16/04/2018 - 07:48

Kết nối việc làm cho thanh niên 

Tại hội nghị giao ban các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (DVVLTN) toàn quốc, do Trung ương Đoàn tổ chức tại TP Cần Thơ đầu tháng 4, nhiều đại biểu thống nhất với mục tiêu năm 2018 sẽ giới thiệu việc làm (GTVL) cho 200.000 người và đào tạo nghề cho 25.000 người. Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, thời gian tới, các CSGDNN tiếp tục làm tốt việc tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu và giải quyết việc làm cho thanh niên.

Đẩy mạnh hướng nghiệp

Theo anh Lê Thanh Tú, Phó Trưởng ban Thanh niên Công nhân và Đô thị Trung ương Đoàn, thời gian qua, các CSGDNN phối hợp chặt chẽ để mở rộng quy mô liên kết trong tư vấn hướng nghiệp, GTVL cho thanh niên. Điển hình, chương trình “Tiếp sức người lao động” do Trung tâm DVVLTN TP Hồ Chí Minh phối hợp 9 Trung tâm DVVL các tỉnh, thành trong cả nước và 4 Trung tâm việc làm tại TP Hồ Chí Minh tổ chức đưa người lao động (miễn phí) các tỉnh, thành đến TP Hồ Chí Minh tham gia phỏng vấn tìm việc, được doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp. Năm 2017, các CSGDNN tư vấn hướng nghiệp hơn 417.000 lượt người, GTVL cho 109.424 người, đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các bạn trẻ học ngoại ngữ, tìm hiểu thị trường lao động, liên kết các doanh nghiệp uy tín, giúp thanh niên xuất khẩu lao động.

Tuổi trẻ thành phố tham quan mô hình “Không gian làm việc chung” dành cho các nhóm khởi nghiệp, đặt tại Trung tâm DVVLTN TP Cần Thơ. Ảnh: Q. THÁI
Tuổi trẻ thành phố tham quan mô hình “Không gian làm việc chung” dành cho các nhóm khởi nghiệp, đặt tại Trung tâm DVVLTN TP Cần Thơ. Ảnh: Q. THÁI

 

Các CSGDNN còn đa dạng các hoạt động GTVL và cung ứng lao động, từ mô hình sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm đến triển khai mạng lưới cộng tác viên GTVL các cơ sở Đoàn. Tiêu biểu như, các cấp bộ Đoàn TP Cần Thơ phối hợp thành lập 5 Góc việc làm tại 5 trường cao đẳng và 1 Góc việc làm tại Trung tâm DVVLTN Cần Thơ; đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục pháp lý, đưa sản phẩm 3 nhóm thanh niên khởi nghiệp ra thị trường, gồm: Đất sạch Taho, Tranh gạo Tấn Bửu và Sản xuất Nấm Thọ. Các cơ sở Đoàn, trường học trong thành phố tăng cường tư vấn hướng nghiệp, việc làm đi đôi mở các khóa học nâng cao năng lực tìm việc cho học sinh, sinh viên và thanh niên. Lê Quốc Khánh, ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, đang học năm cuối ngành Kỹ thuật xây dựng, Trường Trung cấp Nghề Thới Lai, cho biết, Khánh ước mơ vào đại học nhưng gia đình chỉ có 1.000m2 đất ruộng, cha mẹ làm thuê kiếm sống. Khánh được thầy cô định hướng chọn học nghề vừa phù hợp kinh tế gia đình, vừa dễ xin việc làm. Đang thực tập xây nhà ở xã Tân Thạnh, Khánh chia sẻ: “Tốt nghiệp THCS, em chọn học nghề và được miễn học phí. Đến nay, em tham gia xây 2 căn nhà, dù chưa tốt nghiệp nhưng em phấn khởi vì được nhiều người ngỏ ý thuê làm”. 

Các cơ sở Đoàn phối hợp các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp ở Cần Thơ trực tiếp đến các trường học tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sinh viên. Cuối tháng 3 vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Cần Thơ tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh cho 1.500 học sinh THPT các quận, huyện: Ô Môn, Thốt Nốt và Phong Điền. Qua đó, giúp học sinh chọn nghề nghiệp phù hợp năng lực, sở trường. Ở Trường Đại học Tây Đô, mỗi năm, Trung tâm Hỗ trợ SV và Hợp tác doanh nghiệp phối hợp các đoàn thể trong trường tổ chức 4- 5 hoạt động tập huấn kỹ năng xin việc, ngày hội việc làm. Qua đó, kết nối SV với nhà tuyển dụng; trang bị kỹ năng phỏng vấn xin việc, giới thiệu thực tập tại các doanh nghiệp... cho sinh viên.

Nhiều giải pháp giúp thanh niên

  Tại hội nghị, các đại biểu góp ý dự thảo Đề án “Tư vấn hướng nghiệp và GTVL cho thanh thiếu niên giai đoạn 2018-2022”. Theo đó, Trung ương Đoàn quy hoạch phát triển 23 CSGDNN, tư vấn hướng nghiệp 10 triệu thanh thiếu niên, giới thiệu việc làm cho 1,5 triệu lao động. Mỗi năm, tập huấn 16.000 lượt cán bộ Đoàn, tổng phụ trách Đội về nghề nghiệp và việc làm.
   

Anh Hà Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Thanh niên tỉnh Kiên Giang, cho rằng, hợp tác sản xuất là xu thế tất yếu, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho lao động. Anh Huy đề xuất tổ chức Đoàn phối hợp các cấp, ngành hướng dẫn và hỗ trợ TN xây dựng các câu lạc bộ, tổ hợp tác TN sản xuất. Việc phát triển các mô hình kinh tế cần dựa trên tiềm năng, thế mạnh từng địa phương nhưng phải làm ra sản phẩm sạch, ứng dụng công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nhiều đại biểu dự hội nghị chia sẻ, công tác đào tạo nghề của các CSGDNN gặp nhiều khó khăn vì điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn (thiết bị, nhà xưởng, kinh phí) và chưa có nhiều cơ hội tham gia các đề án, chương trình đào tạo nghề địa phương. Vì vậy, Trung ương Đoàn cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan để công tác tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề đạt hiệu quả hơn. Theo anh Phan Văn Trung, Giám đốc Trung tâm DVVLTN Trung ương Đoàn, việc tư vấn hướng nghiệp cho HSSV rất quan trọng, nhất là đối với nhiều học sinh, lao động vùng sâu thiếu thông tin về thị trường lao động, chưa được quan tâm định hướng phát triển nghề nghiệp,... Anh Trung cho rằng, các cấp bộ Đoàn cần đẩy mạnh truyền thông giúp bạn trẻ tiếp cận thông tin việc làm, đồng thời thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn hướng nghiệp cho đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở.

Theo Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, các CSGDNN cần chuyên nghiệp hơn trong tư vấn hướng nghiệp, dự báo thị trường lao động, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn.

Q. THÁI

Chia sẻ bài viết