27/08/2016 - 15:32

Khai thác cơ hội mới từ các ngành hàng tiềm năng

Trong 8 tháng đầu năm 2016, hoạt động xuất khẩu của TP Cần Thơ giảm đáng kể so với cùng kỳ 2015 và giảm sút cả về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu ở một số ngành hàng chủ lực. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Kế hoạch xuất khẩu năm 2016 TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng, Cần Thơ có thể khó hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm 2016. Bên cạnh những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng còn lại, cần tập trung tạo điều kiện phát triển các ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng để giảm sự lệ thuộc vào 2 ngành chính là lúa gạo và thủy sản.

* Kim ngạch giảm

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, trong 8 tháng đầu năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố ước đạt 902,4 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ, đạt 54,7% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 691,3 triệu USD giảm 14,8% so với cùng kỳ; dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 211 triệu USD vượt 17,3% kế hoạch năm và tăng 85% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, gạo và thủy sản là 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố đang gặp khó về thị trường tiêu thụ làm ảnh hưởng đến sản lượng và giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu thủy sản 8 tháng ước đạt 338,2 triệu USD, tương đương 66,3% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu gạo chỉ đạt 42% kế hoạch với hơn 177 triệu USD. Giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng chỉ tăng nhẹ 0,2%, giá trị xuất khẩu gạo giảm đến 22% so với cùng kỳ. Thời điểm này, các nước châu Á đang vào mùa thu hoạch nên nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước này cũng giảm. Cuối tháng 7, các nhà nhập khẩu cũng tạm ngưng hoạt động để chờ thông tin bán đấu giá gạo của Thái Lan. Không chỉ gạo, thủy sản mà xuất khẩu hàng may mặc cũng chỉ đạt 67% kế hoạch, giá trị 80,3 triệu USD và giảm 4% so với cùng kỳ.

Sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Khu Công nghiệp Trà Nóc 1).

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: "Gạo và thủy sản hiện chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố và đang có dấu hiệu chững lại. Sở Công thương đang tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngành hàng may mặc và nông thủy sản chế biến xuất khẩu, nhưng tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Ngành da giày có nhiều tiềm năng, song dự án Nhà máy giầy của Hàn Quốc đầu tư tại khu công nghiệp Hưng Phú đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, nên dự kiến đến giữa năm 2017 mới đi vào hoạt động. Trong ngắn hạn, chưa có sản phẩm nào có khả năng làm thay đổi cơ cấu xuất khẩu của thành phố cũng như đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu để bổ sung cho 2 ngành hàng gạo và thủy sản". Do đó, Sở Công thương phối hợp cùng các sở, ngành hữu quan khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, tìm kiếm thị trường, tăng cường các hoạt động liên kết sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

* Triển vọng mới

Mặc dù gạo và thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm, nhưng xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến có sự tăng trưởng đáng ghi nhận khi trong 8 tháng đạt 240% kế hoạch năm và tăng 140% so với cùng kỳ với giá trị thực hiện 40,3 triệu USD. Theo lãnh đạo nhiều sở, ngành, sản xuất nông sản, trái cây, rau củ đang là thế mạnh của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Đây là ngành hàng có khả năng phát triển trong thời gian tới khi nhu cầu thị trường ngày một tăng. Trong khi xuất khẩu gạo và thủy sản đang chạm ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng thêm. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm TP Cần Thơ, cho biết: Trung tâm đang làm đầu mối liên kết với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) và Công ty cổ phần Vườn trái Cửu Long để kết nối với các địa phương tìm nguồn nguyên liệu trái cây chế biến cung ứng thị trường nội địa và xuất khẩu. Trước mắt, Trung tâm làm việc với huyện Phong Điền và quận Bình Thủy để khảo sát, thu thập thông tin về khả năng cung cấp các loại trái cây và sản lượng cụ thể theo tháng và mùa vụ để làm cơ sở kết nối với doanh nghiệp chế biến đang có nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, doanh nghiệp cần quan tâm tìm kiếm và phát triển ở các thị trường khó tính thay vì chỉ tập trung vào những thị trường dễ tính, không có yêu cầu cao về sản phẩm giá trị gia tăng và giá xuất khẩu cũng không cao. Phải có định hướng chiến lược để phát triển các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Chẳng hạn như đối với ngành gạo, có thể chuyển hướng sang sản xuất, chế biến và xuất khẩu các loại gạo dược liệu, gạo đỏ, gạo mầm với giá trị dinh dưỡng cao hơn và giá trị xuất khẩu cao hơn. Sản phẩm thủy sản thay vì chỉ cấp đông rồi xuất khẩu cũng cần thay đổi, phát triển những sản phẩm tiện lợi, rút ngắn thời gian chế biến để bán sang các thị trường mới. Trái cây tươi xuất khẩu cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng, song doanh nghiệp cần tiếp cận với công nghệ bảo quản hiện đại với mức đầu tư hợp lý để cân đối giá thành đầu vào, đầu ra và đảm bảo lợi nhuận.

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch xuất khẩu năm 2016 của thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với nông dân để cung ứng nguyên liệu nông sản, trái cây phục vụ xuất khẩu; cung cấp các thông tin thị trường để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Sở Công thương thành phố tìm kiếm nhà đầu tư trên lĩnh vực logistics để mời gọi vào đầu tư vào thành phố. "Năm 2016, xuất khẩu hàng hóa còn nhiều khó khăn, thách thức. Các sở, ngành cần chú trọng phát triển những ngành hàng mới, sản phẩm mới, thúc đẩy phát triển công nghiệp và góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Phát triển những ngành có tiềm năng như dệt may, da giày, chế biến nông sản. Tháo gỡ những điểm nghẽn trong hoạt động xuất khẩu, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ để chế biến sâu, tiếp cận công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu" - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam, khẳng định.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết