06/05/2009 - 23:01

Đồng chí Tô Huy Rứa:

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tổ chức, ngày 6-5, tại Hà Nội, nhiều mô hình mới, cách làm hay trong việc tổ chức đám cưới trang trọng, lịch sự, tiết kiệm đã được các địa phương, ban ngành, đoàn thể cùng thảo luận, chia sẻ.

Ban chỉ đạo Tổng kết Chỉ thị 27-CT/TW cho biết việc tổ chức đám cưới tiết kiệm đã được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo xây dựng một số đám cưới mẫu để rút kinh nghiệm, tuyên truyền, nhân rộng, kết hợp vận động tổ chức thực hiện lễ trao giấy đăng ký kết hôn tại trụ sở ủy ban nhân dân xã. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, hiện tượng lãng phí, phô trương, “bán cỗ thu tiền”, vụ lợi, gây phiền nhiễu giảm rõ rệt (giảm hơn 60%); giảm trên 70% các hủ tục như tảo hôn, ép hôn, thách cưới quá cao, uống rượu say, đánh bạc. Nhiều mô hình mới về cưới văn minh, lành mạnh, tiết kiệm được các tầng lớp nhân dân đón nhận và ủng hộ, tiên phong trong hoạt động này phải kể đến lực lượng đoàn viên thanh niên trong cả nước.

Đoàn Thanh niên các cấp chủ trì, phối hợp tổ chức đám cưới theo nếp sống mới; hướng dẫn các hoạt động mang ý nghĩa giáo dục khi tổ chức đám cưới, đơn cử như việc đặt hoa ở đài tưởng niệm liệt sĩ, trồng cây lưu niệm; đóng góp quỹ xây dựng các công trình công cộng; khuyến khích, biểu dương, ủng hộ đám cưới chỉ dùng tiệc trà, bánh kẹo...

Lực lượng công nhân, viên chức, lao động cũng là một trong những đối tượng hưởng ứng tích cực cuộc vận động này. Một trong những mô hình mới là tổ chức đám cưới tập thể tại nhà văn hóa, câu lạc bộ của cơ quan, doanh nghiệp, có sự hỗ trợ về vật chất của đơn vị, các đoàn thể. Hình thức này vừa tiết kiệm, đảm bảo đúng Luật Hôn nhân và gia đình, đồng thời hạn chế được nhiều thủ tục rườm rà. Một số đám cưới tổ chức tại cơ quan sau giờ làm việc, bằng tiệc ngọt, khách mời hợp lý, được nhiều người đồng tình bởi vừa trang trọng, tiết kiệm mà vẫn vui, không gây phiền phức. Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang chỉ đạo nhân rộng mô hình này.

Trong các đơn vị quân đội, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới được lãnh đạo, chỉ huy các cấp rất quan tâm, phối hợp chặt chẽ với địa phương tổ chức đám cưới cho thanh niên quân nhân tại đơn vị, theo hình thức tiệc trà kết hợp với liên hoan văn nghệ, được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, tuổi trẻ địa phương ủng hộ.

Một số khu vực đô thị đã hình thành nghi thức cưới văn minh, tiết kiệm, như dùng tiệc trà thay cho tiệc mặn, hình thức báo hỷ được nhiều gia đình cán bộ, công chức và nhân dân hưởng ứng. Dịch vụ tổ chức đám cưới trọn gói ngày càng phát triển, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của thanh niên do phù hợp với thu nhập, nhanh gọn, giá cả linh hoạt.

Khu vực đồng bào dân tộc Khmer, Chăm, một số dân tộc ở Tây Nguyên, Tây Bắc vẫn bảo tồn và phát huy tốt các yếu tố văn hóa trong đám cưới, nhất là về lễ thức, trang phục, ẩm thực truyền thống, âm nhạc. Nét mới là gần đây một số cuộc liên hoan nghệ thuật truyền thống, ngày hội văn hóa các dân tộc Chăm, Hoa, Mông, Mường, Khmer, Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên..., đám cưới theo nghi thức truyền thống được giới thiệu, quảng bá. Nhiều phong tục mới trong việc cưới đã ra đời như việc gặp mặt tư vấn cho đôi vợ chồng trẻ về kinh nghiệm tổ chức gia đình trước ngày cưới của Ban Tổ chức Câu lạc bộ “tiền hôn nhân”; đôi vợ chồng trẻ tặng sách cho phòng đọc của thôn, xã làm quà lưu niệm hoặc trồng cây ở vườn hạnh phúc, dâng hương tại đình làng, đặt hoa tại đài tưởng niệm danh nhân nhân ngày cưới... Nhiều đám cưới trước đây tổ chức 2 ngày, nay rút lại còn 1 ngày hoặc nửa ngày. Nhìn chung sự tiến bộ trong tổ chức đám cưới ở vùng nông thôn rõ hơn ở thành thị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao và hoan nghênh và tiếp thu ý kiến đóng góp của của các đại biểu và nêu rõ: Qua 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã không những góp phần trực tiếp tiết kiệm được nhiều tiền của, công sức và thời gian của xã hội, nhân dân mà còn thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển, xây dựng những giá trị và chuẩn mực đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kết quả đạt được tuy còn khiêm tốn nhưng đã chứng tỏ nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của cả hệ thống chính trị kiên trì, liên tục thực hiện cuộc vận động này. Tuy vậy, việc thực hiện trong những năm gần đây chưa đạt yêu cầu, mục đích đặt ra trong chỉ thị, một số kết quả đạt được không vững chắc và không đồng đều giữa các địa phương. Việc tổ chức lễ cưới mang tính phô trương lãng phí vẫn diễn ra khá phổ biến nhất là ở những thành phố lớn, trong cán bộ, công chức. Còn tồn tại khá nhiều hủ tục trong việc tang. Tổ chức lễ hội còn lãng phí, bị “ thương mại hóa”....

Đề cập đến các giải pháp để thực hiện tốt hơn cuộc vận động này, đồng chí Tô Huy Rứa đề nghị: các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần thấm nhuần sâu sắc các quan điểm chỉ đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trình bày Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Từ kết quả của Hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ xem xét ban hành Chỉ thị mới tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần nghiêm túc triển khai học tập, quán triệt, tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể thực hiện. Các hình thức tuyên truyền, vận động cần được đa dạng hóa nhằm nâng cao nhận thức toàn xã hội về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động. Vai trò chủ động của cả hệ thống chính trị gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội cần được phát huy. Cần phê phán kịp thời các biểu hiện tiêu cực, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái lợi dung tâm linh, ngoại cảm gây mất trật tự, an ninh xã hội, góp phần xứng đáng vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng ta.

Cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc tổ chức, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng về việc cưới, việc tang, lễ hội và tâm linh, ngoại cảm. Các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng những quy định, văn bản hướng dẫn mới liên quan đến việc cưới, việc tang, lễ hội, lễ kỷ niệm đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện nay.

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị tập trung chỉ đạo công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tạo nền tảng tinh thần lành mạnh để các tầng lớp nhân dân thực hành nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và hoạt động tâm linh. Hoạt động này gắn chặt với cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tổng hợp của các cuộc vận động. Cấp ủy và chính quyền các địa phương chỉ đạo làng, bản, ấp, tổ dân phố bàn bạc đưa vào qui ước văn hóa, hương ước văn hóa những quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội, về xây cất mồ mả, lăng mộ..., mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà tang lễ, xây dựng cơ sở điện táng, quy hoạch nghĩa địa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện tốt những yêu cầu nếp sống văn minh trong việc cưới và việc tang.

Đồng chí Tô Huy Rứa cho rằng: Nhân tố quyết định chính là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, mỗi đảng viên phải gương mẫu chấp hành, mỗi tổ chức đảng phải quan tâm lãnh đạo thường xuyên, có đôn đốc, kiểm tra, tăng cường quản lý đảng viên, phải nhắc nhở, kiểm điểm, làm rõ và xử lý nghiêm những đảng viên vi phạm Chỉ thị của Đảng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

THỦY- HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết