29/10/2017 - 16:14

Kết nối hợp tác phát triển ngành thủy sản 

Thủy sản là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của ngành nông nghiệp Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội và phát triển đất nước. Trong đó, ĐBSCL cung cấp khoảng 52% sản lượng thủy sản đánh bắt, gần 67% sản lượng nuôi trồng và chiếm 65% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Thời gian qua, ngành thủy sản nước ta ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, song, ngành thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn và phát triển chưa bền vững...

Khách tham quan triển lãm và hội thảo quốc tế chuyên ngành thủy sản Aquaculture Việt Nam 2017.

Chưa bền vững

Ông Cao Văn Lợi, nông dân nuôi tôm ở xã Định Trung, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, đến với Triển lãm và hội thảo quốc tế chuyên ngành thủy sản “Aquaculture Việt Nam 2017” diễn ra tại TP Cần Thơ, cho biết: “Chất lượng môi trường đất, nước tại nhiều nơi đang bị suy giảm và thiếu nguồn con giống thủy sản sạch bệnh và nguồn thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng cao còn ít, giá cả chưa hợp lý. Liên kết giữa các bên liên quan còn lỏng lẻo là những hạn chế ngành thủy sản cần khắc phục ngay. Đến với triển lãm lần này, tôi mong muốn tìm kiếm và kết nối được với các đơn vị cung ứng các thiết bị, giải pháp công nghệ mới để xử lý ao nuôi tôm và tìm được các nguồn thức ăn, con giống đảm bảo chất lượng và có giá cả hợp lý”.

Ông Trần Văn Vĩnh, ngụ xã Phước Long, huyện Phước Long, cũng cho biết: “Nhiều loại con giống thủy sản bán trôi nổi trên thị trường có chất lượng không đảm bảo khiến người nuôi dễ bị rủi ro nuôi không đạt năng suất và tỷ lệ hao hụt nhiều.  Do vậy, đến với triển lãm  chuyên ngành thủy sản này, tôi mong muốn tìm được các đơn vị cung cấp con giống sạch bệnh”.

Theo Tiến sĩ Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, Hiệp hội nghề cá Việt Nam, thời gian qua nông dân và các doanh nghiệp tiếp cận khá tốt và áp dụng khá nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới vào sản xuất kinh doanh, giúp nuôi trồng thủy sản đạt năng suất kỷ lục và chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, vấn đề tổ chức liên kết giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị ngành còn nhiều trở ngại. Do vậy, các cơ quan chức năng và các bên liên quan cần có trách nhiệm thúc đẩy thực hiện tốt việc liên kết để ngành thủy sản khó phát triển bền vững.

Kỳ vọng đổi mới

Triển lãm và hội thảo quốc tế chuyên ngành thủy sản “Aquaculture Việt Nam 2017” do Công ty UBM Asia phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị có liên quan tổ chức đã mang đến một diễn đàn kết nối kinh doanh, giao lưu, tập trung vào các đổi mới công nghệ và giải pháp dành cho nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Sự kiện này thu hút hơn 4.000 người tham dự từ các doanh nghiệp, trang trại, hộ nuôi tôm, cá tại 13 tỉnh ĐBSCL và nhiều địa phương khác. Chương trình hội thảo diễn ra tại sự kiện với sự tham gia của hơn 20 diễn giả trong và ngoài nước mang đến cho người tham dự nhiều thông tin, kiến thức bổ ích và góp phần thúc đẩy các mối liên kết, hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh và quảng bá sản phẩm.  

Năm 2016, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của TP Cần Thơ là 11.389 ha, với sản lượng 199.817 tấn. Các đối tượng nuôi chính là cá tra, cá rô, cá lóc, cá rô phi, tôm càng xanh… Trong đó, xuất khẩu cá tra năm 2016 đạt 13,8 nghìn tấn, với giá trị 550 triệu USD, chiếm tỷ trọng 35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, TP Cần Thơ có diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản khoảng 51.878ha, chiếm 36,7% diện tích tự nhiên thành phố, tập trung ở các quận, huyện như Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền, Ô Môn và Thốt Nốt. Tuy nhiên, ngành thủy sản luôn phải đối mặt với nhiều thách thức như: vấn đề môi trường, dịch bệnh, suy thoái giống, biến đổi khí hậu… Do đó, việc đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đóng vai trò cực kỳ quan trọng để tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đảm bảo hội nhập kinh tế và theo kịp xu hướng phát triển khoa học công nghệ quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, cho rằng, triển lãm và hội thảo quốc tế chuyên ngành thủy sản năm 2017 là dịp để ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố nói riêng và các tỉnh, thành cả nước nói chung giới thiệu những tiến bộ khoa  học công nghệ về khai thác, nuôi trồng và bảo quản sản phẩm thủy sản. Đồng thời, là cơ hội quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm dịch vụ và hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Từ đó, góp phần tạo động lực để TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi cá tra nói riêng, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm…

Theo Tiến sĩ Trần Đình Luân, Phó tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cần tiếp tục đầu tư phát triển công nghệ, đổi mới và ứng dụng phương pháp quản lý tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản. Aquaculture Việt Nam 2017  là cơ hội thúc đẩy công nghiệp hóa nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam. Đây là một chương trình hiệu quả để giới thiệu các công nghệ mới nhất và hiện đại nhất cho nuôi trồng thủy sản, cả trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết