07/01/2022 - 08:41

Kết nối hàng không, phục hồi du lịch 

Sau thời gian dài chịu tác động của dịch COVID-19, hoạt động du lịch ở nhiều địa phương đã dần bắt nhịp trở lại. Du lịch nội tỉnh, nội địa dần hồi phục, trong đó thị trường du khách quốc tế cũng có nhiều tín hiệu lạc quan với những điểm đến được thí điểm đón khách. Tuy nhiên, việc mở cửa toàn diện du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự kết nối và khôi phục các đường bay quốc tế.

Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ (Ảnh chụp trước dịch). 

Từ tháng 11-2021, những chuyến bay quốc tế (theo hình thức charter) đã được kết nối với 5 địa phương thí điểm đón khách nước ngoài giai đoạn đầu là: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang. Bước đầu, các địa phương này đã đón khách quốc tế thành công với tần suất chuyến bay đang tăng dần. Tuy nhiên, những chuyến bay charter không thường xuyên và có số lượng hạn chế. Vì vậy, rất khó cho việc thu hút khách du lịch. Thực tế, chỉ khi mở lại các chuyến bay thường lệ, phân khúc và thị trường du khách mới có thể được mở rộng nhiều hơn. Ðiều này không chỉ tạo thuận lợi cho các đơn vị lữ hành mà hành khách cũng có kế hoạch du lịch phù hợp, linh hoạt hơn.

Trong tháng 1-2022, Việt Nam bước vào giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón du khách quốc tế. Thị trường chính ở giai đoạn này là Ðông Bắc Á và châu Âu. Có thêm hai địa phương là TP Hồ Chí Minh và Bình Ðịnh vừa được Chính phủ cho phép đón khách quốc tế. Trên cơ sở này, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có kế hoạch mở lại đường bay thường lệ đến 9 thị trường: Nhật Bản, Ðài Loan, Singapore, Campuchia, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào và Trung Quốc. Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép cho các hãng trong nước khai thác tối đa 4 chuyến/tuần trên mỗi chặng bay, dựa trên sự thống nhất giữa các quốc gia. Cụ thể, trong giai đoạn đầu thí điểm sẽ mở các đường bay thường lệ giữa Hà Nội/TP Hồ Chí Minh với Tokyo, Ðài Bắc, Bắc Kinh/Quảng Châu, San Francisco/Los Angeles, Bangkok, Vientiane, Phnom Penh và Hà Nội - Seoul. Ðến nay, đã có 8 đường bay quốc tế được khôi phục. Riêng đường bay đến Trung Quốc chưa thể mở lại do các thủ tục đàm phán chưa hoàn tất. Việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ sẽ giúp các hãng hàng không giảm chi phí rất lớn khi chủ động xây dựng lịch bay, mở bán vé 2 chiều cho khách. Khi bay thường lệ, chi phí sẽ giảm bớt, là cơ sở điều chỉnh giá vé thấp, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho các đơn vị du lịch khi chủ động hơn trong việc xây dựng các tour, tuyến với mức giá phù hợp cho du khách. Du khách cũng có sự lựa chọn đa dạng hơn về điểm đến.

Trên cơ sở này, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đã mở bán vé trên website và kênh đại lý với một số chặng bay quốc tế khởi hành vào tháng 1-2022. Vietnam Airlines đã lên kế hoạch kết nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm 2022. Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu tháng 1-2022, khai thác các chuyến bay 2 chiều giữa Việt Nam và Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia... Giai đoạn tiếp theo là mở rộng khai thác các chuyến bay đi châu Âu, Úc khi cơ quan chức năng cho phép. Trong khi đó, Vietjet Air cũng đã mở lại các đường bay quốc tế kết nối từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tới Ðài Loan, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc. Các chặng bay được khai thác từ 1 chuyến khứ hồi/tuần và tăng lên theo nhu cầu của người dân, du khách. Vietjet Air dự kiến sẽ mở lại toàn bộ các đường bay quốc tế mà hãng đã khai thác trước đây. Riêng Bamboo Airways sẽ khai thác tối đa theo tần suất được Cục Hàng không Việt Nam phân bổ, sau đó sẽ mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế mới trong giai đoạn tiếp theo khi điều kiện cho phép. Theo dự kiến, hãng sẽ mở rộng quy mô mạng bay quốc tế lên 40 đường bay trong năm 2022.

Mặc dù các đường bay quốc tế đã được phép mở lại thường xuyên nhưng vẫn còn nhiều lo ngại. Ðặc biệt là biến chủng mới Omicron đang bùng phát và xuất hiện tại các thị trường khai thác đường bay quốc tế mà Việt Nam kết nối. Ðiều này tạo nên những rào cản mới. Cụ thể, Nhật Bản vẫn áp dụng chính sách hạn chế người nhập cảnh, còn Hàn Quốc tạm thời quy định cách ly 10 ngày đối với người nước ngoài nhập cảnh. Tại Việt Nam quy định, hành khách nhập cảnh buộc phải test nhanh trên cơ sở tự chịu chi phí. Việc tổ chức test khi nhập cảnh sẽ mất thời gian và dễ gây ùn tắc; đồng thời đòi hỏi quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp dương tính. Trong khi đó, ở mỗi địa phương lại có những quy định cách ly với người nhập cảnh khác nhau. Cụ thể như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn có những quy định cách ly, khai báo lưu trú với người nhập cảnh. Những quy định chưa thống nhất sẽ khiến tâm lý du khách e ngại. Do đó, Hiệp hội hàng không Việt Nam cũng đang kiến nghị không hạn chế đối tượng khách và mục đích đi lại của khách quốc tế vào Việt Nam, chỉ yêu cầu khách có visa, hộ chiếu hợp lệ, đáp ứng đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định của Nhà nước Việt Nam.

Hàng không và du lịch có sự kết nối tương hỗ, do đó những khó khăn của ngành hàng không cũng  gây tác động không nhỏ đến du lịch. Khi quá trình kết nối có quá nhiều rào cản sẽ gây không ít khó khăn và tác động đến thị trường. Mở cửa du lịch và đảm bảo an toàn là điều kiện tiên quyết, nhưng trong bối cảnh thích ứng cần phải có những chính sách linh hoạt, thống nhất và phù hợp.

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12-2021 đạt 17.200 người, tăng 14,2% so với tháng trước, do chương trình thí điểm đón khách quốc tế và các chuyến bay thương mại quốc tế bắt đầu được khôi phục.
Năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 157.300 lượt, giảm gần 96% so với năm 2020, trong đó chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết