30/04/2008 - 10:10

Đồng bằng sông Cửu Long

Huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống phân phối, chợ đầu mối

(CT)- Đó là nội dung của hội thảo “Phát triển chợ đầu mối và hệ thống phân phối hàng hóa tại ĐBSCL” do UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 29-4-2008. Hiện tại, lưu thông hàng hóa ở thị trường nội vùng ĐBSCL chủ yếu thông qua hệ thống chợ (trên 40%). Tuy nhiên, mạng lưới chợ, cùng hệ thống phân phối chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của vùng. Việc phát triển hệ thống phân phối còn mang tính tự phát, manh mún, sự liên kết trong và ngoài hệ thống phân phối còn yếu; hạ tầng kỹ thuật của các chợ còn lạc hậu. Tính đến cuối năm 2007, toàn vùng có 1.756 chợ bán buôn và bán lẻ, chiếm hơn 21% tổng số chợ cả nước. Trong tổng số 1.756 chợ của vùng, có đến 598 chợ tạm và 42 chợ hoạt động không hiệu quả. Còn hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tập trung chủ yếu ở những thành phố lớn như TP Cần Thơ...

Nhiều ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, trong xu thế hội nhập kinh tế và mở cửa thị trường dịch vụ theo cam kết với WTO, các tỉnh, thành phố cần quan tâm tạo điều kiện để phát triển hệ thống phân phối, chợ đầu mối ở từng địa phương. Mặt khác, phải đổi mới hệ thống phân phối hàng hóa, kết hợp phương thức phân phối truyền thống với hiện đại, hình thành chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích. Huy động mọi nguồn lực của xã hội và doanh nghiệp tham gia xây dựng hệ thống phân phối, chợ đầu mối. Phấn đấu đến năm 2010, trên 60% hộ nông dân sản xuất và tiêu thụ hàng hóa thông qua hợp đồng, hàng hóa phân phối có xuất xứ, địa chỉ cụ thể... theo Quyết định 26/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

THU HÀ

Chia sẻ bài viết