04/08/2020 - 09:32

Kết nối “cung - cầu” trợ lực cho hàng Việt 

Sau 3 kỳ tổ chức, mới đây Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) phối hợp với Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam tổ chức phiên chợ “Tuần nông sản an toàn thực phẩm năm 2020” tại Siêu thị Big C Cần Thơ. Phiên chợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước với phương châm vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”; kết nối cung - cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, thủy sản giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp với chuỗi siêu thị GO! và Big C.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm gạo Tứ Minh của Hợp tác xã Nông sản xanh (Cần Thơ). 

Thúc đẩy kết nối

Ông Ðào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, cho biết, phiên chợ “Tuần nông sản an toàn thực phẩm năm 2020” diễn ra tại Big C Cần Thơ nhằm kết nối tiêu thụ nông sản, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông sản an toàn thực phẩm, từ đó, hỗ trợ việc hình thành và phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững. Phiên chợ như một ngày hội thu nhỏ, giúp người dân có cơ hội trải nghiệm chất lượng sản phẩm trong một không gian thân thiện, gần gũi. Về phía các đơn vị sản xuất, sẽ có cơ hội phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và lắng nghe “tiếng nói” thị trường.

Thời gian qua, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố Ðông - Tây Nam Bộ triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng thương mại, tiêu thụ hàng hóa. Theo đó, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã an tâm đầu tư, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi, liên kết hỗ trợ hợp tác xã nuôi trồng, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối. Thông qua liên kết đầu tư, phát triển sản xuất tại các tỉnh, thành phố khu vực này đã giúp cho doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh chủ động hơn trong công tác tạo nguồn nguyên liệu, hàng hóa, kiểm soát chất lượng, ổn định giá cả thị trường, góp phần thúc đẩy, phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Ðông - Tây Nam Bộ. Nhận định hiệu quả từ hoạt động này, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng, từ hoạt động kết nối cung - cầu giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố cho thấy, hàng hóa trao đổi giữa các địa phương tốt hơn, đặc biệt là các đặc sản vùng miền, sản phẩm mới được tiêu thụ tốt và đi xa hơn.

Góp phần vào thành công chung của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh triển khai các nhóm giải pháp như: kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, đưa hàng Việt ra thị trường nước ngoài… Ðặc biệt, trong thời điểm khó khăn do tác động từ tình hình dịch COVID-19, hiệu quả của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng rõ nét. Ðặc biệt, từ phong trào các doanh nghiệp, ngân hàng ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau mang lại hiệu quả tích cực, qua đó đã giúp doanh nghiệp giảm bớt nỗi lo thiếu nguyên, phụ liệu cho sản xuất trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Cùng đó là sự chung sức của các nhà phân phối trong nước giúp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân…

Cần trợ lực

Chị Lê Kiều Phương, Chủ thương hiệu bánh phồng tôm Nacama (tỉnh Cà Mau), cho rằng, để hàng hóa phù hợp với xu thế tiêu dùng mới, hướng đến thị trường xuất khẩu, cơ sở nâng tầm tổ chức sản xuất, ngoài chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm phải đặt lên hàng đầu, chúng tôi còn nghiên cứu để đa dạng mặt hàng, chú trọng bao bì, nhãn mác… Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực, để hàng hóa tiếp cận được thị trường, doanh nghiệp rất cần sự trợ lực của các cấp, ngành, địa phương.

Ðại diện Hợp tác xã Nông sản xanh (TP Cần Thơ) cũng cho rằng, với mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng, chúng tôi không ngừng học hỏi để đổi mới cũng như tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ là một thách thức lớn, quy trình sản xuất khắt khe, chi phí sản xuất cao, nhưng thị trường tiêu thụ khá hẹp. Do đó rất cần sự hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.

Bộ Công Thương cho biết, tới đây sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về các hiệp định thương mại tự do cho doanh nghiệp; tăng cường kết nối giao thương, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh Chương trình doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau… để nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ðể nâng cao hiệu quả Cuộc vận động này, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các hoạt động kích thích tiêu dùng nội địa thông qua Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020”. Chương trình diễn ra trong suốt tháng 7-2020 trên phạm vi toàn quốc. Ðiểm nhấn của chương trình là các doanh nghiệp hoàn toàn cung cấp mức khuyến mãi cho khách hàng lên tới 100% thay vì tối đa 50% theo quy định. Ðồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp phân phối tổ chức các chương trình quảng bá, nhằm xúc tiến nông sản địa phương vào các kênh phân phối. Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Từ những giải pháp tích cực của Bộ Công Thương triển khai thời gian qua đã giúp tỷ lệ hàng hóa Việt trong hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, như: Co.opmart từ 90-93%, Big C trên 90%, Satra 90-95%, VinMart 96%, tại các kênh bán lẻ truyền thống, hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

Theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, nhiều năm nay, Tập đoàn Central Retail nói chung, Big C (thành viên Tập đoàn) nói riêng đã tổ chức nhiều hoạt động, đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Việc phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức các phiên chợ nông sản nhằm đẩy mạnh hơn trong công tác hỗ trợ này. Tại các phiên chợ, khách hàng được tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của từng vùng miền. Ðặc biệt, các hợp tác xã, các hội nông dân tham gia phiên chợ còn có cơ hội được tiếp xúc với hệ thống phân phối của Big C, ngược lại Big C sẽ tìm ra những sản phẩm phù hợp đưa vào kinh doanh trên hệ thống toàn quốc.

“Tập đoàn Central Retail cũng đang tìm kiếm sản phẩm để xuất khẩu cũng như đưa vào kinh doanh tại các cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu. Hiện nay, hàng Việt trong hệ thống siêu thị Big C trên 90%, điều đó chứng minh sản phẩm Việt có chỗ đứng rất ổn định trong khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ tạo cơ hội và hỗ trợ, còn việc quyết định sản phẩm có tồn tại được trên thị trường hay không chính là do người nông dân, nhà sản xuất” - bà Nguyễn Thị Phương, nhấn mạnh.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết