25/03/2011 - 20:41

Ì ạch giải ngân vốn FDI & ODA

Công ty TNHH KwongLung Meko là doanh nghiệp FDI nhận bằng khen của UBND TP Cần Thơ về thành tích xuất khẩu năm 2010.
Ảnh: THU HÀ

Công tác giải phóng mặt bằng còn khó khăn, thiếu đất sạch giao cho nhà đầu tư, hạ tầng giao thông yếu kém; hạn chế trong năng lực quản lý dự án... là những rào cản trong thu hút đầu tư của thành phố Cần Thơ. Những bất cập này, sẽ trở thành những nguy cơ cho sự phát triển của thành phố.

* Nhiều lực cản

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, đến đầu tháng 3-2011 thành phố có 51 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 786,2 triệu USD. Đến nay, 44 dự án (vốn đăng ký hơn 227,8 triệu USD) đang hoạt động và đã giải ngân gần 187 triệu USD, đạt gần 82% vốn đăng ký. Còn lại 6 dự án đã ngưng hoạt động và đang làm thủ tục giải thể, một dự án đang trình Thủ tướng xem xét gia hạn thời gian triển khai, với tổng vốn đăng ký trên 558 triệu USD (vốn thực hiện mới chỉ đạt 0,48% tổng vốn đăng ký). Nếu tính trên tổng thể vốn đăng ký thì vốn thực hiện đến nay chỉ chiếm 24% vốn đăng ký. Trong khi đó, Cần Thơ là địa phương đầu tiên cả nước thu hút FDI khi Luật đầu tư nước ngoài có hiệu lực vào năm 1987.

Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (KCX&CN) thành lập đã tròn 15 năm, nhưng chỉ thu hút 18 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 133,3 triệu USD. Ông Huỳnh Việt Dũng, Phó Ban quản lý Các KCX&CN Cần Thơ, cho biết: “Đến nay, 18 dự án FDI trong KCN đã giải ngân 100% vốn. Năm 2010, KCN không thu hút thêm dự án mới. Các nhà đầu tư đến tìm hiểu đều băn khoăn về giá thuê đất và so sánh với các địa phương lân cận. Năm qua, Ban quản lý tiếp trên 20 đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc, nhưng tất cả đều không quay trở lại”. Theo ông Dũng, vấn đề “đất sạch” giao cho nhà đầu tư là cực khó. Hiện KCN Trà Nóc chỉ còn 9ha đất sạch, các KCN khác thì chưa có. Trong khi giá cho thuê cao, 1m2 đất công nghiệp trong KCN Trà Nóc dao động 60-80USD/dòng đời dự án (40 năm), KCN Hưng Phú 80-120 USD/m2/dòng đời dự án (50 năm). Còn KCN tỉnh Vĩnh Long, giá thuê đất chỉ 0,2-0,3USD/m2/năm (Cần Thơ phải từ 1,5-2,4USD/m2/năm). Giá đất cao, công tác giải phóng mặt bằng chậm, nên cũng khó thu hút dự án FDI.

Bên cạnh đó, thành phố có 5 dự án ODA (vốn viện trợ chính thức); trong đó, 4 dự án đã triển khai và 1 dự án đang được cấp vốn. Theo đánh giá chung, việc sử dụng vốn ODA trên địa bàn thời gian qua đảm bảo được các tiêu chí, quy định của nhà tài trợ. Trong số này, dự án Hỗ trợ y tế ĐBSCL - hợp phần TP Cần Thơ được đánh giá cao, triển khai từ tháng 5-2010, nhưng đến cuối năm 2010, tỷ lệ giải ngân trên 77%, tương đương gần 59 tỉ đồng; còn vốn của năm 2011 đang chờ duyệt, dự án vẫn tiếp tục giải ngân được thêm 82 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm 2011. Tổng vốn được duyệt là 1,8 triệu USD và được điều chỉnh lên 5,1 triệu USD từ các tỉnh khác. Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - tiểu dự án TP Cần Thơ theo kế hoạch, khoảng tháng 7-2011, Ngân hàng Thế giới (WB) và chủ đầu tư sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi để ký kết Hiệp định tín dụng vay vốn WB. Dù vậy, năm 2010, chủ dự án đã thực hiện giải ngân 100% kế hoạch ghi vốn trong năm.

Tuy nhiên, một số dự án ODA còn khó khăn, có trường hợp chủ dự án chậm trong việc thích ứng với việc quản lý dự án dẫn đến công trình thực hiện ì ạch... Như Dự án Thoát nước và xử lý nước thải Cần Thơ (vốn được ký theo hiệp định trên 18,7 triệu euro) do Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ làm chủ đầu tư, vốn được bố trí trong năm 2010 là 65 tỉ đồng, nhưng thực tế chỉ giải ngân 34%- khoảng 22 tỉ đồng; Dự án đường Thới Thuận - Thạnh Lộc (WB5) tổng vốn đầu tư hơn 4,8 triệu USD nhưng đã bị cắt vốn vào quý IV/2010 do chậm triển khai. Chủ dự án là Sở GTVT TP Cần Thơ cho rằng, nguyên nhân chậm là do thay đổi phương pháp lựa chọn nhà thầu trên cơ sở dựa trên năng lực tư vấn (CQS) sang đấu thầu quốc tế (QCBS). Chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm trong việc đấu thầu quốc tế dẫn đến chậm trễ dự án đến nay khoảng 8 tháng, không giải ngân được nên bị cắt vốn.

* Cần đối thoại để hiểu nhau

Hầu hết các chủ dự án ODA đều cho rằng, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ chưa “gặp nhau” nên khi triển khai các dự án luôn bị vướng thủ tục lập hồ sơ mời thầu và đấu thầu. Bên cạnh đó, một số chủ dự án yếu kém về năng lực nên bị hụt hơi trong quản lý. Ông Trần Thanh Cần, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho rằng: “Việc không chế tài được nhà thầu là do chủ quan trong việc soạn thảo hợp đồng và thiếu kiên quyết trong xử lý, giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện”. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn ODA, UBND thành phố yêu cầu xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư Dự án Thoát nước và xử lý nước thải Cần Thơ. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện dự án vì đã trễ 2 năm so dự kiến. Các chủ đầu tư cần chủ động giám sát nhà thầu thi công, tổ chức nhóm giám sát cộng đồng... để ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong xây dựng và chọn lọc nhà thầu có năng lực.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cần phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến hành hậu kiểm các dự án FDI. Đồng thời, tổ chức đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp để tìm hiểu nguyên nhân chậm tiến độ dự án. Còn về giá thuê đất là do thành phố chủ động, vẫn có thể giảm giá thuê đất để khuyến khích đầu tư, nhưng phải chọn lọc dự án. Mới đây, lãnh đạo thành phố đã tiếp và ký biên bản ghi nhớ với đại diện Tập đoàn Ý- Thái (ITD) 4 dự án gồm: Dự án xây dựng khu hành chính TP Cần Thơ theo hình thức đầu tư BT, Dự án nhà ở thu nhập thấp tại khu dân cư Hưng Phú 1, Dự án đường cao tốc Cần Thơ - An Giang, Dự án quốc lộ 91 nối Nam sông Hậu. Hiện nhà đầu tư đang tiến hành các thủ tục cần thiết để triển khai dự án. Do vậy, nếu tăng cường sự đối thoại và thu hút có trọng điểm thì mục tiêu 8 dự án FDI, vốn đăng ký trên 50 triệu USD sẽ khả thi trong năm 2011.

Gia Bảo- Thành Nguyễn

Công ty TNHH KwongLung Meko là doanh nghiệp FDI nhận bằng khen của UBND TP Cần Thơ về thành tích xuất khẩu năm 2010. Ảnh: THU HÀ

Chia sẻ bài viết