01/03/2023 - 08:27

Khắc phục hạn chế, cải thiện Chỉ số cải cách hành chính 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

UBND TP Cần Thơ vừa công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp sở và cấp huyện năm 2022. Theo đó, nhiều đơn vị, địa phương đã có sáng kiến, giải pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, rất ít đơn vị hoàn thành đúng tiến độ nhiệm vụ do UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giao; còn xảy ra tình trạng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trễ hẹn. Một số nội dung xây dựng chính quyền điện tử giảm điểm, công tác văn thư, lưu trữ còn hạn chế. Thực trạng trên đòi hỏi các đơn vị, địa phương nghiên cứu, đề ra giải pháp đột phá để CCHC, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và DN.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đẩy mạnh công tác CCHC năm 2022.

Những điểm sáng

Theo ông Nguyễn Thanh Nhanh, Thư ký Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC thành phố, Trưởng phòng CCHC, Văn thư và Lưu trữ, Sở Nội vụ TP Cần Thơ, giá trị trung bình của Chỉ số CCHC cấp sở năm 2022 đạt 90,51%, tăng 3,65% so với năm 2021. Ðây là năm thứ 2 liên tiếp, giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng so với năm liền kề. Khoảng cách điểm số giữa đơn vị đạt điểm cao nhất (Sở Khoa học và Công nghệ) và đơn vị đạt điểm thấp nhất (Sở Y tế) là 12,48% (năm 2021 là 17,82%). Có 15/16 đơn vị cấp sở có chỉ số cao hơn năm 2021, trong đó Sở Giáo dục và Ðào tạo có kết quả chỉ số tăng cao nhất, kế đến là Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Giao thông vận tải. Ðiểm nổi bật là có 2 đơn vị đạt loại rất tốt (Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), riêng Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục là đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 3 năm liền.

Các lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, tài chính công đều tăng điểm so với năm 2021. Ðối với cải cách thể chế, có 11 đơn vị đạt giá trị tuyệt đối 100% (tăng 8 đơn vị so với năm 2021). Các đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật. Về cải cách TTHC, chỉ duy nhất Sở Kế hoạch và Ðầu tư có điểm dưới 80%, 12 đơn vị đạt điểm trên 90%, 2 đơn vị đạt điểm tuyệt đối 100%. Bà Trương Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: “Sở có 48 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, đều được công khai trên Cổng thông tin điện tử, tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả và công bố trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn. Tất cả TTHC đều áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và thường xuyên được đơn vị rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý”. Năm 2022, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của Sở đạt trên 91%, tỷ lệ thanh toán phí/lệ phí trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt trên 92%. Tính đến nay, toàn bộ TTHC đều được giải quyết đúng hạn và trước hạn.

Ðối với cấp huyện, 6/8 lĩnh vực của Chỉ số CCHC đều tăng điểm so với năm 2021. Ðặc biệt, lĩnh vực cải cách thể chế đạt điểm tuyệt đối 100%, 3 lĩnh vực gồm cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và cải cách chế độ công vụ đều đạt điểm trên 90%. Quận Ô Môn là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng bởi thời gian qua đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy CCHC. Tiêu biểu như mô hình tuyên truyền hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến tại khu dân cư ở tất cả các phường; xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đối với tất cả TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của quận, cũng như nhiều sáng kiến trong cải cách chế độ công vụ.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Theo Hội đồng thẩm định CCHC thành phố, cả đơn vị cấp sở và cấp huyện, lĩnh vực xây dựng và phát triển chính quyền điện tử đều hạn chế. Ðối với cấp sở, lĩnh vực này đạt trung bình 86,06% (giảm 2,51% so với năm 2021) và là chỉ số thành phần duy nhất có giá trị trung bình giảm của bộ chỉ số. Ðối với cấp huyện, chỉ số này cũng đạt điểm thấp nhất (dưới 80%). Nguyên nhân là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thấp, tỷ lệ thanh toán trực tuyến không đạt yêu cầu (đối với TTHC phải thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia). Việc thực hiện ký số cá nhân của lãnh đạo đơn vị trong phát hành văn bản dưới dạng điện tử còn hạn chế; công tác tập huấn, phổ biến về chuyển đổi số cho công chức, viên chức chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Nhanh, Thư ký Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC thành phố, Trưởng phòng CCHC, Văn thư và Lưu trữ, Sở Nội vụ TP Cần Thơ, chỉ số thành phần Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ được đưa vào Bộ tiêu chí đánh giá từ năm 2020, nhưng kết quả đánh giá năm 2022, có đến 7 đơn vị cấp sở đạt điểm dưới 60%. Các đơn vị đạt điểm thấp là do thực hiện chưa tốt công tác lập hồ sơ công việc đối với công chức, viên chức, giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan; không xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn về công tác văn thư, lưu trữ; soạn thảo văn bản không đúng thể thức, kỹ thuật trình bày.

Một số hạn chế vẫn còn tồn tại thời gian qua là tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC cho người dân, DN; việc thực hiện xin lỗi khi hồ sơ quá hạn giải quyết chưa đúng quy định; chưa thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, từ đó phần nào gây phiền hà cho người dân, DN. Tại hội nghị công bố kết quả Chỉ số CCHC cấp sở và cấp huyện năm 2022 vừa qua, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các đơn vị, địa phương sớm triển khai phân tích, đánh giá và chủ động đề ra giải pháp cải thiện những tiêu chí còn hạn chế; rà soát, đánh giá chính xác những hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục các nội dung giảm điểm, đạt điểm thấp. Ðồng thời, lưu ý các sở, ban, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng ban hành kế hoạch chỉ đạo, điều hành, trong đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng cho tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện, thời gian hoàn thành, có định lượng được sản phẩm/kết quả đầu ra. Cần quan tâm nhân rộng các mô hình, sáng kiến trong CCHC, biểu dương và khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác CCHC; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp để hồ sơ trễ hẹn. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành phải quyết liệt chuyển đổi số trong công tác CCHC, nhất là việc số hóa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN, tạo đột phá trong công tác CCHC tại đơn vị, địa phương.

Chia sẻ bài viết