02/09/2011 - 10:23

Kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2-9

Huyền thoại tuyến đường 1-C

* Ký: QUỐC THÁI

Sự kiện Liên đội 1 Thanh niên xung phong (TNXP) Tây Nam bộ vừa được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào đầu năm nay đã làm nức lòng bao cựu TNXP từng xông pha dưới đạn bom ác liệt trên chiến trường Tây Nam bộ. Ròng rã nhiều năm, hơn 800 chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã anh dũng bám trụ trên tuyến đường 1-C máu lửa (trải dài từ biên giới Campuchia qua rừng tràm Hà Tiên đến Cà Mau) lập nên bao chiến công hiển hách, góp phần vào thắng lợi chung trên chiến trường miền Nam.

Cuộc gặp gỡ với những nhân chứng lịch sử năm xưa giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn giá trị của nền độc lập, tự do mà cha anh đã đổi bằng biết bao xương máu...

Sáng ngời tinh thần xung phong

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Lê Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho đại diện Liên đội 1 TNXP Tây Nam bộ. Ảnh: Q. THÁI 

Hơn 36 năm sau ngày đất nước thống nhất, những TNXP trên tuyến đường 1- C năm xưa tóc đều đã điểm bạc, nhưng những hồi ức về đồng chí, đồng đội cùng sát cánh trong chiến đấu vẫn sống động như mới hôm qua. Chú Tô Minh Thi, nguyên Liên đội phó Liên đội 1 TNXP Tây Nam bộ, bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, dù chiến trường rất ác liệt, nhưng hơn 800 TNXP trong đó 2/3 là nữ, tuổi đời từ 15 đến 20 vẫn kiên cường bám trụ, vận chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí phục vụ chiến trường, hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men; đưa rước hơn 2 vạn lượt cán bộ, bộ đội, thương binh ngược xuôi từ Trung ương về các tỉnh Tây Nam bộ. Trên tuyến đường 1-C, nơi nào cũng ghi dấu chiến công và bao xương máu của đồng đội...”.

Suốt 8 năm hoạt động trên tuyến đường máu lửa, 399 TNXP Liên đội 1 đã anh dũng hy sinh, nhiều người mang trên mình thương tật, di chứng sau chiến tranh. Chú Tô Minh Thi không nén được xúc động khi kể về người con gái anh hùng Nguyễn Ngọc Đẹp (Đại đội Nguyễn Việt Khái III). Trong nhiều trận đối đầu ác liệt với địch, chị Ngọc Đẹp cùng đồng đội đã dũng cảm dẫn dụ địch ra phía ngoài căn cứ để bảo vệ hàng hóa vận chuyển và bảo đảm an toàn cho lực lượng. Điển hình như trong một buổi sáng tháng 6-1969, khi lực lượng của ta tập trung ở khu căn cứ Ngã ba Đầu Trâu (Hà Tiên) rất đông, cùng với nhiều thương binh, kho gạo, vũ khí, thì máy bay thám thính của địch bất ngờ phóng pháo màu xuống đội hình để chỉ điểm cho phi đội trực thăng của chúng đến trút bom. Mỗi khi trái pháo màu của địch rơi xuống, xì tia khói đỏ, chị Ngọc Đẹp nhanh như chớp xông ra dùng khăn trùm trái pháo đem nhấn xuống nước, để địch không phát hiện được vị trí của ta. Trong chuyến công tác ngang qua Ngã ba Đầu Trâu, chị Đẹp bị giặc phục kích và anh dũng hy sinh.

“Tuổi 15, 16, các chị sợ vắt, đỉa... nhưng thật lạ khi đứng trước kẻ thù, các chị không hề nao núng” - cô Lâm Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP Cần Thơ, cựu TNXP Đại đội Nguyễn Việt Khái II, kể. Lần giở từng trang nhật ký, cô Tâm bồi hồi nhớ về kỷ niệm của một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết. Cô vẫn còn nhớ như in tấm gương hy sinh anh dũng của chị Võ Thị Hồng Láng, quê ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), Đại đội Nguyễn Việt Khái II. Trong một lần chuyển hàng chiến lược từ Campuchia về miền Tây, khi băng qua kinh Vĩnh Tế, bị địch phục kích, Hồng Láng trúng đạn và bị giặc bắt. Chúng tra tấn chị rất dã man hòng ép chị khai ra nơi ở, kho chứa vũ khí đạn dược của ta. Chị Hồng Láng không hé răng, không cho địch băng bó vết thương, dũng cảm lao đầu vào tường hy sinh.

Nhiều câu chuyện của các nhân chứng lịch sử từng tham gia phục vụ, chiến đấu trên tuyến đường 1-C đã được hai tác giả Nguyễn Bá và Lê Thị Hiếu Dân tập hợp, ghi chép lại khá sống động trong quyển sách “1-C con đường huyền thoại”. Tiêu biểu như tấm gương quên mình cứu thương binh của liệt sĩ Nguyễn Văn Thình, Đại đội Nguyễn Việt Khái II. Trong một trận đụng độ ác liệt với địch vào năm 1969, nhiều đồng chí bị thương, anh Thình được giao nhiệm vụ bảo vệ thương binh và đưa về tuyến sau. Trên đường tải thương, địch phát hiện, dội pháo vào đội hình của ta, nhiều TNXP hy sinh. Thình kiên quyết bảo vệ thương binh đến cùng. Xuồng chuyển thương binh bị bể, anh kéo lên gò cho thương binh nằm không ướt. Qua mỗi trận pháo, anh nhanh chóng ngụy trang lại chỗ che giấu thương binh. Thấy địch nả pháo vào nơi giấu thương binh, anh Thình đã lao đến dùng thân mình nằm chồng lên che đạn cho đồng đội và anh dũng hy sinh.

Trong suốt 8 năm bám trụ trên tuyến đường 1- C ác liệt, nhờ có biết bao TNXP chiến đấu, phục vụ với tinh thần quả cảm như các anh chị Ngọc Đẹp, Hồng Láng, Văn Thình mà Liên đội 1 TNXP Tây Nam bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Chính vì biết rõ đây là con đường huyết mạch để vận chuyển tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực và đưa rước cán bộ vào chiến trường Tây Nam Bộ nên địch thường xuyên tập trung lực lượng càn quét, đánh phá ác liệt. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, lực lượng TNXP đã trực tiếp cầm súng chiến đấu, gây không ít thiệt hại, tổn thất cho địch. Điển hình như trong trận chống càn vào tháng 4 - 1969, địch dùng B52, trực thăng và 80 xe bọc thép cùng 2.500 quân tấn công trực diện vào lực lượng TNXP thuộc Đại đội Nguyễn Việt Khái II và III (Cà Mau). Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, trong khi quân ta thì mỏng lại đóng quân trong khu vực rừng tràm với bán kính không đầy 2km. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, quyết liệt, trong 7 ngày, lực lượng TNXP đã đẩy lùi 12 đợt tấn công của địch. Nhiều lần, Liên đội 1 đã phá vòng vây của địch để chuyển, giữ hàng, tải thương, thông tuyến và bảo tồn lực lượng. Trong 8 năm hoạt động, Liên đội 1 đánh hơn 200 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên địch, bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy 5 xe tăng và 14 tàu chiến. Để có những chiến công ấy, biết bao TNXP đã mãi mãi nằm lại trên tuyến đường 1-C ác liệt ...

Thắm tình đồng đội...

Nhiều cựu TNXP khẳng định, trong kháng chiến ác liệt, chính tình đồng chí đồng đội yêu thương, gắn bó với nhau như máu thịt là động lực to lớn giúp mọi người vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Cô Đoàn Thị Hồng Khéo, cựu TNXP Đại đội Mai Thanh Thế (Sóc Trăng), kể: “Mỗi người được cấp 3 m cao su, 2 bộ quần áo. Nhiều lúc không đủ gạo ăn, chúng tôi kiếm củ chuối, rau rừng lót dạ nhưng trên vai lúc nào cũng vác trên 25 kg đạn dược, hàng hóa. Có lúc tôi vác hơn 40 kg đạn. Khổ nhất là vào mùa nước nổi, nhiều hôm cả ngày chị em dầm mình dưới nước, cộng với bom đạn luôn rình rập. Có khi nhiều tháng không có muối, gạo ăn, lại còn bị đỉa vắt cắn, muỗi đốt suốt đêm... Gian khổ đến vậy nhưng mọi người luôn đoàn kết, đùm bọc, chăm sóc nhau...”. Có khi địch thả bom dầu đốt cháy hết quần áo, các nữ TNXP chỉ còn bộ đồ mặc trên người, chị em nhường nhịn, chia sớt nhau từng tấm áo. Chiến tranh ác liệt, thiếu thốn trăm bề, nhiều lúc tải vũ khí, cô Khéo và các nữ TNXP phải mặc quần ngắn như nam giới, thịt da thường xuyên bị gai cào, cỏ cắt rướm máu. Có những lúc địch đánh phá ác liệt, kho gạo bị bom đạn phá tung, chỉ còn một ít gạo nhường lại nấu cháo cho thương binh và những đồng chí đau yếu. Để cầm cự, anh em thay phiên nhau hái từng ngọn rau muống, ngó cù nèo, gạc nai ăn cầm hơi.

Cô Châu Kim Tiến (dân tộc Khmer) là cựu TNXP Đại đội Mai Thanh Thế, còn nhớ rõ lần Đại đội bị địch bao vây ở đồi Tức Dụp (An Giang) gần 2 tháng trời. Ta ở trong hang lưng chừng giữa đồi, địch chia làm 2 cánh bao vây (một cánh ở trên đỉnh đồi, một cánh đóng quân ở chân đồi) với đầy đủ bộ binh, xe tăng, xe lội nước, trực thăng... Ở dưới chân núi chủ yếu là bà con người dân tộc Khmer sinh sống nên cô Tiến tình nguyện vượt qua vòng kiểm soát của địch đi lấy nước, lương thực để đơn vị cầm cự chiến đấu với kẻ thù. Có lúc chỉ cách địch chừng vài chục mét, phải bò để địch không phát hiện trong khi vác trên vai hơn 30 kg lương thực... Tình đồng đội còn thể hiện qua những kỷ niệm về những đêm hành quân tải hàng đông vui như trẩy hội, tiếng cười nói râm ran trên cung đường dài hàng trăm cây số...; hay những chuyến vận chuyển hàng đói lả người nhưng chị em cùng nhau hát để động viên nhau bước tiếp...

Còn biết bao chuyện cảm động về tinh thần đoàn kết, hết mực thương yêu, nhường cơm sẻ áo cho nhau trong lực lượng TNXP. Nhiều khi mới hôm qua các chị còn nằm bên nhau cười nói, kể cho nhau nghe về bao ước mơ, dự định sẽ làm khi đất nước thống nhất, thì hôm sau họ phải vội vàng chôn cất những đồng đội thân yêu ở đâu đó dọc đường hành quân. Không ít đồng chí, đồng đội nằm lại trên chiến trường, không mồ mả, không khói hương, hoặc đến nay chưa tìm thấy hài cốt...

Phát huy truyền thống anh hùng...

Sau ngày đất nước thống nhất, những cựu TNXP dù giữ những nhiệm vụ khác nhau hay trở về cuộc sống đời thường, đa số đều tiếp tục giữ gìn truyền thống, phẩm chất của lực lượng TNXP Tây Nam bộ. Với tinh thần “Tuổi trẻ xung phong, về già gương sáng”, nhiều cựu TNXP hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội, vì nghĩa tình đồng đội, các phong trào giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, dạy bảo con cháu sống có ích, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Nhiều cựu TNXP nhiều năm xưa tìm về những địa danh trên tuyến đường 1-C để tìm hài cốt đồng đội đã hy sinh. Tính đến nay, Ban Liên lạc Khu đoàn Thanh niên Tây Nam bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau và Kiên Giang quy tập được 186 bộ hài cốt liệt sĩ TNXP nằm rải rác trên tuyến đường 1-C. Những năm qua, Hội Cựu TNXP TP Cần Thơ cũng đã tập hợp các cựu TNXP, tổ chức nhiều hoạt động “Vì nghĩa tình đồng đội”, phong trào đền ơn đáp nghĩa. Trong 5 năm qua (2005-2010), Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP TP Cần Thơ tích cực vận động hàng trăm triệu đồng, xây dựng được 7 căn nhà cho cựu TNXP nghèo và giúp đỡ, thăm viếng nhiều cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn, đau yếu ...

Những câu chuyện xúc động làm nên huyền thoại về tuyến đường 1-C hào hùng của những cựu TNXP năm xưa, cùng với những việc làm, hành động thiết thực, đầy ý nghĩa của họ trong thời bình càng khẳng định danh hiệu anh hùng mà Liên đội 1 TNXP Tây Nam bộ đón nhận thật đáng trân trọng. Những cống hiến, hy sinh thầm lặng của bao chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi ấy mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo...

Chia sẻ bài viết