01/01/2018 - 16:29

Khi cái chết lên tiếng cho sự sống 

Nhiều sinh viên ĐHYD Cần Thơ xếp thành hàng tưởng niệm người hiến xác y học tại Lễ hội Macchabée.

Trong không khí chiều cuối năm se lạnh, những giảng viên, bác sĩ, sinh viên y khoa, người thân và cả rất nhiều người chưa từng quen biết, thành kính thắp nén nhang tri ân những người đã cống hiến thân xác cho y học. Sự cống hiến thầm lặng ấy là vô cùng quý báu bởi họ đã dùng chính thân xác của mình để giúp các bác sĩ, giảng viên, sinh viên y khoa học tập, nghiên cứu, đưa ngành y ngày càng phát triển, phục vụ trở lại cho xã hội. Sự hy sinh, cống hiến thầm lặng ấy còn là bài học tâm đức của những người mặc áo blouse trắng. 

Sự cống hiến thầm lặng

Bộ môn Giải phẫu, Khoa Y, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thường ngày yên ắng, nhưng chiều tối 29- 12- 2017 đông đúc và ngập tràn hoa. Từng dòng người xếp hàng nối dài từ trước sân Khoa Y, cầu thang, hành lang đến cửa phòng thực hành giải phẫu. Trong dòng người ấy, có các giảng viên, y bác sĩ, những cô chú, anh chị tình nguyện hiến xác, thân nhân người hiến xác và sinh viên. Tất cả đến đây với lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc những người đã hiến thân xác cho khoa học.

Những người tình nguyện hiến xác y học thắp nén nhang cho người đã khuất, tại Lễ hội Macchabée.Những người tình nguyện hiến xác y học thắp nén nhang cho người đã khuất, tại Lễ hội Macchabée.

Thắp nén nhang thơm cho người quá cố, bác Nguyễn Văn Hưởng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ xúc động: “Lầu đầu tiên, tôi tham dự lễ hội này. Tôi đã biết về lễ hội nói từ trước, nhưng hôm nay, "mắt thấy tai nghe", tôi khâm phục sự hy sinh của người đã khuất; yêu mến tình cảm kính trọng của người còn sống. Tôi hiểu vì sao vợ tôi đang ở Đà Lạt, luôn gọi điện về nhắc tôi nhớ đến dự lễ. Tôi càng thêm hiểu ý nghĩa của việc đăng ký hiến xác cho y học”.

Cách đây 2 tuần, vợ chồng bác Hưởng đến Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đăng ký hiến xác, phục vụ cho y học. Theo bác Hưởng, vợ của bác- cô Trương Ngọc Hân, thường khám bệnh ở Bệnh viện Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, đã có ý định hiến xác từ lâu. Sau đó, biết Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có nhận đơn hiến xác, vợ chồng bác Hưởng đăng ký nơi đây.

Bác Hưởng bộc bạch: “2 con tôi đã có gia đình riêng. Cuộc sống 2 vợ chồng tôi ổn định. Con người trước sau gì cũng chết. Thay vì thân xác về cát bụi, mục rửa thì “uổng”; để lại cho sinh viên học, thực hành, còn có thể cứu người còn sống. Nghĩ thế, vợ chồng tôi quyết định đăng ký hiến xác”.

Tâm niệm như bác Hưởng, cô Nguyễn Thị Liên Hương, giáo viên về hưu, ở quận Ninh Kiều, xem việc hiến xác y học hết sức ý nghĩa. Bởi thi thể mang đi chôn cất hoặc hỏa táng cũng trở thành cát bụi. Nếu thân xác của mình còn có ý nghĩa với cuộc sống thì hãy hiến dâng cho đời.

Cô Hương tâm tình: “Lúc đầu đăng ký, con tôi phản đối rất nhiều. Tôi động viên và giải thích cho con một thời gian dài. Cuối cùng, con tôi đồng ý và chính các con đi nộp đơn hiến xác cho tôi. Tôi còn động viên, thuyết phục 2 anh chị đồng ý hiến xác. Cùng đi dự lễ hội Macchabée với tôi còn có em gái để em tôi hiểu  hơn ý nghĩa việc hiến xác và em cũng đã đồng ý”.

Nhiều sinh viên ĐHYD Cần Thơ xếp thành hàng tưởng niệm người hiến xác y học tại Lễ hội Macchabée.Nhiều sinh viên ĐHYD Cần Thơ xếp thành hàng tưởng niệm người hiến xác y học tại Lễ hội Macchabée.

Mỗi người đăng ký hiến xác cho y học là một cảnh đời khác nhau. Có người làm công nhân, viên chức, giáo viên, có người là bảo vệ, thợ uốn tóc,… nhưng đều chung một suy nghĩ là dùng thân xác của mình để giúp các bác sĩ, giảng viên, sinh viên y khoa học tập, nghiên cứu, đưa ngành y ngày càng phát triển, phục vụ trở lại cho xã hội.

Tri ân

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Phượng, giảng viên Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, đây là năm thứ 21, trường tổ chức lễ hội Macchabée. Đây là lễ hội truyền thống của các trường y trên thế giới, nhằm tri ân những người tình nguyện hiến xác cho y học sau khi qua đời; đồng thời giáo dục y đức cho sinh viên, nhắc nhở các sinh viên trường y luôn nhớ “có những vị không tiếc thân mình, cống hiến thi thể để sinh viên học tập”.

Thắp hương và khẽ cúi đầu trước bàn thờ người đã khuất, bạn Nguyễn Anh Nguyên, sinh viên ngành Y đa khoa K43, cho biết: “Tôi rất biết ơn “những người thầy thầm lặng” đã hiến thân xác của mình, giúp chúng tôi thực hành, thực tập. Chúng tôi sẽ cố gắng học tập thật tốt, cứu người để không phụ lòng kỳ vọng của thầy, cô”. Bạn Như Ý, sinh viên Y khoa năm thứ 4, chia sẻ: "Từ khi bước chân vào trường năm nào tôi cũng dự lễ. Mỗi lần dự lễ, tôi đều có cảm xúc như nhau, trân trọng- xúc động và nguyện càng nỗ lực học tập để xứng đáng lòng tin yêu thầy cô, sự hy sinh cô chú, anh chị đã hiến xác cho y học”.

Là trường y dược đầu tiên, lớn nhất ĐBSCL, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đang đào tạo trên 13.000 sinh viên, học viên các bậc, hệ đào tạo. Tại Cần Thơ, nơi tiếp nhận đơn tình nguyện hiến xác là Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Hiện nay, Bộ môn Giải phẫu có 20 xác cho sinh viên thực tập, nghiên cứu. Trường đã nhận được trên 830 đơn tình nguyện hiến xác của người dân trong và ngoài TP Cần Thơ. Bình quân mỗi năm, trường nhận từ 3- 4 xác.

Cô Võ Huỳnh Trang, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết: Những người hiến tặng sau khi mất, trường có cán bộ đến tận nhà để nhận xác bằng tất cả lòng tri ân. Giải phẫu học là môn học rất quan trọng đối với y khoa. Những người hiến xác, khi chết đã không trở về với cát bụi, không phải chết là hết mà vẫn còn, còn có ích cho đời!

Macchabée, còn có thể viết macabée và phát âm ma-ka-bê, là một từ thông tục tiếng Pháp dùng để chỉ… thây ma. Tục lệ “sống với người chết” hoặc “vũ hội cõi âm” là một lễ hội dân gian có lịch sử rất lâu đời, hiện vẫn tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác trong một số dân tộc trên thế giới. Nhằm bày tỏ lòng biết ơn trước những xác thân phụng sự cho khoa học, từ thế kỷ XV, các nhà giải phẫu tại nhiều nước phương Tây đã vận dụng tục lệ nói trên vào chuyên môn của mình.

Ở Việt Nam, trước giải phóng, lễ hội thường được tổ chức vào Tết âm lịch. Sau năm 1975, trải qua bao thăng trầm lịch sử, lễ hội bị gián đoạn trong thời gian dài. Từ năm 1990, Giáo Sư Nguyễn Quang Quyền, chủ nhiệm bộ môn Giải phẫu học, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, đã khôi phục lại vũ hội Macchabée và đặt tên là “Lễ tri ân những người đã hiến thân thể cho khoa học”.

Thông thường, lễ hội Macchabée được tổ chức vào ngày Thứ Sáu tuần cuối cùng của năm.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết