29/08/2024 - 09:10

Khai thác, quản lý, phát huy nguồn lực tài sản công trong nền kinh tế 

Dưới sự chủ trì của Bộ Tài chính, cuộc tổng kiểm kê tài sản công trên toàn quốc đang được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực tài sản công trong nền kinh tế, tăng cường thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Theo đề án tổng kiểm kê tài sản công, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu nằm trong nhóm TSKCHT do Nhà nước quản lý. Trong ảnh: Công trình Cống Cái Lớn góp phần ngăn mặn, thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Mới đây, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến về triển khai tổng kiểm kê tài sản công (TSC) tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT) do Nhà nước đầu tư quản lý. Qua đó giúp các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện kiểm kê TSC, TSKCHT theo quy định, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Nâng cao trách nhiệm

Theo Quyết định số 231/QÐ-TTg, ngày 1-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt đề án tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, TSKCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý", việc tổng kiểm kê nhằm nắm được thực trạng của TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, TSKCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý về các mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng,... làm cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng TSC; phục vụ việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSC, cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước, báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

Theo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, đối với TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định (theo Thông tư số 23/2023/TT-BTC), gồm: trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, bao gồm cả quyền sử dụng đất xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp); xe ô tô, tài sản cố định đặc thù, tài sản cố định khác. TSKCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý gồm 18 loại (không bao gồm tài sản do Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, nguyên vật liệu… để đầu tư xây dựng), như hạ tầng giao thông, (đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy nội địa, hàng hải); hạ tầng cấp nước sạch, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng thương mại là chợ, hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu là đê điều, hạ tầng không gian xây dựng ngầm đô thị…

Về đối tượng thực hiện kiểm kê, TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị… đang quản lý, sử dụng tài sản công gồm cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Ðảng Cộng sản Việt Nam, MTTQVN, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội. TSKCHT do Nhà nước đầu tư quản lý, đối tượng thực hiện kiểm kê là cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và đối tượng khác) đang quản lý, tạm quản lý tài sản…

Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính, việc tổng kiểm kê TSC phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước. Tài sản thuộc cấp nào quản lý, cấp đó chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê, tổng hợp số liệu để báo cáo tổng hợp chung. Các bộ ngành, cơ quan cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Việc kiểm kê được thực hiện theo chỉ tiêu hiện vật và giá trị của tài sản, ghi nhận hiện trạng quản lý, sử dụng đối với TSC tại thời điểm kiểm kê. Các tài sản có sự trùng lắp về cách phân loại giữa các loại tài sản thuộc phạm vi kiểm kê thì chỉ xếp vào một loại tài sản để kiểm kê. Những TSKCHT thuộc phạm vi giao cho doanh nghiệp quản lý theo hình thức tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng tại thời điểm kiểm kê chưa chuyển giao cho doanh nghiệp thì thực hiện kiểm kê theo Ðề án được Chính phủ phê duyệt.

Lưu ý các mốc thời gian

Theo Quyết định số 231/QÐ-TTg, nhiệm vụ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê của địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban, Sở Tài chính làm cơ quan thường trực để chỉ đạo, hướng dẫn việc kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh giao UBND cấp huyện quyết định việc thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê cấp huyện do lãnh đạo UBND cấp huyện làm Trưởng ban, Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện làm cơ quan thường trực để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc kiểm kê tài sản công của cấp huyện, cấp xã. Xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm kê của địa phương trên cơ sở nội dung, kế hoạch chi tiết do Bộ Tài chính ban hành. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiểm kê cho các đối tượng thực hiện kiểm kê thuộc địa phương quản lý. Tổng hợp kết quả kiểm kê tài sản thuộc phạm vi quản lý của địa phương gửi Bộ Tài chính trước ngày 15-6-2025.

Theo mục tiêu cụ thể của đề án tổng kiểm kê tài sản công, đến ngày 31-12-2024 hoàn thành công tác chuẩn bị phục vụ tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và TSKCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý. Ðến ngày 31-3-2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê; đến ngày 1-7-2025 hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, TSKCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước. Bộ Tài chính cũng lưu ý, thời điểm chốt số liệu kiểm kê là 0 giờ, ngày 1-1-2025. Thời điểm các bộ, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh gửi báo cáo về Bộ Tài chính là ngày 15-6-2025.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành liên quan thông tin đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi kiểm kê TSC, TSKCHT do Nhà nước quản lý. Ðồng thời chỉ đạo tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn cách thức thực hiện công tác kiểm kê TSC, TSKTHT, thông tin về các mốc thời gian thực hiện kiểm kê, báo cáo kết quả kiểm kê theo quy định. Chủ động cung cấp các mẫu biểu kiểm kê theo hướng dẫn của Bộ Tài chính để các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp cận và triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, trong những năm qua, công tác quản lý TSC luôn được Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện nhằm đưa công tác quản lý, sử dụng TSC ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Việc kiểm kê tài sản TSC là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp. Các bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực thực hiện để đạt kết quả tổng kiểm kê chính xác nhất. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với lực lượng nòng cốt là cơ quan quản lý TSC các cấp. Cần kiểm kê kỹ lưỡng, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực TSC. Bộ Tài chính sẽ thành lập bộ phận thường trực tại Cục Quản lý công sản để hỗ trợ, giải đáp các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện tổng kiểm kê TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, TSKCHT do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết