21/02/2013 - 21:08

Huyện lúa thơm Trần Đề

Một số vùng trồng lúa thơm ST5 của Trần Đề đang vào vụ thu hoạch với mức giá cao hơn 700-1.000 đồng/kg so với lúa cao sản.

Với diện tích gieo trồng các giống lúa thơm chiếm trên 80% ở vụ đông xuân 2012-2013, huyện Trần Đề đang tiến rất gần với tên gọi: “huyện lúa thơm” đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.

* Đi sau về trước

Nếu so với một số huyện trồng lúa khác trong tỉnh, cây lúa thơm bén duyên trên đồng đất huyện Trần Đề chậm hơn nhiều. Chỉ sau 3 năm thành lập huyện, từ một diện tích lúa thơm ST5 ít ỏi được trồng chủ yếu ở xã Viên Bình, huyện Trần Đề đã có những cú bứt phá ngoạn mục để qua mặt những huyện trồng lúa thơm trước đó như: Ngã Năm, Mỹ Xuyên… Không có gì bất ngờ trước sự phát triển này, bởi cách đây 2 năm, kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã từng nhận xét: “Vùng đất của huyện Trần Đề thuộc vào loại tốt nhất trong tỉnh. Đây là nơi có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nhất để phát triển các giống lúa thơm chất lượng cao”.

Thật ra, từ năm 2007, trên địa bàn xã Viên Bình đã xuất hiện cánh đồng lúa thơm ST5 400-500ha. Đến vụ đông xuân 2010-2011, diện tích lúa thơm giống ST5 xuống giống tập trung trên một cánh đồng đã lên đến 1.440ha, đạt năng suất bình quân từ 1-1,2 tấn/công (tầm lớn), được thương lái mua với giá 7.300-7.500 đồng/kg (lúa tươi), mức lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha. Đến vụ đông xuân 2011-2012, diện tích gieo trồng các giống lúa thơm của huyện chiếm 39% tổng diện tích gieo trồng toàn vụ; trong đó, giống lúa ST5 chiếm 19,67%, còn lại là các giống lúa thơm ngắn ngày như: OM 4900, OM 6162, OM 9921, OM 7347, OM 9915. Tính chung năm lương thực 2012, diện tích gieo trồng các giống lúa thơm ST của huyện là 22.601ha, chiếm trên 47% diện tích gieo trồng. Và đến vụ đông xuân 2012-2013, diện tích lúa thơm toàn huyện đã lên đến 18.315ha, chiếm 80,51% diện tích gieo trồng; trong đó, diện tích giống ST5 chiếm 35,97% diện tích.

* Tăng tốc nhờ chủ trương đột phá

Lý giải cho sự tăng tốc trên, ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cho biết: “Qua nghiên cứu, nhận xét của các nhà khoa học trong tỉnh, kết hợp với thực tế sản xuất cho thấy, giống lúa thơm ST hay những giống lúa thơm khác, khi được trồng trên đồng đất của huyện đều cho năng suất và chất lượng rất cao. Vì vậy, ngay sau khi thành công ở vụ lúa đông xuân 2010-2011 với giống lúa thơm ST5, Huyện ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển lúa đặc sản với chủ lực là các giống lúa thơm Sóc Trăng (ST), để phấn đấu đạt 10.000ha lúa thơm vào năm 2015; trong đó có trên 50% là giống ST. Đây là một chủ trương mang tính đột phá cho cây lúa của huyện, nhằm tiến tới hình thành vùng nguyên liệu lúa thơm mang tính hàng hóa để xây dựng thương hiệu”.

Mục tiêu khiêm tốn trên đã nhanh chóng bị phá vỡ khi kết thúc năm lương thực 2012, diện tích lúa thơm toàn huyện đã đạt 22.601ha, chiếm trên 47% diện tích gieo trồng cả năm. Chủ tịch Nguyễn Thành Trung lý giải: “Diện tích lúa thơm tăng nhanh là nhờ năng suất không thua kém các giống lúa cao sản và giá bán của các giống lúa thơm luôn có sự chênh lệch lớn so với các giống lúa không thơm khác. Đặc biệt là giống lúa thơm ST luôn có giá trị cao hơn từ 500-1.500 đồng/kg. Một nguyên nhân khác là chủ trương phát triển cánh đồng mẫu sản xuất tập trung một loại giống, rồi đề án phát triển vùng nguyên liệu lúa đặc sản của tỉnh được nông dân trong huyện đồng tình hưởng ứng với chọn lựa ưu tiên là các giống lúa thơm. Quan điểm chỉ đạo của huyện là trước mắt phải tập trung nâng cao chất lượng, ổn định diện tích gieo trồng, tiến tới xây dựng thương hiệu”.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đồng chí Lâm Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện đã nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đối với sản xuất lúa là tiếp tục phát triển các giống lúa đặc sản có chất lượng cao. Hiện tại, giá một số giống lúa thơm tuy có giảm so với những năm trước, nhưng nhìn chung, hiệu quả vẫn cao hơn những giống lúa thường khác. Phải thống nhất quan điểm rằng: Phát triển các giống lúa đặc sản có chất lượng cao là một chủ trương mang tính lâu dài. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, cần cập nhật thông tin về giống, thị trường để có kế hoạch phát triển phù hợp. Với chủ trương trở thành huyện lúa thơm đầu tiên của tỉnh, ngoài việc tổ chức lại sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu, tổ hợp tác, hợp tác xã, công tác giống, thủy lợi được lãnh đạo huyện xác định là một trong những vấn đề trọng tâm cần tập trung thực hiện.

Mai này, trên bản đồ trồng lúa của tỉnh Sóc Trăng, hay của khu vực ĐBSCL và có thể là của cả nước sẽ xuất hiện một địa danh mang tên: “Huyện lúa thơm Trần Đề”. Điều đó sẽ không còn xa và người hưởng lợi nhiều nhất không ai khác chính là nông dân trồng lúa thơm trong huyện. Khi đó, Nghị quyết chuyên đề về phát triển lúa đặc sản của huyện Trần Đề không chỉ dừng lại ở mục tiêu là những con số về diện tích, năng suất, sản lượng, mà còn nâng cao được giá trị sản xuất để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa...

Bài, ảnh: Xuân Trường

Chia sẻ bài viết