01/04/2020 - 21:06

Hy sinh lợi ích riêng vì đại cuộc 

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng;  với tinh thần quyết liệt, chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, ngày 31-3-2020, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19”.

Một trong những nội dung cốt lõi của Chỉ thị số 16/CT-TTg là yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Mọi người dân được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Trước tình hình được dự báo là dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước, theo nhận định của nhiều người, giải pháp cách ly toàn xã hội mà Thủ tướng Chính phủ ban hành là rất cần thiết và kịp thời, đòi hỏi phải được chấp hành nghiêm và triệt để.

Cách ly xã hội trong phòng chống dịch bệnh có thể hiểu là tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn và hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người với người để tránh phát tán virus, hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, virus có thể được phát tán bởi những người chỉ có triệu chứng thứ yếu hoặc thậm chí không hề biết mình mắc bệnh, khiến dịch bệnh dễ dàn lây lan theo cấp số nhân. Thực hiện cách ly toàn xã hội nhằm phá vỡ chuỗi truyền nhiễm virus thông qua từng “mắt xích” là mỗi cá nhân trong xã hội, tạo ra “những khoảng cách xã hội” cần thiết để không chỉ giảm thiểu nguy cơ lan truyền virus trong xã hội, giúp hệ thống y tế giảm nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải, “vỡ trận”. Trong lịch sử y văn thế giới, phương pháp cách ly toàn xã hội này đã được áp dụng hiệu quả trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và tại thành phố Mexico trong đại dịch cúm năm 2009, giúp hàng ngàn người thoát khỏi “tử thần”.

Cách ly toàn xã hội vì dịch bệnh được xem là một trạng thái xã hội chưa từng có ở nước ta trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng đã đến lúc, khi mà dịch bệnh COVID-19 trở thành một loại giặc không rõ hình dong vô cùng nguy hiểm, một đại dịch xuyên biên giới thì việc nên thường xuyên ở nhà; giữ khoảng cách với nhau khoảng 1-2m ở nơi công cộng; đeo khẩu trang khi buộc phải ra được để mua thực phẩm, mua thuốc men, đi làm, tập thể dục,… là điều mà mọi công dân phải tuân thủ và chấp hành theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những thông điệp được nhiều bác sĩ trên thế giới kêu gọi, đã và đang lan tỏa khắp thế giới trong những ngày gần đây về yêu cầu cách ly xã hội là “We stay at work for you. Please stay at home for us” - tạm dịch là: “Chúng tôi đi làm vì bạn. Xin hãy ở nhà vì chúng tôi”. Ở Việt Nam, “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần!” cũng là một thông điệp đã và đang được nhiều người hưởng ứng và thực thi. Giờ đây, trong thời điểm vô cùng quan trọng này, một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó có biện pháp cách ly toàn xã hội, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của nhiều tổ chức, cá nhân, cũng như cuộc sống hằng ngày của mỗi người, mỗi gia đình. Việc cách ly toàn xã hội sẽ tạo ra khó khăn với một số người, nhưng hãy tự nhủ rằng đây là giải pháp tối cần thiết đối với sức khỏe cộng đồng, với an ninh quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, “Mỗi người dân là một chiến sĩ”, đòi hỏi mỗi chiến sĩ trong trận chiến chống giặc COVID -19 phải chấp nhận hy sinh một phần lợi ích riêng tư của mình - nên ở nhà để đảm bảo cách ly toàn xã hội. Sự hy sinh đó phải được thực thi trên cơ sở nhận thức đúng tình hình dịch bệnh; nhận thức đúng những quyết tâm, nỗ lực phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và của toàn dân ta, đặc biệt là sự hy sinh của những thầy thuốc, bộ đội, công an, biên phòng, hải quan,…. nơi tuyến dầu ròng rã gần 3 tháng qua. Thấu hiểu để từ đó mỗi người mới có thể tự giác thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phòng chống dịch. Sự hy sinh đó phải được chuyển hóa thành những hành động sáng tạo, vượt khó để góp phần ngăn chặn và vượt qua tình trạng suy thoái kinh tế đại dịch, chẳng hạn như thay vì làm việc, hội họp, học tập, giao tiếp, vui chơi theo phương thức trực tiếp truyền thống, hãy chuyển sang phương thức trực tuyến (online) và những ứng dụng của thời kỳ công nghiệp 4.0.

Và mỗi sự hy sinh đó, gom góp lại sẽ trở thành ý chí, sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam, như Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “…toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

SONG GIA

Chia sẻ bài viết