm gần đây, nhiệt độ tăng, nước thượng nguồn giảm, lượng bốc hơi nước tăng; mùa mưa chậm lại, đến trễ hơn. Nhu cầu sử dụng nước ở thượng nguồn gia tăng, xu thế nhiễm mặn sẽ gia tăng. Thêm vào đó, nước biển dâng, mặn ngày càng lắng sâu, phù sa giảm gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Thực hiện cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa trong sản xuất là một trong những giải pháp hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước mắt, ngành nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách do ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH. Thời tiết thay đổi thất thường, hạn hán làm tăng áp lực dịch hại trên cây trồng; mật số sâu bệnh tăng cao, thậm chí có thể phát sinh một số loại sâu bệnh mới gây hại trong sản xuất cũng như trong quá trình bảo quản, sơ chế. Chế độ nước các tháng đầu năm có thể khô hạn hơn hoặc là lũ sâu vào các tháng cuối năm đều là mối nguy đối với sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL liên tục đối mặt với tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng trong mùa khô và nước ngập do triều cường vào mùa mưa, trong đó nguyên nhân chính là do tác động của BĐKH. Trong mùa khô năm 2015, mặn đến sớm và sâu hơn ở các tỉnh ven biển, như: Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng... Ngoài ra, hoạt động sản xuất nông nghiệp cần nhiều nước, trong khi chế độ nước tại ĐBSCL là kết quả tương tác của mưa thượng nguồn (tạo nước sông Mê Công) mưa tại chỗ và thủy triều biển Đông. BĐKH của lưu vực sông Mê Công sẽ làm tổng lượng mưa giảm, nhưng lại tập trung vào các trận mưa lớn hơn sẽ tác động đến nông nghiệp. BĐKH còn có nguy cơ tạo nên các cơn lốc xoáy ngày càng nhiều và cường độ ngày càng mạnh. Tất cả đều trực tiếp hay gián tiếp tác động bất lợi sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: BĐKH làm gia tăng cường độ thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, như: lũ, lốc xoáy, hạn... Về lâu dài làm thay đổi khí hậu của một vùng rộng lớn. Do đó, BĐKH đã và đang gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Để nông nghiệp thích ứng với BĐKH cần có chiến lược dài hạn, kỹ thuật thông minh và đảm bảo thủy lợi. Hằng năm, ngành nông nghiệp thực hiện nhiều công trình thủy lợi đảm bảo hạ tầng đê bao phục vụ sản xuất, như: nạo vét, khai thông dòng chảy, xây dựng đê bao, cống... ngăn mặn. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chịu mặn, chịu phèn; cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, thực hiện cánh đồng lớn…

Đa dạng hóa sản xuất để thích ứng

Những năm qua, các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo được nhiều mô hình thành công như: trồng lúa - nuôi tôm, chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa, 1 vụ màu; xây dựng thành công mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" rồi "Cánh đồng lớn"... So với các tỉnh trong vùng TP Cần Thơ chịu ít tác động của BĐKH hơn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp thành phố chủ động triển khai thực hiện đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả thích nghi với BĐKH. Trong đó, điển hình là mô hình cánh đồng lớn triển khai và mở rộng diện tích tại các địa phương. Mô hình này đang phát huy được hiệu quả thiết thực khi giúp được nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, ổn định sinh kế thích ứng với BĐKH. Ông Nguyễn Ngọc Huấn ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Tham gia cánh đồng lớn giúp nông dân thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất cũ không còn phù hợp dần được thay bằng những ứng dụng khoa học kỹ thuật mới. Cụ thể, thay đổi giống lúa mới chất lượng cao, ứng dụng giảm mật độ gieo sạ bằng phương pháp sạ hàng, sạ thưa; biết cân đối sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi thực sự cần thiết và sử dụng theo nguyên tắc được khuyến cáo. Qua cánh đồng lớn, liên kết sản xuất được nhiều khâu hơn, ý thức bảo vệ môi trường từng bước tác động đến cộng đồng dân cư. Ngoài ra còn khai thác phụ phẩm rơm rạ để sản xuất nấm tăng thêm thu nhập. Nhờ vậy, thu nhập của thành viên vụ sau luôn cao hơn vụ trước!".

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thành phố, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đem lại giá trị sản lượng gấp nhiều lần so với phương thức canh tác khác. Theo đó, các địa phương giảm dần diện tích lúa hè thu, chuyển đổi sang trồng mè, bắp, đậu… sử dụng ít nước và có khả năng chịu hạn. Vào mùa nước lũ, thay thế cây lúa bằng các loại cây sử dụng nhiều nước, chịu ngập úng, như: sen, ấu… hoặc kết hợp nuôi trồng thủy, hải sản. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không chỉ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân mà còn góp phần hiệu quả trong bảo vệ môi trường. Bởi, các vụ hè thu, thu đông thường xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, dịch hại trên cây lúa. Đồng thời, thông qua việc luân chuyển canh tác sẽ cải tạo đất, hạn chế sử dụng hóa chất và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện mô hình 1 vụ lúa 1 vụ tôm theo vận động của cán bộ nông nghiệp, anh Nguyễn Hữu Huynh, nông dân ở khu vực Hòa An B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, cho biết: Trước đây, gia đình anh trồng 3 vụ lúa diện tích 1,5ha và nuôi tôm càng xanh 1ha trong năm nhưng vẫn không cải thiện cuộc sống. Từ khi chuyển đổi sang 1 vụ nuôi tôm càng xanh và 1 vụ lúa, giúp gia đình anh tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống; lợi nhuận mỗi năm một tăng thêm, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, vụ đông xuân 2010 là 22,9 triệu đồng đến vụ đông xuân 2014 là 58,75 triệu đồng. Nuôi tôm càng xanh năm 2010 lợi nhuận là 48,9 triệu đồng đến năm 2014 là 99,7 triệu đồng. Nhờ thực hiện mô hình này, anh giảm lượng phân bón, hóa chất sử dụng cho cây lúa, cải tạo đất; từ đó, tăng hiệu quả mà vẫn bảo vệ môi trường.

Trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện các mô hình trồng rau an toàn, giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước. Bên cạnh đó, nhiều địa phương quy hoạch, chuyển đổi chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Các mô hình này vừa cho ra thị trường sản phẩm đảm bảo an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, vừa thân thiện với môi trường...

Bài, ảnh: Lạc Mẫn

Chia sẻ bài viết