Bài, ảnh: MỸ THANH
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số (CÐS) không chỉ là công cụ, xu hướng tất yếu mà còn là nguồn lực mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, quá trình CÐS DN gặp nhiều cản ngại từ cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Chính vì vậy, việc huy động nuồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ DN trong hành trình CÐS là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ðây cũng là nội dung được đề cập xuyên suốt tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về CÐS và công nghiệp 4.0 cho DN nhỏ và vừa” vừa diễn ra.
Các giải pháp làm nông thông minh thích ứng biến đổi khí hậu được giới thiệu đến doanh nghiệp, hợp tác xã tại một sự kiện diễn ra trên địa TP Cần Thơ.
Theo Báo cáo thường niên CÐS DN năm 2022 vừa được Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư công bố, vấn đề CÐS trong DN thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức về CÐS của DN được nâng lên, nhiều DN đã quan tâm ứng dụng CÐS trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, mức độ sẵn sàng CÐS trong DN tương đối tốt với thang điểm 3/5 điểm. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực này, CÐS vẫn đang là thách thức lớn đối với cộng đồng DN Việt Nam, nhất là DN nhỏ và vừa. Kết quả khảo sát cho thấy, gần 50% DN đã áp dụng công nghệ, giải pháp số nhưng đang tạm dừng và không sử dụng tiếp. Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn chưa biết CÐS bắt đầu từ đâu, lộ trình như thế nào để đạt được kết quả như kỳ vọng.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, nhấn mạnh: CÐS và áp dụng công nghệ 4.0 trong cộng đồng DN sẽ khó có thành công nếu như chỉ trông chờ vào các chính sách của cơ quan chức năng hay sự nỗ lực đơn lẻ của cộng đồng DN. Muốn CÐS thành công cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả DN và sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Chẳng hạn, đối với CÐS trong lĩnh vực nông nghiệp muốn thành công ngoài nỗ lực của DN còn cần có sự tiếp sức từ các bộ ngành, địa phương thể hiện thông qua ứng dụng công nghệ đối với vùng trồng quốc gia hay những chính sách liên quan đến vĩ mô cho ngành Nông nghiệp.
Trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN CÐS. Ðáng chú ý, từ đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư ban hành Chương trình Hỗ trợ DN CÐS giai đoạn 2021-2025. Trong đó, giao Cục Phát triển DN là cơ quan đầu mối, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức hiệp hội và các đối tác cùng triển khai thực hiện. Ðến nay, chương trình đã hỗ trợ chuyên sâu cho hơn 100 DN nhỏ và vừa cải thiện chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất bằng cách áp dụng lộ trình CÐS, các giải pháp truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, việc hợp tác quốc tế để chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới vào quá trình CÐS của DN Việt đang được tập trung triển khai. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp với các tổ chức quốc tế như Cơ quan Phát triển quốc tế (USAID), Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), Tổ chức hợp tác quốc tế Ðức (GIZ)… và các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và CÐS cho DN.
Theo ông Wolfgang Wiegel, Chuyên gia cố vấn GIZ, CÐS và công nghiệp 4.0 tác động ngày càng lớn đến các DN nhỏ và vừa trên toàn thế giới. Vì vậy, Chính phủ Ðức đã và đang tích cực hỗ trợ các DN nhỏ và vừa Việt Nam giải quyết những thách thức mà Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra, thông qua hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận công nghệ để DN bắt kịp và sẵn sàng cho hành trình CÐS. “Mức độ sẵn sàng CÐS của DN và việc triển khai các giải pháp tập trung vào khách hàng không chỉ nhằm gia tăng giá trị mà còn quyết định sự cạnh tranh và tăng trưởng thay vì chỉ để tồn tại. CÐS không chỉ là ứng dụng các quy trình số riêng lẻ mà còn là sự chuyển đổi DN toàn diện từ đầu đến cuối thông qua liên tục cải tiến quy trình và hệ thống. Tôi đề xuất 8 đòn bẩy CÐS trong DN. Trong đó, đòn bẩy định hướng DN: tạo nhu cầu, năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa quy trình, trải nghiệm khách hàng và đòn bẩy hỗ trợ DN gồm: hiệu suất quy trình, hiệu suất sử dụng tài sản, tính nhanh nhạy, mô hình kinh doanh mới” -
ông Wolfgang Wiegel nói.
Tại hội thảo, các DN còn được các chuyên gia hàng đầu về CÐS giới thiệu, chia sẻ về tình hình CÐS, công nghiệp 4.0 tại một số quốc gia trên thế giới, giới thiệu các chiến lược CÐS của ngành dệt may và chế biến thực phẩm tại châu Âu. Ông Tarek Hassan, Quản lý dự án Trung tâm CÐS Việt Nam (GIZ) cho rằng, quá trình CÐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cần triển khai song song và hướng đến sự phát triển bền vững. Trong khuôn khổ dự án Trung tâm CÐS do Chính phủ Ðức hỗ trợ tại Việt Nam, chúng tôi đã xây dựng hợp phần công nghiệp 4.0 nhằm hỗ trợ và thúc đẩy quá trình chuyển đổi kép của DN. Trong đó, có 3 trụ cột hướng tới DN: tăng cường nhận thức, tăng cường năng lực, nâng cao năng lực hệ sinh thái.
Có thể thấy, việc huy động sức mạnh tổng hợp từ nguồn lực trong và ngoài nước là giải pháp tối ưu hỗ trợ các DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng bắt kịp các tiến bộ công nghệ, tích hợp các giải pháp số. Qua đó, giúp các DN tăng sức cạnh tranh, phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong kỷ nguyên số hóa.