09/12/2015 - 23:13

Nhịp cầu dân cử

Kết quả thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cử tri thành phố đề nghị cho biết những kết quả ban đầu của việc tổ chức thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam. Nội dung trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

Để đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành các chỉ thị, kế hoạch hành động thực hiện Đề án. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương xây dựng Đề án, kế hoạch chuyên đề để cụ thể hóa từng nội dung, giải pháp của Đề án; xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu 6 lĩnh vực (chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm thủy sản) và ban hành 6 kế hoạch chuyên đề thực hiện các giải pháp tái cơ cấu. 6 kế hoạch chuyên đề thực hiện các giải pháp tái cơ cấu gồm: (1) rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách; (2) đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; (3) đổi mới và tăng cường công tác khoa học công nghệ; (4) đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (5) đổi mới cơ cấu, cơ chế và nâng cao hiệu quả đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân; (6) kiện toàn hệ thống, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ngành. Đồng thời, tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành/lĩnh vực, sản phẩm chủ lực; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông nghiệp cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để phục vụ tái cơ cấu. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt danh mục và giao nhiệm vụ thực hiện 24 dự án quy hoạch phục vụ tái cơ cấu; trong đó, có 8 quy hoạch đã được phê duyệt; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…

Các quy hoạch trên đã được xây dựng trên cơ sở phát huy lợi thế và khả năng cạnh tranh của các vùng, miền, gắn với thị trường tiêu thụ; trong đó, xác định rõ mục tiêu phát triển, đưa ra các phương án bố trí sản xuất, các nhiệm vụ ưu tiên; đồng thời, có các giải pháp phù hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Để hỗ trợ thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành phần của Ban bao gồm lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và một số địa phương. Như vậy, việc tái cơ cấu nông nghiệp không còn là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp. Qua 2 năm thực hiện Đề án, cơ cấu sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đã được điều chỉnh mạnh theo hướng phát huy lợi thế, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô lớn gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Chia sẻ bài viết