05/02/2012 - 13:15

Judo Cần Thơ sẽ về đâu ?

Các vận động viên đang tích cực tập luyện cho HKPĐ toàn quốc sắp tới.

Cần Thơ từng là một trong những trung tâm mạnh nhất nước về Judo. Nhưng nhiều năm qua Judo Cần Thơ lại “mất hút” trên các sàn đấu đỉnh cao. Nguyên nhân nào đã khiến phong trào đi xuống và làm thế nào để vực dậy một thế mạnh của thể thao thành phố trong thời gian tới?

Phong trào judo được khai sinh từ rất sớm tại Cần Thơ do một giáo sư người Việt tên là Phạm Đăng Cao - mang huyền đai đệ nhị đẳng - mở lớp tập đầu tiên khi ông được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng ở đây. Giáo sư Phạm Đăng Cao đã đào tạo nhiều môn đồ truyền bá judo khắp miền Nam, trong đó có hai võ sư mà tên tuổi của họ gần như gắn liền với judo Cần Thơ, đó là giáo sư Nguyễn Văn Chơi (đã mất) và sư đệ Ung Phụng Võ. Võ đường Cần Thơ 1 và Cần Thơ 2 do hai võ sư này thành lập vào năm 1986 đã góp công rất lớn vào sự phát triển của phong trào judo Cần Thơ thời gian sau này. Mốc son đáng nhớ nhất là sự kiện Sở TDTT Cần Thơ đăng cai tổ chức giải judo toàn quốc vào năm 1993 và đoàn judo Cần Thơ vượt qua hàng loạt đối thủ để đứng vào tốp ba đội mạnh nhất nước. Lực lượng trọng tài judo của Cần Thơ khi đó chỉ xếp sau TP HCM, trong khi Hà Nội còn chưa có.

Tuy nhiên, từ khoảng năm 2002, judo Cần Thơ bắt đầu “tụt dốc”. Nhiều HLV giỏi của judo lần lượt ra đi tìm đơn vị mới vì cuộc sống và nhiều lý do khác. Lực lượng vận động viên theo tập judo cũng sa sút dần. Năm 1996, võ đường của võ sư Ung Phụng Võ đóng cửa do cơ sở vật chất xuống cấp. Đến năm 2009, làng võ thuật Việt Nam lại mất đi một trong những “cây đại thụ”, khi giáo sư Nguyễn Văn Chơi qua đời ở tuổi 75. Hiện Cần Thơ còn khoảng 7 CLB judo, nhưng chỉ duy nhất CLB Lê Bình ở quận Cái Răng là hoạt động mạnh.

Phong trào judo đi xuống đã ảnh hưởng đến thành tích thi đấu đỉnh cao của Cần Thơ. Các vận động viên judo đất Tây Đô chẳng những không vươn nổi ra các giải thế giới, mà số lượng huy chương vàng ở các giải trong nước cũng giảm dần. Thậm chí, trong 3 năm trở lại đây, Cần Thơ không đoạt được huy chương vàng nào tại các giải vô địch judo quốc gia. Judo Cần Thơ từ “cánh chim đầu đàn” khu vực ĐBSCL giờ lại xếp sau Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng và Trà Vinh, theo kết quả tại Đại hội TDTT ĐBSCL năm 2011. Nhìn judo Cần Thơ tụt dốc, Võ sư Ung Phụng Võ không giấu được nỗi buồn: “Nhiều đêm trằn trọc nghĩ về judo Cần Thơ, thấy phong trào đi xuống mà không biết phải làm sao. Bây giờ chỉ chờ lớp trẻ, những người có tâm huyết làm lại cho đàng hoàng”.

Vì sao judo Cần Thơ sa sút thê thảm như vậy? Võ sư huyền đai lục đẳng Đặng Tấn Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ, thừa nhận một số HLV các tuyến thiếu đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau, khiến lực lượng HLV nòng cốt dần bị giảm sút và thay đổi HLV liên tục. Việc tuyển chọn vận động viên của Cần Thơ trong một thời gian dài cũng không bằng các tỉnh. Được biết nhiều địa phương khác, HLV tới tận gia đình để thuyết phục cho con em họ theo tập judo nếu phát hiện em đó có năng khiếu. Còn ở Cần Thơ, nhiều vận động viên có tố chất được tuyển rồi mà cũng không giữ được. Điển hình nhất là trường hợp của nữ võ sĩ Kiều My, võ sinh có những phẩm chất như Văn Ngọc Tú (4 lần liên tiếp vô địch SEA Games từ năm 2003 đến 2009), đã chuyển sang thi đấu cho Gia Lai.

Để xây một ngôi nhà phải bắt đầu từ nền móng. Để có lực lượng vận động viên đủ tầm phải có một phong trào rộng rãi, từ đó tạo điều kiện tuyển chọn. Thế nhưng ở Cần Thơ judo phong trào gặp vô vàn khó khăn. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Tổng thư ký Hội judo Cần Thơ, cho biết đề án đưa judo vào trường học gặp trở ngại vì nhiều nguyên nhân. Nhưng trước hết, quan trọng nhất là các trường không thể trang bị thảm tập trị giá vài trăm triệu đồng. Nếu dùng trấu rồi căng tấm bạt để tập “dã chiến” như trước đây thì cũng cần phải có phòng dành riêng, mà điều này dường như nằm ngoài khả năng của trường học. Hiện nay phòng tập Judo chỉ có ở Trung tâm TDTT và trường trung học năng khiếu TDTT phụ trách.

Để vực dậy judo cần có một quá trình. Thấy được điều đó, những người có tâm huyết đang từng bước gây dựng lại. Theo ông Đặng Tấn Hùng: Trong quý 1/2012, ngành thể thao sẽ hoàn tất chiến lược phát triển judo để trình lên UBND thành phố. Chiến lược này là cơ sở để gầy dựng lại phong trào judo nói riêng và các môn võ nói chung. Một khi có đề án thì việc đầu tư sẽ có hiệu quả hơn, không như trước đây chỉ nói miệng mà không có kế hoạch cụ thể.

Ông Đặng Tấn Hùng nói rằng số vận động viên trẻ được tuyển chọn tham gia Hội khỏe Phù Đổng lần thứ 8 sắp diễn ra tại Cần Thơ, sẽ là lực lượng nòng cốt để thúc đẩy phong trào judo. Hiện nay một số HLV trẻ rất tâm huyết như Duy Khánh (HCĐ giải trẻ châu Á), Phương Anh (HCĐ toàn quốc) đang quyết tâm đưa judo Cần Thơ trở lại thời hoàng kim dù có phải làm lại từ đầu.

Ông Nguyễn Hồng Phúc cho biết Hội Judo Cần Thơ đang cố gắng hỗ trợ tối đa và có kế hoạch gởi bất kỳ vận động viên nào của đội tuyển chịu theo đuổi sự nghiệp judo về trung tâm huấn luyện quốc gia Cần Thơ hoặc TP HCM, nhằm nâng cao thành tích đỉnh cao. Một khi có lực lượng, Hội sẽ cố gắng duy trì để nâng phong trào đi lên bằng cách thường xuyên tổ chức những giải đấu để khơi dậy sức sống cho Judo Cần Thơ.

Bài, ảnh: N. MINH

Chia sẻ bài viết