22/02/2019 - 06:01

Khẳng định vai trò Trung tâm Y tế vùng ĐBSCL 

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2019), phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi, về những bước tiến của ngành y tế thành phố và định hướng trong năm 2019…

Thưa bác sĩ, trong năm 2018, ngành y tế thành phố đã đạt được những kết quả nổi bật gì ?

- Năm 2018 là năm đầu tiên ngành y tế Cần Thơ triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Qua một năm thực thiện, ngành y tế thành phố đã có những tiến bộ khởi sắc. Ngành chủ động phòng, chống dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai có hiệu quả các Chương trình Y tế - Dân số tại cộng đồng. Vì vậy, trong nhiều năm liền, thành phố không để xảy ra vụ dịch bệnh lớn, không có vụ ngộ độc thực phẩm.

Ngành đi đầu trong triển khai thực hiện tự chủ tài chính, đã thực hiện ở 9 đơn vị trực thuộc, giảm chi ngân sách nhà nước khoảng 53 tỉ đồng/năm và giảm 1.077 biên chế sự nghiệp không hưởng lương từ ngân sách. Hàng năm, các cơ sở khám chữa bệnh cho hơn 5 triệu lượt. Trong đó 80% là bệnh nhân bảo hiểm y tế; đảm bảo quyền lợi trong việc khám, chữa bệnh cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, không có hiện tượng phân biệt đối xử. Hiện có 25 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ lễ, thứ 7.

Phẫu thuật tim tại BV Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: T.SƯƠNG

Phẫu thuật tim tại BV Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: T.SƯƠNG

Tuyến y tế cơ sở, nơi gần dân nhất được quan tâm như thế nào ?

- 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế và đạt chuẩn Quốc gia về y tế, có bác sĩ khám chữa bệnh cho dân. Mỗi trạm y tế bình quân khám khoảng 50 lượt bệnh/ngày. Lượng khám, chữa bệnh ở tuyến xã chiếm hơn 22% tổng lượt khám của toàn ngành. Hiện nay, thành phố đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình kèm quản lý hồ sơ sức khỏe người dân ở 43/85 trạm y tế. Các bệnh viện (BV) đa khoa tuyến huyện đều đạt chuẩn BV hạng II. Một số BV quận, huyện đã thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao như: phẫu thuật nội soi đường tiêu hóa, phẫu thuật phaco, chạy thận nhân tạo…

Trong thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hoạt động trạm y tế đến năm 2020 gắn liền với mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại trạm y tế.

Với vai trò trung tâm y tế vùng ĐBSCL, ngành y tế thành phố đã thực hiện những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu này ?

- Thời gian qua, ngành đẩy mạnh thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, qua đó, các BV ở TP Hồ Chí Minh tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho các BV của thành phố như: Nhi đồng, Huyết học-Truyền máu, Ung bướu... Các BV: Phụ Sản, Đa khoa thành phố... tăng cường hợp tác với các BV tuyến Trung ương ở TP Hồ Chí Minh để triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu. Các thầy thuốc đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao như: mổ tim hở, can thiệp tim mạch, các kỹ thuật cao trên lĩnh vực sản khoa, nhi khoa, ung bướu.

Ngoài ra, Sở Y tế rất quan tâm chỉ đạo các BV chuyên khoa, đa khoa của thành phố chuyển giao kỹ thuật cho các BV ở tuyến quận, huyện. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị ở các tuyến và giảm quá tải cho tuyến trên. Hiện nay, lượng bệnh nhân ở các tỉnh lân cận đến TP Cần Thơ khám và điều trị chiếm khoảng 40%, có BV lên đến 50-60%. 

Nhân lực là yếu tố quyết định, đội ngũ này được đào tạo, chăm lo như  thế nào ?

- Hiện nay, toàn ngành có 4.557 công chức, viên chức. Trong đó, tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân là 9,02 (ngành Y tế quản lý) và 15,09 (trên địa bàn); tỷ lệ dược sĩ trên vạn dân là 1,86 (ngành Y tế quản lý) và 3,70 (trên địa bàn). Các tỷ lệ này đều cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Riêng đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng, thành phố đã chi hoàn toàn tiền đào tạo (khoảng 12 tỉ đồng/năm). Ngoài ra, thành phố hỗ trợ kinh phí cho y tế khu vực, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho cộng tác viên; có chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo nhân lực. 

Thực hiện tự chủ tài chính, các đơn vị tự chủ chi thường xuyên, mức tăng thêm thu nhập cho viên chức hàng tháng từ 1,5-2 lần lương; các đơn vị tự chủ một phần, mức tăng thêm hàng tháng từ 0,5-0,8 lần lương. Các đơn vị pháp y, khối dự phòng, có thu nhập tăng thêm thấp, hàng tháng từ 0,2 -0,5 lần lương.

Năm 2019, ngành y tế có những hoạt động trọng tâm gì ?       

- Năm 2019 là năm “nước rút”, ngành y tế phát động phong trào thi đua với chuyên đề “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh» với mục tiêu 100% thủ tục hành chính được công bố, công khai đầy đủ kịp thời đúng quy định; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế đạt từ 80% trở lên và duy trì tỷ lệ trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế 100%...

Ngành triển khai, thực hiện các đề án như: “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”, “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn”, chủ động phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng, nhất là BV Ung bướu; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh; xây dựng hệ thống thông tin theo dõi sức khỏe nhân dân, khuyến khích y tế ngoài công lập, đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm y tế… Hy vọng năm 2019, ngành y tế tăng tốc, bứt phá, xứng đáng với vai trò Trung tâm y tế vùng ĐBSCL.

Xin cảm ơn bác sĩ !

H.HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết