19/02/2008 - 10:10

Xây dựng cơ bản:

Ì ạch tới bao giờ?

Nhiều công trình xây dựng cơ bản (XDCB) trọng điểm ở TP Cần Thơ bị chậm tiến độ trong năm 2007 được nhận định là do giá vật liệu xây dựng tăng giá đột biến. Cuối tháng 1-2008, Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn do vật liệu xây dựng tăng giá đối với các công trình xây dựng. Liệu tiến độ XDCB có sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở địa bàn TP Cần Thơ trong năm 2008 sẽ được cải thiện?

GIÁ LÊN, NHÀ THẦU NGÁN DỘI!

Công trình trụ sở UBND huyện Vĩnh Thạnh đang phải thi công cầm chừng. Ảnh: TRUNG DÂN

Hơn 4 năm qua, Huyện ủy và UBND huyện Vĩnh Thạnh phải làm việc trong khu nhà tiền chế tạm bợ. Tiến độ xây dựng trụ sở của huyện này vẫn đang ì ạch. Công trình xây dựng trụ sở Huyện ủy Vĩnh Thạnh có tổng mức đầu tư được duyệt là 18 tỉ đồng; trong đó gói thầu xây lắp được phê duyệt vào tháng 7-2006 trị giá hơn 12,3 tỉ đồng; giá thép trúng thầu là 8.777 đồng/kg. Tuy nhiên, công trình gặp sự cố trong khâu khảo sát thiết kế, nên phải điều chỉnh chiều dài cọc móng từ 11,7 m lên 19,7 m. Đến cuối tháng 1-2008, giá các loại sắt thép đã lên trên 16.000 đồng/kg nhưng công trình trên mới thực hiện được khối lượng khoảng 3 tỉ đồng. Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, nếu công trình được điều chỉnh giá vật tư theo giá thị trường, thì tổng mức đầu tư tăng lên khoảng 4,2 tỉ đồng. Do đó, nhà thầu đang thi công cầm chừng, chờ chủ trương điều chỉnh đơn giá vật liệu xây dựng và tổng mức đầu tư.

Tương tự, công trình xây dựng trụ sở UBND huyện Vĩnh Thạnh có tổng mức đầu tư 17,36 tỉ đồng cũng gặp khó khăn vì phải điều chỉnh chiều dài cọc móng từ 11,7 m lên 19,7 m; giá thép trúng thầu là 7.450 đồng/kg (7-2006) nhưng đến nay đã tăng hơn 16.000 đồng/kg. Do vậy, tổng mức đầu tư của công trình này sẽ tăng thêm hơn 5 tỉ đồng. Còn công trình xây dựng tuyến đường T7 (từ xã Thạnh Mỹ đến xã Thạnh Lộc của huyện Vĩnh Thạnh) có tổng mức đầu tư được duyệt 40,8 tỉ đồng, nhưng cũng do giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, nên tổng mức đầu tư của công trình này có khả năng tăng thêm 4,8 tỉ đồng.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Nhiều công trình XDCB ở địa phương này đang được thi công cầm chừng nên khả năng kéo dài thời gian hoàn thành là khó tránh khỏi. Huyện Vĩnh Thạnh đã kiến nghị UBND thành phố xem xét cho phép điều chỉnh giá vật tư theo thời điểm thi công hoặc hủy hợp đồng để điều chỉnh đơn giá vật tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư và tổ chức đấu thầu lại.

Thêm một hiện tượng đáng lưu ý trong XDCB ở TP Cần Thơ trong năm 2007 là một số gói thầu xây lắp phải tổ chức đấu thầu nhiều lần, nhưng vẫn không tìm được nhà thầu. Cụ thể như các gói thầu số 6A-xây dựng cầu Kênh Thủy thuộc dự án Quốc lộ 91B; gói thầu số 3 - xây dựng cầu Rau Răm thuộc dự án đường Nguyễn Văn Cừ nối dài; gói thầu số 1 thuộc dự án xây dựng Bờ kè Xóm Chài ... đã nhiều lần mở thầu, song khó chọn được nhà thầu. Ông Nguyễn Chí Linh, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng TP Cần Thơ, cho rằng công tác đấu thầu trong XDCB đang gặp nhiều khó khăn do giá các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm hầu như đã trúng thầu và đang triển khai thi công nhiều gói thầu, nên không tích cực tham dự thầu đối với các gói thầu mới.

NHIỀU VƯỚNG MẮC CHƯA THÁO GỠ ĐƯỢC

Theo các qui định hiện hành, các công trình XDCB được thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói thì không được điều chỉnh trượt giá vật liệu xây dựng và không được điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án. Do đó, nhiều nhà thầu đang trông chờ chủ trương mới, nên không tích cực thi công trong năm 2007 vì giá các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Việc điều chỉnh đơn giá vật tư và tổng mức đầu tư của các dự án ngoài thẩm quyền của UBND thành phố. Những tháng cuối năm 2007 lãnh đạo thành phố cùng các cơ quan hữu quan đã hai lần trực tiếp làm việc và kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành sớm xem xét cho phép các địa phương được điều chỉnh tổng mức đầu tư và đơn giá vật tư theo giá thị trường tại thời điểm thi công.

Ngày 29-1-2008, Chính phủ đã ban hành Công văn số 164/TTg-CN về việc điều chỉnh giá và hợp đồng trọn gói. Theo công văn nói trên, Chính phủ cho phép điều chỉnh giá đối với nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng tăng giá đột biến trong thời gian vừa qua. Mặt khác, Chính phủ cũng cho phép điều chỉnh hình thức hợp đồng đối với gói thầu xây lắp lỡ áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói thành hợp đồng có điều chỉnh giá. Người quyết định đầu tư xem xét điều chỉnh hình thức hợp đồng trọn gói sang hình thức hợp đồng theo đơn giá, song phải xác định rõ nội dung, phạm vi điều chỉnh và chỉ được tính từ thời điểm có biến động giá. Ngoài ra, Chính phủ còn giao nhiệm vụ cho các Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát và hướng dẫn việc điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, tổng mức đầu tư của dự án...; xác định mức vốn và nguồn vốn để bố trí cho các công trình, dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Như vậy, Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực XDCB. Vấn đề hiện nay là động thái triển khai thực hiện của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các chủ đầu tư sẽ quyết định đến tiến độ thực hiện các công trình XDCB có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Năm 2007, TP Cần Thơ đã phân bổ 260 tỉ đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết cho các công trình XDCB thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, phát thanh truyền hình và thể dục- thể thao. Dù các công trình trên không gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, nhưng đến ngày 11-1-2008 mới thực hiện được khối lượng khoảng 227 tỉ đồng, chỉ đạt 87,3% so với nguồn vốn được phân bổ. Cùng thời gian này, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng TP Cần Thơ chỉ sử dụng 141,5 tỉ đồng trong tổng vốn được phân bổ là 334 tỉ đồng cho các công trình XDCB do đơn vị này làm chủ đầu tư.

Khi những khó khăn chung trong lĩnh vực XDCB của cả nước đã có hướng tháo gỡ, thì các công trình, dự án XDCB có sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, nổi bật là nhiều công trình trọng điểm của Trung ương và của địa phương như tuyến đường Nam sông Hậu, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc, Trung tâm hành chính huyện Vĩnh Thạnh, Bờ kè Xóm Chài... triển khai thu hồi đất dân để thực hiện dự án trước khi xây dựng các khu tái định cư. Do đó, người dân không có nơi di dời để giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Riêng các hộ phải ở nhà tạm cư để chờ nhận nền tái định cư thì phải “móc thêm tiền túi” để thuê nhà, vì chính sách thuê nhà tạm cư đang áp dụng không còn phù hợp với mặt bằng giá cả hiện nay. Chẳng hạn, những hộ có từ 7 nhân khẩu đến 8 nhân khẩu thì phải thuê nhà tạm cư đến 1,5 triệu đồng/tháng, trong khi mức hỗ trợ chỉ có 700.000 đồng /tháng. Đối với các dự án xây dựng đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc; tuyến giao thông Bốn Tổng-Một Ngàn; xây dựng các cầu trên tỉnh lộ 923 (Cái Răng - Phong Điền) thì chủ đầu tư không bàn giao mặt bằng kịp thời cho nhà thầu. Do đó, khi nhà thầu không đảm bảo tiến độ thi công thì chủ đầu tư không thể xử lý nhà thầu theo hợp đồng...

•NHẬT CHÁNH

•NHẬT CHÁNH

Chia sẻ bài viết