25/07/2024 - 08:31

Khát vọng vươn lên 

Lúc mới chào đời, chân tay không lành lặn như bao trẻ khác, nhưng với nghị lực phi thường, Nguyễn Minh Trung (17 tuổi) ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ và Lê Thị Kiều Nhi (25 tuổi) ở phường Long Hưng, quận Ô Môn, luôn cố gắng rèn luyện đôi tay, đôi chân để tự chăm sóc bản thân và nỗ lực học hành để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội.   

Minh Trung sử dụng máy tính bằng chân.

 Nguyễn Minh Trung được bạn bè, hàng xóm một cách thân thương là “chim cánh cụt”. Đó là vì 2 tay của Trung ngắn, cong queo, không co lại được; 1 bàn chân của Trung bị dị tật lật ngang. Từ nhỏ, sinh hoạt cá nhân Trung đều phải nhờ sự giúp sức của mọi người.

Cha mẹ bỏ rơi khi Trung vừa lên 3. Ông bà ngoại đã cưu mang, chăm sóc Trung từ miếng ăn, giấc ngủ. Trung chia sẻ: “Khi còn nhỏ, nhìn hình hài của mình không giống ai, rồi thấy bạn bè cùng trang lứa được ba mẹ đưa đến trường, em tủi thân vô cùng. Lúc 5 tuổi, 2 bàn chân của em được phẫu thuật, để có thể đi chập chững. Khi đó, em tự hỏi, tại sao chân mình đã có thể chập chững đi được mà không tập viết được. Thế là em cố gắng dùng đôi chân để tập viết, vì em rất muốn đến trường”.

Gia đình đã đưa Trung đi chữa trị suốt 4 năm mới được phẫu thuật chuyển cơ hai bàn chân. Mặc dù nói là đi lại được, nhưng thực chất chân của Trung rất yếu. Trung đã kiên trì tập đi, tập viết bằng chân. Với nghị lực phi thường và quyết tâm rèn luyện mỗi ngày, Trung dần sử dụng được chân trái để viết và ước mơ của Trung đã thành hiện thực. 7 tuổi, Trung cắp sách đến trường trong niềm hân hoan. Nhìn Trung phấn khởi học hành, ông bà ngoại có thêm động lực. Thầy cô giáo và bạn bè thấy Trung hiếu học nên tận tình hỗ trợ. Đầu năm học mới, Trung sẽ bước vào năm cuối cấp III.  Chú “chim cánh cụt” nỗ lực học hành với hoài bão sẽ thi đỗ vào đại học ngành công nghệ thông tin.

*

*         *

Với mong muốn được đến trường nên dù đôi tay không lành lặn, Lê Thị Kiều Nhi vẫn cố gắng tập viết. Với chiều cao khá khiêm tốn - 1,3m, bị dị tật bẩm sinh, nhưng Kiều Nhi nỗ lực vượt qua mặc cảm, nghịch cảnh, để đến trường cùng bạn bè đồng trang lứa. Và Kiều Nhi vừa hoàn thành chương trình đại học chuyên ngành kinh doanh nông nghiệp.

Kiều Nhi tự tập viết bằng đôi tay tật nguyền và đã hoàn thành chương trình đại học.

Ông Lê Thành Đức - ba của Nhi chia sẻ, nhìn con gái tật nguyền, lại còn đau ốm triền miên, gia đình rất xót xa, nhưng không có điều kiện chữa trị. Gia đình ông không có ruộng đất sản xuất, quanh năm làm mướn. Khi Kiều Nhi được 4-5 tuổi, thấy Nhi ham học, bà nội của Nhi đã tiết kiệm chút đỉnh tiền chợ, mua quyển tập và cây viết chì để dạy cháu tập viết. Thời gian đầu, Nhi viết rất khó khăn, nhưng nhờ chịu thương, chịu khó và ham học nên sau một thời gian dài, Nhi đã viết được. Năm 9 tuổi, gia đình gởi Nhi vào Trường Tiểu học Thới Long. Nhìn dáng người thấp bé, 2 tay cong queo của Nhi, giáo viên ngần ngại. Gia đình cố gắng thuyết phục và nhận thấy được ý chí của Nhi nên nhà trường chấp nhận.

Không phụ lòng ông bà, thầy cô và bạn bè, Nhi học miệt mài, hằng năm đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Năm 2019, Nhi thi đậu vào Trường Đại học Cần Thơ, chuyên ngành kinh doanh nông nghiệp. “Khi bước chân vào đại học, nhìn lại bản thân, hoàn cảnh gia đình, tôi định từ bỏ ước mơ. Nhưng nghĩ đến công lao vất vả của ba mẹ, nhất là ba đã đồng hành cùng tôi trên chiếc xe “cà tàng” bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, tôi đã vực dậy tinh thần để bước tiếp. Suốt 4 năm vào đại học, trong đó có 2 năm học tại Trường Đại học Cần Thơ, còn 2 năm học ở Hòa An, tỉnh Hậu Giang, ba vẫn đưa đón tôi đều đặn mỗi ngày từ phường Long Hưng, quận Ô Môn đến quận Ninh Kiều và tỉnh Hậu Giang...” - Kiều Nhi kể.

Hy vọng với quyết tâm và nghị lực của bản thân, Minh Trung, Kiều Nhi sẽ đạt được ước mơ, có được tương lai tươi sáng, là động lực cho những người cùng cảnh ngộ phấn đấu vượt lên chính mình.

Bài, ảnh: XUÂN ÐÀO

 

Chia sẻ bài viết