12/02/2020 - 09:35

Khai thác thị trường tăng kim ngạch xuất nhập khẩu 

Năm 2020, TP Cần Thơ đề ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ngoại tệ đạt 3,45 tỉ USD, tăng 59,28% so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa phấn đấu đạt 2,85 tỉ USD; dịch vụ thu ngoại tệ đạt 600 triệu USD; riêng nhập khẩu hàng hóa phấn đấu đạt 2,2 tỉ USD. Đây là chỉ tiêu đề ra theo Kế hoạch Phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 TP Cần Thơ do UBND thành phố ban hành kèm Quyết định số 2994/QĐ-UBND (ngày 9-12-2019) “Về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020”.

TP Cần Thơ về đích mục tiêu xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2.229,4 triệu USD. Trong đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu là 1.772,7 triệu USD; tăng 7,43% so với cùng kỳ và đạt 101,3% kế hoạch năm; dịch vụ thu ngoại tệ đạt 456,7 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ, vượt 1,5% so với kế hoạch năm. Nhìn lại kết quả đạt được năm cũ cho thấy quyết tâm lớn của thành phố trong năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016-2020). Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 phấn đấu tăng 60,77% và dịch vụ thu ngoại tệ tăng 31,37% so với năm 2019; đặc biệt kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng đến 395% so với năm 2019.

Là đơn vị được UBND thành phố giao theo dõi triển khai thực hiện chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu và doanh thu ngoại tệ; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của thành phố, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, chia sẻ: Xuất khẩu của TP Cần Thơ trong những năm qua vẫn bám chủ yếu vào 2 mặt hàng chủ lực là gạo và thủy sản; gần đây có thêm mặt hàng trái cây sấy, ép. Với chỉ tiêu xuất khẩu năm 2020 được giao cao hơn năm 2019, Sở Công thương đã làm việc với bộ phận chuyên môn là Phòng Quản lý xuất nhập khẩu để đề ra các giải pháp triển khai thực hiện. Cụ thể ngành công thương sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động của TP Cần Thơ, triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Tổ chức tuyên truyền về các Hiệp định thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi, nhất là về quy tắc xuất xứ; nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Phối hợp thực hiện hỗ trợ tốt công tác mở rộng thị trường; thông tin dự báo thị trường trong và ngoài nước đến cộng đồng doanh nghiệp.

Đi cùng với việc tăng chỉ tiêu xuất khẩu, thành phố cũng tăng chỉ tiêu nhập khẩu lên 395% so với năm 2019, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, Sở Công thương thành phố cũng chủ động làm việc với các đơn vị doanh nghiệp trong lĩnh vực cung ứng vật liệu xây dựng, trang trí nội thất trên địa bàn để rà soát lại kim ngạch nhập khẩu hàng hóa. Bởi trước đây các doanh nghiệp này chủ yếu nhập hàng hóa từ TP Hồ Chí Minh nên không tính vào chỉ tiêu nhập khẩu của thành phố, trong khi lượng hàng hóa nhập về phục vụ sản xuất, xây dựng trên địa bàn rất đáng kể. Sở Công thương cho biết sẽ tiến tới thành lập Câu lạc bộ các doanh nghiệp trong lĩnh vực trang trí nội thất và vận động các doanh nghiệp tổng hợp nhu cầu nhập các đơn hàng lớn và có hướng chuyển đổi sang nhập khẩu trực tiếp tại TP Cần Thơ để góp phần gia tăng kim ngạch nhập khẩu cho thành phố vừa đảm bảo có lợi cho doanh nghiệp trong tiết giảm chi phí vận chuyển, giá thành đầu vào.

Vận chuyển cá tra từ vùng nguyên liệu về nhà máy chế biến xuất khẩu của Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông. 

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp xuất khẩu của thành phố vẫn phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn: các thị trường nhập khẩu lớn tăng cường các rào cản kỹ thuật (an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc), thuế chống bán phá giá… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp của thành phố lẫn chỉ tiêu xuất khẩu mà thành phố đã đề ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa xây dựng thương hiệu sản phẩm cho hàng hóa xuất khẩu, còn tập trung vào gia công, giá trị gia tăng thấp, khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết chặt chẽ hơn nữa với doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu đầu vào; doanh nghiệp nông sản cần liên kết chặt chẽ trong xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi sản xuất.

Cân đối xuất nhập khẩu là 1 trong 4 cân đối lớn của thành phố sau cân đối lao động và việc làm; ngân sách- ngân hàng; vốn đầu tư phát triển. Căn cứ vào kế hoạch đề ra cho năm 2020, nhiệm vụ của ngành công thương là vô cùng quan trọng trong việc tham mưu thành phố các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xác định củng cố và khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống, tận dụng các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, mở thêm thị trường mới, giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, đòi hỏi phải có sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn trong việc nâng cao kỹ năng, năng lực, trình độ quản lý, đổi mới sáng tạo, chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa; nắm bắt thông tin các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết để khai thác thị trường hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết