 |
Sau gần 3 năm đưa vào sử dụng, cống KH8 vẫn chưa một lần đóng cửa để ngăn lũ, vì mực nước lũ không ảnh hưởng đến người dân. |
Dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ bằng nguồn vốn vay ưu đãi. Dự án được khởi công từ năm 2004, dự kiến hoàn thành cuối năm 2007. Đến nay, thời hạn thi công đã hết nhưng công trình vẫn chưa hoàn thành, gây nhiều khó khăn cho người dân trong lưu thông, sản xuất. Cuối tháng 12-2007, WB cũng đã chính thức thông báo ngưng cấp phát vốn tài trợ cho dự án, trong khi đó chủ đầu tư vẫn chưa có nguồn vốn mới để tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án. Trước những bức xúc của người dân, trung tuần tháng 2 vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP Cần Thơ đã thực hiện cuộc giám sát tiến độ thực hiện dự án này.
Giao thông trắc trở, thủy lợi khó khăn
Trên tuyến Tắc Ông Thục, thuộc địa bàn quận Ô Môn dài gần 8,5 km, nhiều người dân tỏ ra bức xúc với tiến độ thực hiện dự án. Anh Trần Văn Dũng ở khu vực Trường Hưng, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, nói: “Nhờ Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đê bao, kèm theo đường giao thông rộng 3,5 m nên việc đi lại của người dân được thuận lợi hơn trước. Tuy nhiên, do tuyến đường chưa hoàn chỉnh nên niềm vui của người dân chưa trọn vẹn”. Qua giám sát cho thấy, trên tuyến đường này còn rất nhiều kinh, mương dự kiến xây dựng cống, nhưng chưa được xây dựng. Rất nhiều cầu trong số các nơi dự kiến đặt cống đã xuống cấp nghiêm trọng, việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn.
Anh Trần Văn Dũng cho biết thêm, người dân muốn đầu tư sửa chữa cầu, nhưng không biết bao giờ chủ đầu tư và đơn vị thi công xây dựng cống, nên sợ lãng phí. Nguy hiểm hơn, tại các nơi dự kiến xây dựng, độ chênh lệch giữa đường cũ và đường mới cao hơn 50-70 cm, rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Nhiều người dân cho biết, trước đây có đề nghị đơn vị thi công đổ cát hoặc đất làm giảm độ dốc để dễ đi lại, nhưng không được thực hiện. Theo bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, trên tuyến đê Tắc Ông Thục dự án sẽ xây dựng 8 cống đường kính 100cm và 7 cống hở rộng từ 3 đến 10m. Tuy nhiên, kể từ năm 2002 đến nay dự án mới xây dựng được 1 cống đường kính 100 cm và 4 cống hở.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở huyện Phong Điền. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện này còn tới 22 cống chưa được triển khi thi công. Mỗi nơi dự kiến đặt cống là tại đó có một đoạn đường giao thông bị tắc nghẽn. Ông Đoàn Bút Mực, Chủ tịch UBND xã Tân Thới, nói: “Xã đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công triển khai nhanh 11 cống còn lại trên địa bàn. Nhưng tiến độ triển khai dự án rất chậm, chưa phát huy được những lợi ích mà dự án đem lại”. Nhiều người dân cho biết, vào mùa nắng việc đi lại qua các dốc cầu hiện tại tuy có khó khăn nhưng không “đau khổ” bằng mùa mưa. Ông Đoàn Văn Tùng ở ấp Trường Long B, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết: “Khi trời mưa đường trơn, trong khi các dốc quá cao nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Tại dốc cầu Mương Bố này tôi đã chứng kiến nhiều người bị té, bị thương tích”. Tại các nơi được quy hoạch thực hiện các cống lớn, nhưng chậm thực hiện cũng gây nhiều khó khăn cho người dân. Cũng theo lời ông Đoàn Văn Tùng: “Cách đây khoảng 4- 5 năm, phần đường phía trước nhà đã được thi công nhưng phần cống thì mới chỉ được đo đạc. Do đây là cái cống lớn, có cửa cống khoảng 10 m, khi thi công sẽ gây chấn động lớn nên gia đình tôi chưa dám xây dựng nhà, dù căn nhà đã xuống cấp khá nghiêm trọng. Tôi đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công nhanh chóng triển khai thi công để tôi yên tâm cất nhà; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khu vực lưu thông dễ dàng hơn”.
 |
Độ dốc tại những nơi dự kiến xây dựng cống và phần đường đã xây dựng rất cao nên nhiều người phải xuống xe dắt bộ để đảm bảo an toàn. |
Tuy nhiên, điều bà con nông dân lo lắng nhất là tình trạng bồi lắng của hệ thống kinh rạch trong vùng dự án. Đi dọc theo các tuyến đê bao trong dự án Ô Môn - Xà No đến đâu cũng nghe bà con và chính quyền địa phương bức xúc, phản ánh về tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất. Ông Nguyễn Văn Tiếp, Phó Trưởng khu vực Trường Hưng, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, cho biết: “Nhiều tuyến kinh trước đây rộng 20-30 chục thước, nay bị đắp đập, chặn dòng làm cống còn lại chừng 3-5m nên lượng nước ra vào rất hạn chế. Không biết có phải do lắp đặt cống hay không mà các kinh dẫn nước ở khu vực chúng tôi bị bồi lắng nhanh chóng. Hiện nay, nhiều tuyến kinh đã bị khô cạn, người dân không có nước sản xuất”. Do thiếu nước, nên bà con đã “xin” đơn vị thi công cho lắp đặt các ống cống nhỏ dưới chân đê để dẫn nước vào tưới tiêu.
Theo UBND quận Ô Môn, trên tuyến Tắc Ông Thục có 50 cống loại nhỏ từ đường kính 20-30 cm được lắp đặt. Những cống nhỏ mà người dân “xin” lắp đặt không có trong thiết kế và không đảm bảo kỹ thuật nên rất dễ phá chân đê, gây xoáy lở. Ông Lương Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận Ô Môn, cho biết thêm: “Do đường vô kinh bị “bóp” lại để làm cống, nên các loại ghe lớn không vào được để mua nông sản của người dân, giá cả bán ra của những người dân phía bên trong các kinh thường rẻ hơn rất nhiều so với người dân ngoài vùng dự án”.
Ở huyện Phong Điền, tình trạng các dòng kinh bị bồi lắng còn nghiêm trọng hơn. Ông Lê Văn Thôi, Trưởng ấp Trường Đông A, xã Tân Thới, nói: “Trong khi nhiều tuyến kinh lớn đã bị “bóp” dòng, các kinh thủy lợi cấp 2, kinh thủy lợi nội đồng không được đầu tư nạo vét nên nhiều nơi bà con thiếu nước sản xuất, tưới tiêu vào mùa khô”. Đối với địa bàn nằm xa các tuyến sông, kinh lớn như xã Trường Long thì tình trạng thiếu nước sản xuất còn nghiêm trọng hơn. Ông Lê Văn Tổng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Toàn bộ 3.000 ha diện tích tự nhiên của xã đều nằm sâu phía trong tuyến đê bao. Do các cửa kinh rạch đều bị chặn dòng làm cống nên lượng nước vào rất hạn chế. Hiện nay, các tuyến kinh chính của xã như Trà Ếch, Ông Hào,... chỉ cần xắn quần là lội qua không ướt. Trong khi đó các kinh thủy lợi cấp 2, kinh sườn không được đầu tư nên việc sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn”.
Bà Vương Thị Lập, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, cho biết: “Những bức xúc của bà con về việc các kinh thủy lợi bị bồi lắng đã được chúng tôi nhận ra ngay từ khi bắt tay vào thực hiện dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No. Ngay từ năm 2005, Chi cục Thủy lợi đã đề xuất với lãnh đạo ngành Nông nghiệp trình và được UBND TP phê duyệt đề án nạo vét 34 kinh thủy lợi trong vùng thực hiện dự án với kinh phí đầu tư khoảng 13 tỉ đồng. Tuy nhiên, do không được bố trí vốn nên đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện”.
Bao giờ hoàn thành?
Dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No, thuộc dự án thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Cơ quan được Bộ NN&PTNT ủy quyền quản lý điều hành dự án là Ban quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 10. Dự án có tổng mức đầu tư 598 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay của WB (433 tỉ đồng), vốn đối ứng Trung ương 150 tỉ đồng và vốn vận động nhân dân là 15,5 tỉ đồng để xây dựng hợp phần nước sạch. Toàn bộ dự án bao gồm 3 tuyến đê bao chính (tuyến Tắc Ông Thục, tuyến Ô Môn và tuyến Xà No) dài 113 km. Dự kiến sau khi hoàn thành, dự án có nhiệm vụ kiểm soát lũ, bảo vệ sản xuất và cơ sở hạ tầng cho vùng dự án với tổng diện tích tự nhiên 45.300 ha của các tỉnh, thành có dự án đi qua là TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Kiên Giang. Đồng thời, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, xổ phèn, ngăn mặn, lấy phù sa cải tạo đất cho diện tích nông nghiệp 38.800 ha. Ngoài ra, dự án còn hướng tới mục tiêu phát triển giao thông thủy, bộ, tạo nền khu dân cư và cải tạo môi trường sinh thái cho vùng dự án...
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2007. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn còn ngổn ngang, dù đã “đổ” vào gần 400 tỉ đồng để xây dựng các công trình, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Trong những ngày cùng Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ thực hiện giám sát thực tế công trình, chúng tôi còn nhận thấy dự án đã bộc lộ một số vấn đề bất cập khác. Tại cống Trà Keo ở khu vực Bình Lợi, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, cửa xả của cống này liên tục bị đóng. Nhiều người cố gắng mở cống để ghe xuồng lưu thông nhưng không được. Người dân ở đây cho biết cống này được khánh thành từ năm 2005, nhưng đã nhiều lần bị “trục trặc kỹ thuật”, đóng không được mà mở cũng không xong vì lòng cống bị bùn đất bồi lắng. Còn tại cống KH9 trên địa bàn xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền đã có ít nhất 2 tai nạn làm chìm một vỏ lãi và một chiếc ghe. Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UNBD xã Nhơn Ái, cho biết: “Nguyên nhân gây tai nạn là tại cống hở này chưa có biện pháp bảo vệ an toàn cho các phương tiện lưu thông”.
Theo BQLDA, để hoàn thành hệ thống đê bao Tắc Ông Thục, đê bao Ô Môn và xây dựng các kinh thủy lợi cấp 2, dự án cần có thêm khoảng 152 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần gia hạn nhưng tiến độ thực hiện chậm, cuối tháng 12-2007 vừa qua phần vốn vay của WB để thực hiện dự án đã bị WB “khóa sổ” nên dự án bị đình trệ. Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó BQLDA thủy lợi 10, Trưởng BQLDA thủy lợi Ô Môn - Xà No, cho biết: “BQLDA đã đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục bố trí vốn ngân sách để thực hiện dự án. Nhưng hiện nay chưa có phản hồi từ phía Bộ chủ quản”.
Những bất cập của dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No còn nhiều, nhưng theo ông Lê Văn Tâm, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ, đợt giám sát này, Đoàn ĐBQH đơn vị TP Cần Thơ chỉ thực hiện giám sát về tiến độ dự án; đồng thời, lắng nghe nguyện vọng của bà con cử tri. Ông Lê Văn Tâm cho biết: “Sau đợt giám sát, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ chủ quản có hướng bố trí vốn để tiếp tục thực hiện dự án, để dự án phát huy tác dụng và giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân”.
Hy vọng chủ đầu tư sớm tìm nguồn vốn bố trí để dự án được tiếp tục thực hiện hoàn thành và phát huy tác dụng, giải quyết những bức xúc của người dân, tránh nguy cơ lãng phí công trình. Tuy nhiên, trước mắt cơ quan chức năng cần có hướng nạo vét 34 kinh thủy lợi trong vùng để cung cấp nước tưới tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất của bà con nông dân trong vùng dự án Ô Môn - Xà No. Chứ như hiện nay, hàng ngàn hộ dân trong vùng dự án vẫn phải chịu thiệt thòi!
Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG