02/02/2011 - 10:00

Khát vọng tuổi trẻ...

PHƯƠNG LAM

Cuộc gặp gỡ cuối năm với những gương mặt thanh niên tiên tiến trong số hàng chục ngàn đoàn viên thanh niên ưu tú của thành phố đã đem đến cho chúng tôi bao điều bất ngờ, thú vị... Mỗi người có một công việc, vị trí khác nhau trong xã hội, nhưng ở họ luôn cháy bỏng khát khao đem hết khả năng, trí tuệ, nhiệt huyết của tuổi trẻ để cống hiến cho quê hương...

Kỹ sư Hồ Văn Chính bên công trình sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của mình.
Ảnh: P.LAM 

1 Tại chương trình giao lưu văn nghệ “Khát vọng tuổi trẻ”, do Đoàn Thanh niên các đơn vị: Đoàn Khối Cơ quan Dân Chính Đảng, Đoàn Khối Doanh nghiệp, Ban Công tác Thanh niên Công an TP Cần Thơ và Ban Công tác Thanh niên Thành Đội tổ chức nhân kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với phần giao lưu của kỹ sư trẻ Hồ Văn Chính - thanh niên tiêu biểu đại diện cho Đoàn Khối Doanh nghiệp. Nhìn vẻ bề ngoài có phần trầm lặng, ít nói nhưng Chính lại là một trong những đoàn viên thanh niên nhiệt tình trong các hoạt động Đoàn, góp phần thúc đẩy phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong đoàn viên thanh niên Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ (phân xưởng vận hành Ô Môn).

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con tại xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, con đường vào đại học và đến được với ngành nghề mơ ước của Chính khá gian nan. Với niềm đam mê mãnh liệt đối với lĩnh vực điện, điện tử, Chính đã vượt bao khó khăn, để thi đỗ vào ngành Điện tử ở cả hai trường đại học. Trong suốt 5 năm học tập tại Trường Đại học Cần Thơ, để có tiền trang trải việc học, Chính đã làm thêm đủ thứ việc, từ làm thuê cho bãi giữ xe, đến nghề chụp ảnh dạo... Tốt nghiệp đại học, được nhận vào làm việc tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (chi nhánh Cần Thơ), Chính tranh thủ thời gian để học bằng đại học thứ 2, chuyên ngành Kỹ thuật điện. Đó cũng là “cái duyên” đưa anh đến với công việc của một kỹ sư điện tại nhà máy Nhiệt điện Ô Môn sau này.

Dù chỉ mới làm việc chính thức từ tháng 7- 2009, nhưng với 2 năm học việc tại công ty và 2 tháng tập huấn tại Nhật đã giúp Chính tích lũy nhiều kinh nghiệm. Anh chia sẻ: “Hai năm qua, bên cạnh tự nghiên cứu tài liệu, tôi học được rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia nước ngoài, những bạn bè, đồng nghiệp đi trước; việc thường xuyên thảo luận, trao đổi chuyên môn giúp tôi tiến bộ, vững vàng hơn”. Miệt mài học hỏi, nghiên cứu, tháng 3-2010, Chính đã áp dụng thành công đề tài sáng kiến “Thiết kế và thi công “thiết bị đo tần số lưới” hiển thị bằng LED 7 đoạn” được lãnh đạo, các đồng nghiệp trong công ty đánh giá cao. Anh Lưu Hoàng Viên, Bí thư Đoàn cơ sở của công ty, cho biết: Đối với công tác chuyên môn, việc kiểm soát “tần số lưới” tại phòng Kiểm soát trung tâm là rất quan trọng. Tuy nhiên, tần số này lại thay đổi liên tục, chỉ cần một sai sót nhỏ hay không kịp thời điều chỉnh... có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cả tổ máy. Trước đây, việc giám sát và điều chỉnh “tần số lưới” chủ yếu dựa vào những thông số hiển thị trên màn hình máy vi tính, với kích thước rất nhỏ, đứng xa sẽ không nhìn thấy. Từ khi sáng kiến của Chính được ứng dụng - từ việc chế tạo ra màn hình, đấu nối để hệ thống hiển thị “tần số lưới” với kích thước lớn - đã giúp Trưởng ca và các điều hành viên dễ dàng theo dõi tần số, có điều kiện và thời gian quan sát các thông số kỹ thuật khác, giúp cả tổ máy vận hành an toàn. Ngoài ra, “thiết bị đo tần số lưới” này còn được trang bị thêm hệ thống báo động, có thể nhận biết tần số cao- thấp để kịp thời điều chỉnh...

Hiện tại, Chính đang nghiên cứu thử nghiệm đề tài “Điều khiển đóng mở hệ thống điều hòa nhiệt độ”. Chia sẻ về sáng kiến mới, anh phấn khởi nói: “Sáng kiến nhỏ này thành công sẽ góp phần cải thiện điều kiện lao động cho anh em và giúp tiết kiệm được một phần điện cho công ty”. Sự tận tụy, nhiệt tình trong công việc, các phong trào và hết lòng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp của Chính được nhiều đồng nghiệp ghi nhận. Kỹ sư Vũ Đình Khôi, một đồng nghiệp của Chính, cho biết: “Anh Chính không chỉ là một kỹ sư năng động, sáng tạo, luôn tìm tòi, cải tiến, góp phần nâng cao hiệu quả công việc mà còn là trung tâm đoàn kết, luôn nhiệt tình giúp đỡ anh em”.

Anh Nguyễn Trường Duy chăm sóc đàn ếch giống. Ảnh: P.LAM 

2 Trong cái nắng cuối Đông ấm áp, chúng tôi về ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ tìm Nguyễn Trường Duy, một thanh niên tiên tiến vừa được nhận Giải thưởng “Lương Định Của”- một giải thưởng danh giá của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, được trao hằng năm cho những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật- công nghệ, xây dựng nông thôn mới.

Nhiều nông dân trong vùng biết khá rành về chàng trai trẻ “khởi xướng” phong trào nuôi ếch thịt tại địa phương, nay là “ông chủ” của cơ sở chuyên cung cấp ếch giống được nhiều nông dân gần xa tín nhiệm. Nhìn “cơ ngơi” cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm mà Duy đang sở hữu, ít ai ngờ mới vài năm trước, chủ nhân nơi đây từng đi làm thuê kiếm sống và khởi nghiệp chỉ với lưng vốn kiến thức về loài lưỡng cư to mồm ít người nuôi được.

Là con trai duy nhất trong gia đình nông dân nghèo, mới học hết lớp 9, Duy đành gác bút đi nuôi cá, nuôi bò thuê tại Nông trường Sông Hậu. Thấy Duy siêng năng, chịu khó nên các chú cho đi học lớp sơ cấp nuôi trồng thủy sản. Cũng từ đó, Duy càng nung nấu quyết tâm phải vươn lên thoát khỏi cái nghèo. Năm 2006, khi mô hình nuôi ếch còn khá mới mẻ đối với nông dân ở Thới Hưng, Duy đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, lặn lội qua tận các tỉnh An Giang, Vĩnh Long tìm mua con giống, học hỏi kỹ thuật và mày mò nuôi thử nghiệm. Khi thấy mô hình nuôi ếch cho kết quả khả quan, năm 2007, Duy quyết định nghỉ làm tại nông trường để bắt đầu gầy dựng cơ nghiệp của mình. Vừa nuôi ếch thịt, Duy vừa mày mò tìm cách nuôi ếch đẻ để bán con giống. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, với không ít lần thất bại, Duy vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình. Cuối cùng anh đã cho ra đời những lứa ếch con khỏe mạnh. Nâng niu từng con ếch giống mập mạp trên tay, Duy cho biết: “Kỹ thuật nuôi ếch không khó, lại nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư chuồng trại cũng thấp... Nhưng cần nhất là người nuôi phải cẩn thận, tỉ mỉ, chịu khó quan sát thường xuyên đặc tính, cách ăn của ếch, nguồn nước, để phát hiện bệnh và phòng trị kịp thời”. Bởi thế, nhiều hôm Duy cứ ngồi hàng giờ chăm chú theo dõi cách ếch hớp mồi và nhiều đêm phải trở dậy đi rọi đèn xem cách nòng nọc (ếch con) ngớp... Theo Duy, kỹ thuật nuôi ếch đẻ, bán ếch giống khó hơn nuôi ếch thịt gấp nhiều lần. Tuy nhiên, lợi nhuận thu về rất cao. Hơn nữa, nuôi ếch đẻ có thể bán ếch giống quanh năm.

Điều đáng quý là Duy không giữ những “bí quyết” ấy làm của riêng mà nhiệt tình hướng dẫn cho tất cả những ai có nhu cầu. Đa số bà con đến mua ếch giống đều được anh trực tiếp “chuyển giao kỹ thuật” thông qua các hình thức tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, chọn thức ăn, thậm chí bán chịu con giống... Anh còn đứng ra bảo lãnh với các cơ sở bán thức ăn chăn nuôi để một số hộ nghèo được “mua chịu” thức ăn cho ếch. Năm 2010, anh được xã mời tham gia hướng dẫn kỹ thuật nuôi ếch giống cho hơn 20 hộ nông dân và sẵn lòng đón nhóm sinh viên của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ đến mô hình của mình thực tập trong 3 tháng...

Vậy mà có lúc Duy tưởng đã trắng tay khi bị kẻ gian lẻn vào bắt mất đàn ếch giống bao năm gầy dựng. Trong thời điểm khó khăn đó, những người từng được Duy giúp đỡ, mỗi người mang đến tặng lại anh vài cặp ếch giống, cộng với số ếch mua thêm, anh nhanh chóng gầy dựng lại đàn ếch. Cũng nhờ nuôi ếch mà cuộc sống gia đình Duy ngày càng sung túc. Duy tâm sự: “Nhờ thực hiện mô hình hiệu quả nhiều năm liền, gia đình tôi đã trả hết số nợ ngân hàng, đầu tư mua được một số phương tiện, máy móc... Sắp tới tôi cùng gia đình sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất- kinh doanh, cố gắng dành dụm tiền xây lại căn nhà khang trang hơn”. Chia tay chàng nông dân trẻ giàu nghị lực, tôi chợt nhớ đến lời của anh Võ Trung Cảnh, Bí thư Xã đoàn Thới Hưng: “Vừa qua, Duy vinh dự được nhận Giấy khen của UBND huyện Cờ Đỏ cho mô hình thanh niên tiên tiến sản xuất giỏi và được Huyện đoàn tuyên dương gương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”.

Phạm Hồng Quang và chiếc xe đạp cùng gắn bó suốt 4 năm đại học. Ảnh: P.LAM

3 Cận kề ngày lên đường sang Mỹ tham gia khóa thực tập ngắn hạn tại Trường Đại học Michigan State, Phạm Hồng Quang, sinh viên lớp Công nghệ sinh học tiên tiến, khóa 32, Trường Đại học Cần Thơ, mới chịu “xuất hiện” gặp tôi. Giọng nhã nhặn, khiêm tốn, chàng sinh viên xuất sắc cho biết suốt mấy tuần qua bận “vùi đầu” nghiên cứu, hoàn tất đề tài để báo cáo luận văn tốt nghiệp trước khi lên đường sang Mỹ. Hồng Quang cho biết mình rất bất ngờ và vinh dự khi được chọn tham gia chương trình thực tập ngắn hạn này cùng với một số cán bộ, giảng viên của trường. Và càng cảm động hơn khi các thầy cô ở Viện Nghiên cứu và Phát triển Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ, tạo điều kiện cho Quang được báo cáo luận văn tốt nghiệp sớm hơn các bạn cùng khóa. Dù thời gian chuẩn bị khá gấp rút, phải làm việc hàng đêm đến 2-3 giờ sáng, nhưng Quang không bỏ qua bất kỳ khâu nào trong các bước thí nghiệm mà kiên trì thực hiện cho đến khi đạt kết quả như mong muốn. Luận văn tốt nghiệp của Quang với đề tài “Khảo sát đặc tính hình thái và di truyền của nấm bào ngư” được đánh giá loại giỏi cùng với kết quả học tập của 7 học kỳ thật ấn tượng (3,7 điểm, tính theo thang điểm 4) và Quang cũng vừa vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Với nền tảng 12 năm liền là học sinh giỏi, xuất sắc ở các cấp học, năm 2006, Quang thi đậu hai ngành Xây dựng (khối A) và Công nghệ sinh học (khối B) tại Trường Đại học Cần Thơ đạt điểm số rất cao. Quang chọn học ngành Công nghệ sinh học với mơ ước sẽ góp phần nghiên cứu tạo ra những cây giống chất lượng, phục vụ cho cộng đồng. Để đủ điều kiện theo học Chương trình tiên tiến (giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh) Quang đã phấn đấu cật lực, kết hợp nhiều phương pháp học tập, nghiên cứu để có nền tảng kiến thức chuyên môn và sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Những lần đến phòng thí nghiệm vi sinh thực phẩm của Viện để phụ giúp các thầy cô đã khơi dậy ở Quang niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Năm 2009, Quang đăng ký đề tài khoa học cấp trường “Phân lập, định danh và trồng thử nghiệm nấm rơm, nấm mèo và nấm bào ngư”; năm 2010, Quang tiếp tục cùng các bạn tham gia nghiên cứu đề tài “Phân lập, thử nghiệm sản xuất meo thuần và trồng thử nghiệm nấm mèo trên giá thể cây mai dương”. Đề tài của nhóm đưa ra cách xử lý cây mai dương - một loài thực vật ngoại lai, đang xâm lấn nghiêm trọng hệ sinh thái nước ta, giúp nông dân có thể tận dụng gỗ từ loài cây này làm cơ chất trồng nấm... Theo Quang, việc định danh nấm và xác định trình tự gien mã hóa rRNA (ribosomal ribonucleic acid) của một số dòng nấm là một trong những nghiên cứu làm nền, cần phát triển thêm mới ứng dụng được. Trong quá trình nghiên cứu, Quang đã bước đầu phân lập và tạo được meo giống cho nấm (gồm: nấm mèo, nấm rơm, nấm bào ngư), có thể cung cấp cho người trồng nấm. Tuy nhiên, Quang cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để ổn định và nâng cao năng suất của nấm.

Nhà khoa học trẻ tương lai có gương mặt khôi ngô này còn tham gia và đoạt giải cao trong nhiều cuộc thi với tư cách cá nhân, đồng đội như: Giải Nhất đồng đội cuộc thi “Gạo ngon thương hiệu Việt (năm 2007); Giải Nhất đồng đội cuộc thi “Nhà công nghệ sinh học trẻ” (năm 2010); Giải Khuyến khích cá nhân cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì cộng đồng” (năm 2008) với đề tài “Xây dựng website chia sẻ học liệu cho cộng đồng sinh viên”... Và Quang gọi những cuộc thi như thế là “những cuộc trải nghiệm đầy lý thú”. Quang kể: “Tham gia cuộc thi “Gạo ngon thương hiệu Việt” là dịp để nhóm em quảng bá chất lượng của giống gạo mới ST10 ở Sóc Trăng. Đó cũng là cách để đưa sản phẩm đến gần người dân hơn...”.

Nhìn vẻ sôi nổi, niềm đam mê nghiên cứu toát lên trong ánh mắt ngời sáng của Quang, tôi chợt nhớ đến những câu chuyện mà bạn bè Quang đã kể với vẻ đầy khâm phục về người lớp trưởng Lớp Công nghệ sinh học tiên tiến khóa 32, luôn “sống hết mình” và “cháy hết mình” này. Văn Hữu Lộc, Bí thư Chi đoàn lớp, kể: “Tuy dành phần lớn thời gian cho việc học, nghiên cứu nhưng Quang vẫn là hạt nhân tích cực, tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, góp phần đưa Chi đoàn lớp đạt danh hiệu là một trong 120 Chi đoàn tiên tiến “Học tập và làm theo lời Bác” (do Thành đoàn Cần Thơ trao tặng năm 2010)”. Chia tay với người đảng viên trẻ ấy, tôi biết trong hành trang đến phương xa của Quang còn có rất nhiều đề tài, dự định đang ấp ủ để trở về giúp nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình.

Chia sẻ bài viết